Việt Nam chuẩn bị kịch bản ứng phó với khả năng xảy ra “chiến tranh thương mại”

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam06/02/2025

(PLVN) - Hiện nay, thương mại quốc tế đang bị đe dọa bởi sự xuất hiện của chủ nghĩa đơn phương. Việt Nam cần làm gì để ứng phó với tình trạng này khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở gần như lớn nhất thế giới?


Việt Nam cần sớm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh bị ảnh hưởng mạnh nếu chiến tranh thương mại xảy ra. (Ảnh: VGP)
Việt Nam cần sớm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh bị ảnh hưởng mạnh nếu chiến tranh thương mại xảy ra. (Ảnh: VGP)

(PLVN) - Hiện nay, thương mại quốc tế đang bị đe dọa bởi sự xuất hiện của chủ nghĩa đơn phương. Việt Nam cần làm gì để ứng phó với tình trạng này khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở gần như lớn nhất thế giới?

Nguy cơ xảy ra “cuộc chiến thương mại”?

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đang dần tiến tới mức lịch sử, 800 tỷ USD với kim ngạch xuất khẩu đạt 405 tỷ USD. Trong đó, riêng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN. Ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Ngay khi Hoa Kỳ công bố Tổng thống Trump trúng cử nhiệm kỳ mới, hàng loạt các chuyên gia đã đưa ra các khuyến nghị để Việt Nam có thể tránh tối đa rủi ro từ chính sách thuế mới của quốc gia này khi Tổng thống Trump chính thức nhậm chức.

Hiện nay, đã có nhiều quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ. Nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại đã được nhận diện. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, tại thời điểm hiện nay, thương mại quốc tế đang bị đe dọa bởi sự xuất hiện của chủ nghĩa đơn phương. Thay vì mở cửa, giảm bớt rào cản thì phương châm của chủ nghĩa này là dựng thêm các hàng rào, đánh thuế cao hàng hóa nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia sử dụng một số biện pháp phi thuế quan như giấy phép, hạn ngạch…

Mới nhất, sau khi trở lại Nhà Trắng với nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump lập tức sử dụng thuế quan như một trong những công cụ chính nhằm định hình lại chính sách kinh tế và đối ngoại với các nước.

Kịch bản nào để ứng phó?

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2025 (diễn ra ngày 5/2/2025), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất khó lường, tác động trực tiếp tới Việt Nam, nhất là tới xuất khẩu. Thủ tướng đề nghị phải dự báo, phân tích thật sát tình hình tháng 2 và thời gian tới, nhất là những vấn đề mới, những vấn đề nổi lên, như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, nếu có sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu; từ đó đề xuất giải pháp để phản ứng kịp thời, không bị động.

Đồng thời, Thủ tướng gợi ý một số giải pháp như tiếp tục tập trung làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ…

Tại cuộc gặp mặt đầu xuân của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá, trong bối cảnh diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, toàn ngành cần tiếp tục tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường đã có, đồng thời đẩy mạnh đàm phán, ký kết và khai mở thị trường mới, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Trước đó, ngay khi thông tin Tổng thống đắc cử nhiệm kỳ tới của Hoa Kỳ là Donald Trump với các dự đoán về việc sử dụng chính sách thuế với hàng hóa nhập khẩu như một công cụ đắc lực để kéo thu hút đầu tư về lại Mỹ, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra 2 kịch bản để ứng phó với sự kiện này. Theo đó, kịch bản khả quan là Hoa Kỳ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam và Việt Nam sẽ hưởng lợi khi dòng đầu tư có xu hướng dịch chuyển, kéo theo xu hướng dịch của chuyển chuỗi cung ứng. Khi đó, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng lợi thế quốc gia xuất khẩu thuộc Top 20 thế giới.

Ở kịch bản thứ hai, nếu tác động thuế quan gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều. Thị trường Trung Quốc - đối tác lớn của Hoa Kỳ nếu gặp khó khăn do bị áp thuế cũng sẽ tạo ra sức ép tại Hoa Kỳ và tác động đến Việt Nam. Với kịch bản này, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hoá thị trường trong thời gian tới.



Nguồn: https://baophapluat.vn/viet-nam-chuan-bi-kich-ban-ung-pho-voi-kha-nang-xay-ra-chien-tranh-thuong-mai-post539082.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available