Tỉ lệ chấp thuận các khuyến nghị là 84,7%, cao nhất trong số 4 chu kỳ theo cơ chế UPR mà Việt Nam đã tham gia tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Hôm 27-9 vừa qua, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV.
Chấp thuận 271/320 khuyến nghị
Trả lời báo chí ngày 1-10, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định đây là kết quả của một quá trình dài chuẩn bị của Chính phủ Việt Nam.
Theo đó, ngay sau phiên đối thoại vào tháng 5 vừa qua tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan tích cực tiến hành rà soát kỹ lưỡng tất cả 320 khuyến nghị đã nhận được từ 133 nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại phiên họp ngày 27-9, Việt Nam thông báo quyết định chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra, đạt tỉ lệ 84,7%.
“Đây là tỉ lệ chấp thuận cao nhất của ta trong 4 chu kỳ. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với tiến trình UPR, cũng như khẳng định mong muốn và quyết tâm của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”, ông Đỗ Hùng Việt khẳng định.
Khoảng 90 nước, các tổ chức quốc tế và một số tổ chức phi chính phủ đã tham dự phiên họp ngày 27-9.
Theo ông Việt, tuyệt đại đa số các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, sự tham gia của đoàn Việt Nam trong trao đổi, đối thoại cởi mở và thẳng thắn, có nhiều thông tin hữu ích, giúp cộng đồng quốc tế hiểu hơn về tình hình Việt Nam.
Điều đặc biệt xúc động tại phiên họp là khi các nước, bạn bè quốc tế đã tranh thủ sử dụng thời lượng ít ỏi mà Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc dành cho phát biểu của mình để bày tỏ tình cảm đoàn kết, chia sẻ với những đau thương, mất mát do cơn bão Yagi vừa gây ra cho nhân dân Việt Nam.
“Một số phát biểu cũng điểm lại quá trình đấu tranh của nhân dân Việt Nam để tự quyết định vận mệnh và con đường đi tới độc lập, tự do, hạnh phúc, coi đó là nền tảng để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chia sẻ thêm.
Phản bác các định kiến về bảo vệ quyền con người tại Việt Nam
Nhân phiên họp ngày 27-9, đoàn Việt Nam cũng đã cập nhật thông tin về các tiến triển mới kể từ phiên đối thoại tháng 5 vừa qua trên các lĩnh vực như xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, tiếp tục bảo đảm các nền tảng cơ bản về phát triển kinh tế – xã hội để bảo đảm tốt hơn quyền con người ở Việt Nam.
Đồng thời, đoàn Việt Nam cũng đã kịp thời có những ý kiến phản bác những luận điệu sai lệch, sử dụng những thông tin chưa được kiểm chứng thể hiện định kiến về Việt Nam trong phát biểu của một số ít tổ chức phi chính phủ tại phiên họp.
Theo đó, Việt Nam khẳng định luôn tạo môi trường thuận lợi cho người dân tham gia đóng góp xây dựng chính sách pháp luật.
Việc thực hiện các quyền con người cũng cần dựa trên thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích của cá nhân, cộng đồng, vì sự ổn định và thịnh vượng của cả đất nước.
Cũng tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam nhấn mạnh quyết tâm không khoan nhượng trước những hành động lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để kích động, gây bất ổn.
Về những việc cần làm sau phiên họp ngày 27-9, ông Đỗ Hùng Việt cho hay Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông qua kế hoạch tổng thể nhằm triển khai thực hiện 271 khuyến nghị đã chấp thuận.
Kế hoạch tổng thể này sẽ phân công cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, cơ quan thực hiện các khuyến nghị, cũng như đề xuất cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện đó.
Việt Nam cũng có kế hoạch tiến hành kiểm điểm giữa kỳ để xác định tiến độ thực hiện và những lĩnh vực cần đẩy mạnh nỗ lực hơn nữa.
“Trong quá trình này, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với Liên Hiệp Quốc, các đối tác quốc tế, các nước bạn bè để có thêm các nguồn lực giúp chúng ta có thể thực hiện tốt nhất các khuyến nghị”, thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định.
Được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thành lập từ năm 2006 và tiến hành lần đầu tiên vào năm 2008 với định kỳ bốn năm rưỡi một lần, UPR là cơ chế liên chính phủ với nhiệm vụ rà soát tổng thể tình hình nhân quyền tại tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc.
Cơ chế hoạt động dựa trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch và xây dựng.
Việt Nam tham gia đầy đủ các chu kỳ UPR và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị nhận được.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/viet-nam-chap-thuan-271-khuyen-nghi-cua-133-nuoc-tai-doi-thoai-ve-quyen-con-nguoi-20241001235955638.htm