Nền tảng kinh tế thị trường còn yếu

Thưa ông, ngày nay nhiều lãnh đạo nhắc đến từ “cơ đồ” để khẳng định vị thế của đất nước. Là chuyên gia kinh tế gắn với quá trình phát triển dài, ông hẳn đồng tình với nhận định này?

TS. Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Ngày nay, chúng ta đã xây dựng đất nước “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng loạt chỉ số phát triển như GDP đầu người, xuất nhập khẩu, tỷ lệ đô thị hóa, thành tích xóa đói giảm nghèo… đều tăng trưởng vượt bậc và chưa từng có trong lịch sử mấy nghìn năm của đất nước. Nhà cửa, cầu đường, sân bay, bến cảng đều đàng hoàng hơn.

Với 16 FTAs, chúng ta đã mở cửa hội nhập quốc tế ở mức độ mà ít quốc gia trên thế giới có được. Cho đến nay, hầu như tất cả các nền kinh tế lớn, các cường quốc trên thế giới đều là đối tác chiến lược của Việt Nam.

Giờ đây, chúng ta đã đi cùng thế giới văn minh hơn, với tư thế ngày càng đĩnh đạc và nỗ lực cùng chia sẻ những giá trị tốt đẹp của nhân loại. Những giá trị đó bắt đầu thấm vào nước ta, giúp nâng tầm đất nước, hay như Hồ Chủ tịch từng nói, để “Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Trong thế giới toàn cầu hóa và hội nhập phát triển, “sánh vai” thực sự là mục tiêu chiến lược quốc gia quan trọng hàng đầu mà Việt Nam đã, đang và tiếp tục kiên trì nỗ lực đạt tới.

TS Trần Đình Thiên: “Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thị trường, song song với những nhiệm vụ mang tính thời đại khác, có tầm quan trọng ngày càng tăng”. Ảnh: VNN

Tuy nhiên, cũng không thể và không nên bị “ngủ quên”. Ông băn khoăn nhất về điều gì liên quan đến quá trình phát triển?

Tuy nhiên, cần nhìn nhận mặc dù chúng ta tiến hành cải cách, chuyển sang kinh tế thị trường nhưng đến nay cấu trúc và cơ chế thị trường vẫn còn nhiều hạn chế. Chúng ta cam kết xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập, lại với “lợi thế đi sau”, song đến nay vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn mục tiêu đó. Mới chỉ có 1/3 số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Thực tế cho thấy nền tảng kinh tế thị trường của chúng ta hãy còn yếu, thể chế thị trường còn nhiều điểm tắc nghẽn, phân bổ nguồn lực vẫn dựa vào cơ chế cấp phát, xin – cho, mệnh lệnh hành chính còn nặng… Các thị trường nguồn lực quan trọng như thị trường đất đai, thị trường vốn, thị trường lao động hay khoa học công nghệ… thiếu đồng bộ, chưa phát triển và vận hành đầy đủ theo nguyên lý thị trường. Năng suất lao động còn thấp, hiệu quả đầu tư chưa cao.

Bên cạnh đó, lực lượng chủ thể quan trọng bậc nhất trong kinh tế thị trường là doanh nghiệp tư nhân còn rất yếu, vẫn bị phân biệt đối xử, thậm chí bị kỳ thị.

Trong nhiều góc độ, ở một số khía cạnh quan trọng, chúng ta hãy còn tụt hậu, thậm chí tụt hậu xa hơn, so với nhiều nền kinh tế thị trường trên thế giới.

Có nghĩa là ở nước ta, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thị trường, song song với những nhiệm vụ mang tính thời đại khác, có tầm quan trọng ngày càng tăng, như thực hiện thành cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và phát triển xanh.

Chính sách theo hướng nào kéo theo sự phát triển hướng đó. Lâu nay chúng ta vẫn ưu tiên kinh tế nhà nước là chủ đạo, thưa ông?

Thử thoát khỏi “lối mòn” truyền thống, nhận diện lại vấn đề. Trong quan niệm hiện nay của ta, “khu vực kinh tế tư nhân” chỉ bao gồm các doanh nghiệp tư nhân và các chủ thể tương đương là “hộ gia đình”; khu vực FDI cũng vậy, cũng chỉ bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tức là khái niệm “thành phần kinh tế” (mà chúng ta đã chuyển thành khái niệm mang tính thị trường thông thoáng hơn – “khu vực kinh tế”) đối với hai lực lượng này chỉ bao gồm các doanh nghiệp.

Trong khi đó, riêng với “khu vực kinh tế nhà nước”, nội hàm khái niệm lại gom vào rất nhiều thành tố “ngoài doanh nghiệp”. Bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước, khu vực kinh tế nhà nước còn bao gồm ngân sách nhà nước, các tài sản – công sản (tài sản công), các loại tài nguyên quốc gia… Về mặt lý luận, rõ ràng khái niệm “khu vực kinh tế” áp dụng cho các khu vực cụ thể là không tương đồng về nội hàm và cấu trúc.

Sự không tương đồng đó hàm chứa tình trạng không đồng đẳng trong quan niệm phát triển và không bình đẳng về thực lực – cấu trúc giữa các thành phần – khu vực kinh tế, tức là các chủ thể của kinh tế thị trường.

Thêm vào đó, về thái độ chính sách, chúng ta coi kinh tế nhà nước là “lực lượng chủ đạo” trong nền kinh tế, có vị thế vượt trội so với các khu vực – thành phần kinh tế khác. Đặt các thành phần đó cạnh nhau như là những lực lượng cạnh tranh thị trường bình đẳng trở nên khiên cưỡng về vị thế, khập khiễng về cấu trúc thực lực vì một bên, khu vực tư nhân chỉ có các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vốn còn nhỏ bé và non yếu, còn một bên là lực lượng doanh nghiệp nhà nước, cùng toàn bộ tài sản, nguồn lực quốc gia, có thế và lực mạnh gấp bội.

Chính cách tiếp cận không bình đẳng về cấu trúc như vậy dẫn tới thái độ phân biệt đối xử về cơ chế – chính sách.

Khu vực kinh tế nhà nước được đánh giá là vẫn chưa đạt yêu cầu dẫn dắt nền kinh tế. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà

Tôi cho là nên định nghĩa lại khái niệm kinh tế nhà nước. Hay nói cách khác, phải tách bạch các thành tố trong khu vực này, xem cái gì thuộc về doanh nghiệp nhà nước, cái gì thuộc nhà nước; kèm theo đó là chức năng, nhiệm vụ cụ thể – đặc thù trong nền kinh tế thị trường của mỗi thành tố.

Các thành tố ngân sách Nhà nước, tài sản công và tài nguyên quốc gia là các nguồn lực quốc gia, là kết quả đóng góp của tất cả các chủ thể kinh tế Việt, được giao cho nhà nước đại diện quản lý, phân bổ và giám sát sử dụng. Trong các nguồn lực này, hiện diện sự bình đẳng về “quyền tiếp cận – sử dụng” và “lợi ích thực thi” của tất cả các lực lượng doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế Việt.

Theo hướng đó, chúng ta sẽ có cách tổ chức nền kinh tế thị trường Việt Nam với i) các khu vực kinh tế doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, khu vực doanh nghiệp nhà nước Việt Nam bình đẳng hợp tác và cạnh tranh (hai thành tố này cấu thành nên “lực lượng doanh nghiệp Việt”), ii) khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, liên kết và cộng hưởng sức mạnh, tạo thành nền kinh tế thị trường Việt Nam.

Mỗi thành tố lực lượng nêu trên có chức năng hoạt động cụ thể khác biệt trong nền kinh tế, nhưng đều bình đẳng nhau trong tư cách “chủ thể kinh tế thị trường”.

Cho đến gần đây, khu vực kinh tế nhà nước được đánh giá là vẫn chưa đạt yêu cầu dẫn dắt nền kinh tế, chưa phát huy hết vai trò chức năng và tự bản thân nó vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Đây là một thực tế cần được quan tâm nghiêm túc, và phải phân tích thấu đáo thực trạng này.

Chúng ta cần đặt kinh tế nhà nước trong bối cảnh thời đại hội nhập. Thế giới đã trở nên phức tạp gấp bội phần trong khi hội nhập cũng tạo nhiều cơ hội và thách thức. Kinh tế nhà nước, cũng như các khu vực kinh tế khác của Việt Nam, vì thế, cần phải thay đổi từ tầm nhìn, cách tiếp cận đến thực lực phát triển, để thích ứng với hoàn cảnh mới.

Bài 2: Việt Nam còn dư địa rất lớn cho phát triển

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/viet-nam-can-thich-ung-voi-hoan-canh-moi-2321759.html