Lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế như HSBC, WEF… đánh giá cao triển vọng nền kinh tế Việt Nam cũng như tầm nhìn được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra tại COP28, trong lộ trình thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Chia sẻ với báo chí tại hội nghị COP28 vừa diễn ra tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), ông Noel Quinn, Tổng giám đốc toàn cầu Tập đoàn HSBC, cho biết “rất tâm đắc và hiểu được tầm nhìn của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong lộ trình thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu”.
Ông Noel Quinn cũng khẳng định, HSBC sẽ nỗ lực đóng góp cho việc thực hiện tầm nhìn đó. HSBC được truyền cảm hứng bởi kế hoạch quốc gia chuyển đổi xanh và ngân hàng sẽ nỗ lực hết mình giúp Việt Nam thực hiện con đường này.
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam, Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende cho biết, Việt Nam được biết đến như một trong các quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất trong các nền kinh tế trên thế giới. Nhiều công ty có tên tuổi đã đầu tư vào Việt Nam để sản xuất hàng hóa và xuất khẩu.
“Chúng tôi khá lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới”, ông Brende chia sẻ. Cũng theo Chủ tịch WEF, dù đang phải đối mặt với những tác động từ các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia phát triển tốt, với mức tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay và sẽ thu hút được nhiều đầu tư hơn trong năm sau.
“Kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu và các thị trường bên ngoài là các đối tác quan trọng của Việt Nam. Một lợi thế tích cực là đối tác nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất của Việt Nam là Mỹ đang tiếp tục tăng trưởng”, Chủ tịch WEF đánh giá.
Về khuyến nghị với Việt Nam, theo ông Brende, thế giới đang phát triển rất nhanh dịch vụ và công nghệ số. Nền kinh tế số đang chiếm khoảng 50% nền kinh tế toàn cầu và tăng trưởng nhanh 2,5 lần so với toàn bộ các ngành nghề khác. Do đó, Việt Nam cần sự đổi mới và phát triển trong lĩnh vực này. Đây là yếu tố then chốt cho việc tăng cường khả năng cạnh tranh trong tương lai.
Thách thức vốn, nhân lực…
Một trong những cam kết lớn nhất được Việt Nam đưa ra tại COP26 (Glasgow) là Việt Nam đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Theo ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu, môi trường và năng lượng của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), để Việt Nam đạt được mục tiêu Net Zero, có nhiều thách thức phải vượt qua.
Cụ thể về vốn đầu tư, để đạt mức phát thải ròng bằng 0, đòi hỏi toàn bộ nền kinh tế phải chuyển đổi đồng bộ theo hướng xanh, tuần hoàn, ít phát thải carbon, nên chi phí đầu tư rất lớn.
Trong đó, riêng ngành điện, vốn đầu tư đến năm 2030 là 134,5 tỉ USD. Các nhóm đối tác gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Canada, Đan Mạch và Na Uy (IPG) tại COP28 đã thông qua kế hoạch huy động nguồn lực 15,5 tỉ USD trong vòng 3 – 5 năm thực hiện Tuyên bố JETP. Song, đây chỉ là một phần đóng góp nhỏ trong tổng nguồn tài chính cần thiết cho quá trình chuyển đổi của Việt Nam.
Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu Net Zero, Việt Nam cũng cần giải quyết thách thức về công nghệ, nguồn nhân lực. Chuyên gia UNDP khuyến nghị Việt Nam cần tập trung vào cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư minh bạch hơn, trách nhiệm hơn trong thu hút dòng vốn chất lượng cao từ khối tư nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là chính sách năng lượng, cơ chế tài chính, giảm các rào cản và rủi ro.
Ngoài ra, cần thúc đẩy phát triển và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, pin mặt trời, lưu trữ điện, truyền tải điện thông minh…
Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, đảm bảo chuyển dịch công bằng khi thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng theo JETP.
Theo ông Đào Xuân Lai, việc xây dựng cơ chế giá điện “phải chăng và đáng tin cậy” trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo rất cần thiết, đặc biệt với các hộ gia đình có thu nhập thấp và các nhóm dễ bị tổn thương khác.
Thanhnien.vn