Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN được ban hành ngày 18/11/2012 đã trở thành một văn kiện chính trị quan trọng trong quá trình thúc đẩy, bảo vệ và đảm bảo nhân quyền ở các nước Đông Nam Á.
Kể từ đó, Việt Nam và ASEAN đã không ngừng nỗ lực thực thi Tuyên bố và đạt nhiều tiến bộ sau một thập kỷ.
Tích cực lồng ghép, để quyền con người là trung tâm trong các nội dung cộng đồng
Ở cấp độ khu vực, Việt Nam và các nước ASEAN luôn tích cực lồng ghép quyền con người trong tất cả các trụ cột của cộng đồng ASEAN. Việt Nam và các nước ASEAN đang triển khai Kế hoạch công tác 5 năm giai đoạn 2015-2020 của Cơ quan liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền, Kế hoạch công tác của Ủy ban bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN giai đoạn 2016-2020.
Việt Nam cùng các nước ASEAN đã thông qua Kế hoạch hành động khu vực về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (21/11/2015), Văn kiện đồng thuận ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động di cư (14/11/2017), Tuyên bố chung về phụ nữ, hòa bình và an ninh (năm 2017) và dự kiến hoàn thành Kế hoạch lồng ghép quyền của người khuyết tật trong cộng đồng ASEAN trong năm 2018.
Trước đó, Tuyên bố Nhân quyền ASEAN năm 2012 là văn kiện đầu tiên đánh dấu hợp tác nhân quyền ở khu vực, là thành tựu của cơ chế Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR). Sau 10 năm, ASEAN đã rất nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu vững chắc.
Việc tập trung thực hiện 4 nhóm quyền con người trong Tuyên bố của ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là việc bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em; quyền của người khuyết tật; quyền được giáo dục, chăm sóc sức khỏe; quyền có nhà ở; quyền tham gia chính trị và sống trong hòa bình cũng như xóa đói giảm nghèo; nỗ lực chống nạn buôn bán người; chống tham nhũng, cải thiện và củng cố các thể chế nhân quyền quốc gia, tăng cường giáo dục nhân quyền.
Dưới tinh thần của Tuyên bố, thông qua cơ chế điều phối về quyền con người, các nước ASEAN đối thoại minh bạch và cởi mở; thảo luận, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực tận dụng các cơ hội và giải quyết các thách thức trong lĩnh vực quyền con người một cách hợp tác, phù hợp và mang tính xây dựng.
Các nước ASEAN đã cùng nhau ký kết Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Trong đó, cam kết người dân được hưởng đầy đủ các quyền con người cơ bản, với chất lượng cuộc sống cao hơn cùng các lợi ích mà tiến trình xây dựng cộng đồng mang lại.
Bên cạnh đó, năm 2009, ASEAN đã thành lập AICHR nhằm điều phối chung trong lĩnh vực quyền con người và từng bước hoàn thiện cơ chế này đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra, ASEAN cũng luôn năng động và sáng tạo trong giải quyết, xử lý những vấn đề khu vực.
Đặc biệt khi đại dịch COVID-19 bùng nổ từ năm 2020, với tinh thần hướng tới người dân và đặt con người là trung tâm, ASEAN đã nhanh chóng gắn kết, chủ động thích ứng và triển khai nhiều giải pháp hiệu quả đối phó với đại dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, vật chất; đồng thời, nhanh chóng phục hồi kinh tế và chuẩn bị cho các kịch bản dịch bệnh khác trong tương lai.
Việt Nam – ASEAN thúc đẩy quyền con người trong các cơ chế quốc tế
ASEAN hiện có quan hệ đối tác đối thoại với 10 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, đồng thời đóng vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế, diễn đàn, hội nghị quan trọng của khu vực như ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)…
Lĩnh vực quyền con người luôn là nội dung quan trọng trong các chương trình nghị sự của ASEAN và đối tác. Đáng chú ý, ASEAN đã luôn nỗ lực củng cố, làm sâu sắc hơn cơ chế Đối thoại ASEAN – LHQ cũng như nâng tầm quan hệ với những đối tác, đối thoại khác. ASEAN luôn lắng nghe, gắn kết các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN trên 3 trụ cột cũng như thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ.
ASEAN đã thiết lập được cơ chế chính thức và thường xuyên duy trì đối thoại với LHQ, báo cáo đầy đủ về tình hình quyền con người cũng như tiếp thu những khuyến nghị của LHQ để xây dựng giải pháp đạt được tiến bộ mới trong khu vực.
Đặc biệt, đa số các nước ASEAN đều đã thực hiện khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR), trong đó Việt Nam đã thực hiện 3 chu kỳ báo cáo. Việt Nam, Indonesia cũng từng trúng cử ủy viên Hội đồng Nhân quyền LHQ và đóng góp tích cực, nhiều sáng kiến hiệu quả với cơ quan này.
Ngoài ra, ASEAN ngày càng thể hiện sự năng động, tích cực khi đóng góp khoảng 5.000 quân nhân, cảnh sát tham gia thực hiện các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ tại những nơi khó khăn, xung đột.
Trong ASEAN, có 4 nước thuộc nhóm 10 quốc gia chịu tác động sâu sắc nhất từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, do đó ASEAN rất tích cực triển khai các biện pháp để ngăn ngừa tác động tới sinh kế, đời sống của nhân dân; đa dạng hóa, làm sâu sắc hợp tác Tiểu vùng sông Me Kong để chống biến đổi khí hậu…
Phương Anh