Trong cuộc gặp với cộng đồng công nghệ trẻ tại TP.HCM thuộc khuôn khổ chương trình Qualcomm Vietnam Innovation Challenge 2024 (QVIC 2024), với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ không dây, tiến sĩ Trần Mỹ An chia sẻ 3 từ khóa để mô tả cộng đồng các startup Việt thông qua quan sát của bà trong năm vừa qua là “ấn tượng, sáng tạo và cống hiến”.
“Tất cả các startup đã đến với chúng tôi đều mang những ý tưởng ấn tượng. Những ý tưởng đó rất sáng tạo, giải quyết nhiều vấn đề ở Việt Nam và thị trường toàn cầu. Điều tôi thực sự thích khi làm việc với các startup là sự tận tâm của họ với lý tưởng và ước mơ của mình, biến mọi thứ thành hiện thực. Điều đó thực sự thể hiện tinh thần kiên cường của người Việt và tôi yêu điều đó của các bạn”, bà An nhận xét.
Khi nói về bán dẫn – một trong những lĩnh vực quan trọng nhất không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, bà An cho rằng để Việt Nam có thể tăng khả năng cạnh tranh, chúng ta cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tài năng. Theo bà, đây cũng cách để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh.
Nói về xu hướng công nghệ toàn cầu, tiến sĩ Trần Mỹ An đề cập đến truyền thông không dây 5G và trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó một điều đặc biệt ở 5G là tác động của nó đối với chuyển đổi số, còn AI sẽ được biến đổi trong mọi ngành.
Sau khi Việt Nam và Mỹ ra tuyên bố chung nâng cao quan hệ hai bên lên Đối tác chiến lược toàn diện, bà An cho rằng điều này mang lại nhiều cơ hội mới, vì vậy để tận dụng cơ hội, Việt Nam cần tập trung vào việc đầu tư và xây dựng nhân tài. “Sinh viên Việt Nam nổi tiếng với khả năng xuất sắc trong toán học và sự tận tâm, điều này tạo nền tảng vững chắc cho sự thành công của Việt Nam trên trường quốc tế”, bà An nhắn nhủ.
Khởi xướng từ năm 2019, mục tiêu chính của QVIC là hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ, các công ty vừa và nhỏ và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới tại Việt Nam, nhằm tạo ra các sản phẩm sáng tạo góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Trải qua 3 mùa tổ chức, QVIC đã trở thành một chương trình đổi mới sáng tạo uy tín ở Việt Nam, nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông và từ các quỹ đầu tư giúp tài trợ cho các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là các startup deep tech (công nghệ lõi).
QVIC 2024 đang tìm kiếm các ý tưởng cải tiến phần mềm (software) liên quan đến AI, không cần xây dựng phần cứng, mà chỉ cần ý tưởng về cách kết hợp AI vào nền tảng Qualcomm. Điều này là một phần của nỗ lực liên tục nhằm làm cho QVIC trở nên khác biệt và hấp dẫn hơn. Bà An cho biết: “Chúng tôi mong muốn tiếp tục phát triển và cải thiện chương trình, tạo điều kiện cho sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ tiên tiến tại Việt Nam”.