Hội nghị Thượng đỉnh an ninh Trung Đông lần thứ 20 tại Bahrain tập trung vào các giải pháp cho xung đột dai dẳng và những thách thức an ninh khu vực với sự tham gia của hơn 60 đoàn đại biểu quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Hội nghị Thượng đỉnh an ninh thường niên khu vực Trung Đông (hay còn gọi Đối thoại Manama) lần thứ 20 đã diễn ra tại Thủ đô Manama của Bahrain, từ ngày 6-8/12. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh khu vực Trung Đông vẫn đang đối mặt với những điểm nóng leo thang căng thẳng, thậm chí có nguy cơ bùng phát toàn khu vực.
Hội nghị thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng quốc tế và khu vực, với sự tham gia của hơn 60 đoàn đại biểu đến từ các quốc gia và tổ chức quốc tế. Sự kiện này đồng thời đánh dấu 20 năm thiết lập cơ chế Đối thoại Manama về an ninh và quốc phòng tại Bahrain, cũng như 25 năm Quốc vương Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa lên ngôi.
Đoàn đại biểu Bộ Công an Việt Nam do Thiếu tướng Đào Ngọc Dinh, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, dẫn đầu tham dự đối thoại.
Việc Đoàn đại biểu Bộ Công an Việt Nam tham dự Đối thoại Manama thể hiện rõ sự quan tâm, thiện chí cũng như vai trò và trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế.
Đối thoại Manama lần thứ 20 gồm 2 phiên họp đặc biệt và 7 phiên họp toàn thể, trong đó các đại biểu tập trung thảo luận các chủ đề quan trọng liên quan đến an ninh khu vực Trung Đông.
Các nội dung được đề cập bao gồm: Phản ứng chính trị và quân sự đối với xung đột; các thách thức từ phổ biến vũ khí hạt nhân; các phương pháp tiếp cận quốc tế về an ninh Trung Đông; tác động đan xen của an ninh Trung Đông và toàn cầu; các thách thức đối với quốc phòng trong bối cảnh phức tạp hiện nay và những sáng kiến nhằm đảm bảo hòa bình và hợp tác chiến lược trong khu vực…
Tại các phiên thảo luận, các chuyên gia nhắc lại rằng, trong những thập kỷ gần đây, không có cuộc chiến nào được giải quyết dứt điểm qua đường lối ngoại giao, và cũng không có bên nào giành chiến thắng tuyệt đối. Xung đột thường bị đóng băng hoặc quản lý bởi các nhóm “người chơi” khác nhau. Trong khi đó, hậu quả về con người và an ninh từ các cuộc xung đột ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Các cuộc xung đột ở Libya, Syria và Yemen diễn ra từ một thập niên trước vẫn chưa được giải quyết, trong khi các cuộc chiến ở Gaza và Lebanon là minh chứng rõ nhất cho sự thất bại của những nỗ lực khu vực và quốc tế trong việc ngăn chặn và giải quyết bạo lực. Cuộc khủng hoảng nhân đạo và sự suy sụp hạ tầng đã gây thiệt hại to lớn cho các quốc gia trong khu vực, lan tỏa sang lân cận và thậm chí ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế.
Các diễn giả nhấn mạnh rằng, giải quyết các vấn đề khu vực phải bắt nguồn từ nguyên nhân gốc rễ. 22 quốc gia Arab không thể ổn định nếu một trong số đó mất đi hòa bình. Do đó, các quốc gia Arab cần giữ vai trò là lực lượng tiên phong, đề xuất các sáng kiến hòa bình, giải quyết vấn đề các nhóm vũ trang phi nhà nước. Đồng thời, học thuyết chính trị dài hạn cần được áp dụng, đi kèm một chiến lược bao trùm và đối thoại mở rộng để hòa bình hoá các xung đột.
Đối thoại Manama thu hút sự tham gia của hơn 60 đoàn đại biểu quốc tế, trong đó có Việt Nam.