Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định Đại sứ cùng Đại sứ quán Bangladesh tại Việt Nam đã nỗ lực làm tốt vai trò cầu nối, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam Samina Naz. (Nguồn: TTXVN) |
Chiều tối 5/10, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp Đại sứ Bangladesh Samina Naz đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước chúc mừng Đại sứ Samina Naz hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ công tác; khẳng định Đại sứ cùng Đại sứ quán Bangladesh tại Việt Nam đã nỗ lực làm tốt vai trò cầu nối, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (1973-2023), quan hệ hữu nghị giữa hai nước luôn được củng cố và ngày một phát triển.
Phó Chủ tịch nước chúc mừng những kết quả phát triển kinh tế-xã hội ấn tượng Bangladesh đạt được sau Covid-19; chúc cuộc tổng tuyển cử sắp tới của Bangladesh thành công tốt đẹp.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, Bangladesh được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới xét về quy mô nền kinh tế và thứ 25 trên thế giới theo sức mua tương đương, đồng thời có vai trò, vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Cho rằng hai lĩnh vực hợp tác trụ cột giữa Việt Nam và Bangladesh là chính trị-ngoại giao và thương mại, Phó Chủ tịch nước khẳng định, hai nước luôn có sự tin cậy chính trị cao, có sự trao đổi, hợp tác khá chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc.
Đặc biệt, Việt Nam và Bangladesh đều trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là cơ hội để hai bên tiếp tục ủng hộ lẫn nhau về nhân quyền, bình đẳng giới, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững…
Nhấn mạnh tiềm năng trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước rất lớn, Phó Chủ tịch nước cho biết, Bangladesh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở khu vực Nam Á. Thương mại hai chiều đã tăng 4 lần trong vòng 10 năm, từ 350 triệu USD (năm 2012) lên xấp xỉ 1,5 tỷ USD năm 2022, vượt chỉ tiêu đề ra năm 2017 và hướng đến mục tiêu 2 tỷ USD.
Hai bên cần có những giải pháp hợp tác hiệu quả để cùng nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu theo xu hướng mới, tăng năng lực cạnh tranh của hai nền kinh tế; đồng thời giải quyết được các vấn đề an sinh xã hội đang đặt ra.
Cùng với hợp tác thương mại, Phó Chủ tịch nước cũng mong muốn các cơ quan, đối tác hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động, vốn là thế mạnh của hai nước để nâng cao trình độ và thu nhập cho người dân, người lao động của hai nước.
Trong hợp tác nông nghiệp, Việt Nam và Bangladesh đã ký Bản Ghi nhớ về hợp tác thủy sản và chăn nuôi giai đoạn 2018-2022; đã gia hạn Bản ghi nhớ về thương mại gạo thêm 5 năm (từ 2022-2027). Đây là điều kiện đảm bảo an ninh lương thực cho hai nước, thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị hạt gạo của hai nước.
Mong muốn hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác văn hóa và đẩy mạnh giao lưu nhân dân, Phó Chủ tịch nước cũng chúc bà Samina Naz ở cương vị mới sẽ lưu giữ những tình cảm tốt đẹp với đất nước, con người Việt Nam và có những đóng góp cho mối quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống giữa hai nước.
Cảm ơn Phó Chủ tịch nước dành thời gian tiếp, bà Samina Naz điểm lại những kết quả nổi bật trong chuyến thăm chính thức Bangladesh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury vào cuối tháng 9 vừa qua. Chuyến thăm góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam-Bangladesh, đưa quan hệ song phương bước sang một giai đoạn phát triển mới.
Đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam, bà Samina Naz cho rằng, với đặc điểm cùng là nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh và đều, dân số đông, lực lượng lao động đồi dào, Việt Nam và Bangladesh còn nhiều dư địa hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư.
Hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm ở những lĩnh vực hai nước có thế mạnh như nông nghiệp, may mặc…; có cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn nữa, nhất là cơ chế phát triển nguồn nhân lực…