Việt Nam đóng góp với Hội nghị năm giải pháp để góp phần đưa hợp tác quốc tế về phòng, chống cực đoan hóa và bạo lực cực đoan đi vào hiệu quả chiều sâu, thiết thực.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, ngày 25/9, tại Moskva đã khai mạc Hội nghị quốc tế về phòng chống chủ nghĩa cực đoan bao lực lần thứ 4.
Hơn 40 đoàn đại biểu các quốc gia và tổ chức đã tham dự sự kiện, trong đó Chủ tịch Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) Ahmed Nasser Al-Raisi, đại diện Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự và phát biểu tham luận.
Trong phát biểu chào mừng Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Liên bang Nga Igor Zubov nhấn mạnh vấn đề truyền bá tư tưởng chủ nghĩa cực đoan và ảnh hưởng của tư tưởng cực đoan hiện nay đang trở nên thời sự hơn bao giờ hết.
Công nghệ tấn công mạng vào các quốc gia đã trở nên phổ biến, không chỉ gây mất ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của quốc gia mà còn có thể làm thay đổi hiến pháp bằng vũ lực.
Chủ tịch Interpol, Ahmed Naser Al-Raisi chỉ ra rằng hiện nay công nghệ đã cho phép thông tin, trong đó có thông tin cực đoan, mang tính chất khủng bố và bạo lực, lan truyền rất nhanh, do đó đòi hỏi các lực lượng chống khủng bố và cực đoan cũng phải phát triển những công nghệ tiên tiến trong điều tra chống khủng bố.
Ông Al-Raisi nhấn mạnh Hội nghị tại Moskva là diễn đàn tốt để các quốc gia và tổ chức chia sẻ kinh nghiệm, cũng như đề xuất các sáng kiến trong lĩnh vực.
Thay mặt Đoàn đại biểu Bộ Công an Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm chia sẻ tại Hội nghị về thực tiễn xã hội hiện nay ở Việt Nam, được quốc tế đánh giá như hòa bình, ổn định, điểm đến đáng tin cậy, an toàn, trật tự, văn minh, tiến bộ.
Dù cả xã hội thể hiện tính đoàn kết cao thì vẫn tồn tại một số yếu tố tiềm ẩn phức tạp về hoạt động bạo lực cực đoan, khủng bố, ví dụ như lợi dụng “quyền dân tộc tự quyết” để kích động đòi xây dựng “nhà nước riêng,” vu cáo Việt Nam phân biệt, đàn áp người dân tộc thiểu số, tiến hành bạo loạn, phá rối trật tự an ninh, âm mưu lật đổ chính quyền; hoạt động mang tính chất “tà giáo,” “dị giáo;” sử dụng “vỏ bọc” là các tổ chức dân sự, diễn đàn dân chủ, qua mạng xã hội lôi kéo, tác động, đào tạo, tập huấn các phương thức tiến hành hoạt động khủng bố, phá hoại.
Để người dân được sống hạnh phúc, an tâm trong môi trường an ninh, an toàn, hạnh phúc, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp:
Một là, đặc biệt chăm lo phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao chỉ số hạnh phúc, lấy đây là giải pháp căn cơ nhất để giảm thiểu những yếu tố tiềm ẩn phức tạp về khủng bố và bạo lực cực đoan.
Hai là, ban hành các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về dân tộc, tôn giáo trên cơ sở tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tạo điều kiện để tất cả các dân tộc ít người thu hẹp khoảng cách phát triển với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau;” những vấn đề này đều được Hiến định và quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.
Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động trên không gian mạng thông qua ban hành các luật về lĩnh vực này.
Bốn là, chủ trọng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua phát triển kinh tế, xã hội nhằm từng bước xóa bỏ chênh lệch về trình độ phát triển của các cộng đồng dân cư vùng miền, trong đó Chương trình quốc gia xóa đói, giảm nghèo đạt được những thành tựu bền vững được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trên bình diện song phương và đa phương trong đấu tranh chống cực đoan hóa, bạo lực cực đoan và khủng bố.
Đến nay, Việt Nam là thành viên của 13/19 điều ước quốc tế về chống khủng bố của Liên hợp quốc, tham gia nhiều điều ước quốc tế về quyền con người, quyền của người dân tộc thiểu số.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là thành viên của Công ước ASEAN về chống khủng bố, tham gia dự án “Mạng lưới chuyên gia về phòng ngừa bạo lực cực đoan khu vực Đông Nam Á” của Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc.
Tự tin với kinh nghiệm của mình, Việt Nam đóng góp với Hội nghị năm giải pháp để góp phần đưa hợp tác quốc tế về phòng, chống cực đoan hóa và bạo lực cực đoan đi vào hiệu quả chiều sâu, thiết thực, gồm:
Thứ nhất, dựa vào những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi quốc gia trong phòng, chống khủng bố, chống cực đoan hóa và bạo lực cực đoan.
Thứ hai, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, trước hết là giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong chia sẻ kịp thời thông tin; phối hợp đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động có dấu hiệu bạo lực cực đoan, ngăn chặn nguồn tài trợ, nhất là trong các hội, nhóm kín và trên không gian mạng. Tập trung phòng ngừa “từ sớm, từ xa.”
Thứ ba, tăng cường quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc trên lãnh thổ mỗi quốc gia, ứng dụng khoa học công nghệ như Trí tuệ nhân tạo, Sinh trắc học, Dữ liệu lớn trong quản lý xuất, nhập cảnh và quản lý dân cư.
Thứ tư, tăng cường hợp tác để giải quyết tận gốc vấn đề cực đoan hóa và bạo lực cực đoan, khủng bố.
Thứ năm, rút ngắn khoảng cách về năng lực phòng, chống cực đoan hóa và bạo lực cực đoan giữa các quốc gia; tăng cường hỗ trợ thiết bị, phương tiện, chuyển giao công nghệ phục vụ công tác phòng, chống cực đoan hóa và bạo lực cực đoan.
Các đề xuất của Việt Nam đã được các đại biểu hưởng ứng, trong đó Thứ trưởng Nội vụ Liên bang Nga Igor Zubov kêu gọi Hội nghị từ những đề xuất đó xây dựng nên các quan điểm, đường lối cụ thể để đưa các đề xuất thành hiện thực.
Tại Hội nghị, các đại biểu bày tỏ quan ngại về việc sử dụng ngày càng tăng các công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại nhằm đưa hệ tư tưởng của chủ nghĩa cực đoan vào ý thức đại chúng của người dân, đồng thời nhấn mạnh đến yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các Hiệp định, thỏa thuận quốc tế song phương, đa phương, tạo hành lang pháp lý cho chống cực đoan hóa, bạo lực cực đoan, trước mắt là triển khai hiệu quả Chiến lược chống khủng bố toàn cầu của Liên hợp quốc, Kế hoạch hành động chống bạo lực cực đoan của Liên hợp quốc và các văn bản pháp lý khác./.