Bộ NNPTNT cho hay, hết tháng 9 năm nay, nước ta đã chi 1,24 tỷ USD để nhập khẩu thịt và phụ phẩm động vật dùng làm thực phẩm, tăng mạnh 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, nước ta nhập khẩu thịt lợn, thịt trâu bò, gia cầm tươi và đông lạnh; nhập khẩu các phụ phẩm ăn được của động vật như chân gà, cổ gà, da gà, tim cật, lòng mề…
Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt, phụ phẩm từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ, Nga, Brazil, Đức, Canada, Mỹ, Tây Ban Nha, Ba Lan, Hàn Quốc… là nguồn cung chủ yếu các sản phẩm từ chăn nuôi cho nước ta trong 9 tháng vừa qua. Đáng chú ý, giá các sản phẩm nhập khẩu ở mức siêu rẻ so với hàng nội địa sản xuất.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 9 tháng của Việt Nam đạt 376 triệu USD, tăng 3,8%. Riêng trong tháng 9 đạt 46,1 triệu USD, tăng 19,1%.
Theo Bộ NNPTNT, hiện đàn lợn ước tăng 2,5%, sản lượng thịt lợn hơi 3.835 nghìn tấn, tăng 5,2%. Dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của các hộ chăn nuôi. Các doanh nghiệp và chuỗi liên kết sản xuất có xu hướng mở rộng sản xuất khi giá sản phẩm đầu ra tăng.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay, giá lợn hơi ở các quốc gia mà Việt Nam đang nhập khẩu ở mức khá thấp. Cụ thể, tại Nga, Brazil, Canada, giá mặt hàng này chỉ ở mức 34.100-34.200 đồng/kg; tại Mỹ là 38.400 đồng/kg… Do đó, mức giá bình quân thịt lợn nhập khẩu chỉ 52.000-55.000 đồng/kg.
“Mức giá thịt lợn nhập khẩu khiến nhiều người tiêu dùng choáng váng. Tương tự, các mặt hàng thịt gia cầm nhập khẩu cũng đổ bộ thị trường Việt với giá rẻ như cho”, ông Dương nói, trong khi giá lợn hơi xuất chuồng ở nước ta ngày 4/10 dao động từ 65.000-69.000 đồng/kg; các sản phẩm thịt lợn trên thị trường có giá phổ biến từ 120.000-250.000 đồng/kg tuỳ loại.
Theo ông Dương, những năm gần đây Việt Nam nhập rất nhiều sản phẩm chăn nuôi thải loại ở các quốc gia để làm thực phẩm. Điển hình, gà đẻ loại thải (gà hết chu kỳ khai thác trứng) nên Thái Lan, Hàn Quốc không dùng làm thực phẩm thì xuất khẩu sang Việt Nam với giá chỉ 20.000 đồng/con. Về đến biên giới giá thành khoảng 40.000 đồng/con và đưa ra thị trường bán với 50.000-60.000 đồng/con.
“Loại gà loại thải có thịt dai giòn giống như gà ta, hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Giá nhập quá rẻ nên thành món hàng siêu lợi nhuận”, ông Dường cho hay.
Còn theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những năm gần đây, Việt Nam đã được biết đến là một quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng thịt. Theo đó, dẫn đầu là Trung Quốc (48%), thứ hai là EU (20%), xếp thứ ba là Mỹ (11%), Brazil (4%), Nga (4%), Việt Nam (3%).
Về tiêu thụ thịt lợn, trong số 10 nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ 6 với tỷ lệ tiêu thụ thịt lợn/sản xuất là 105,4%. Sản xuất thịt lợn trong nước mới đáp ứng được 95% nhu cầu tiêu thụ thịt lợn.
“Lượng tiêu thụ thịt lợn/đầu người trong những năm gần đây của Việt Nam đã dần tăng lên. Năm 2021 khoảng 30 kg thịt lợn xẻ/người/năm. Năm 2022 khoảng 32 kg thịt lợn xẻ/người/năm. Năm 2023 khoảng 33,8 kg thịt lợn xẻ/người/năm”, ông Đăng chỉ rõ.
Khảo sát của Dân Việt cho thấy, thịt heo nhập khẩu giá 52.000-55.000 đồng một kg, chỉ bằng một nửa giá thịt trong nước. Trên các chợ đầu mối online, thịt gà và phụ phẩm giá 40.000-50.000 đồng một kg, thịt heo 25.000-120.000 đồng một kg.
Tại một cửa hàng online ở quận 12 (TP HCM), móng giò heo đông lạnh giá 50.000 đồng một kg, sườn que 60.000 đồng, bắp giò 79.000 đồng, gà đông lạnh 40.000 đồng một kg, thấp hơn nhiều so với thịt trong nước.
Chủ một cơ sở kinh doanh cho biết, các sản phẩm thịt và phụ phẩm giá rẻ này chủ yếu phục vụ bếp ăn tập thể, quán cơm bình dân và hàng ăn vỉa hè.
Bộ NNPTNT cho hay, từ khi có hiệu lực từ ngày 16/5/2024, tính đến ngày 25/9/2024, đã phát hiện nhiều lô hàng thịt nhập khẩu không đạt chất lượng. Trong đó, có 55 lô hàng dương tính với Salmonella trong tổng số 6.679 lô được xét nghiệm, chiếm khoảng 1%. Nếu không phát hiện kịp thời, gần 1.320 tấn thịt nhiễm Salmonella có thể đã xâm nhập vào Việt Nam, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Nguồn: https://danviet.vn/viet-nam-chi-hon-12-ty-usd-nhap-khau-thit-gia-sieu-re-so-voi-thit-trong-nuoc-20241004152739914.htm