Hai nước duy trì tiếng nói đồng điệu về quan điểm, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN và các tổ chức khu vực khác.
Việt Nam và Ấn Độ cần thắt chặt hơn nữa, hợp tác sâu rộng, thực chất, hiệu quả hơn nữa giữa chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân hai nước để giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và phát triển.
Đó là nhận định của Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) và hội thảo “Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện hướng tới tầm nhìn phát triển Việt Nam 2045 và Ấn Độ 2047” diễn ra ngày 7/11 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho rằng Việt Nam và Ấn Độ đã và đang có nhiều điểm tương đồng về quan điểm và lập trường trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững và toàn diện.
Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, hai nước chia sẻ tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, hòa bình, ổn định và thịnh vượng, và tuân thủ luật pháp quốc tế. Cả Việt Nam và Ấn Độ đều kiên quyết ủng hộ những nguyên tắc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, thể hiện rõ qua chính sách đối ngoại hòa bình, cân bằng, tự chủ và đầy trách nhiệm của cả hai quốc gia.
“Lấy hợp tác trong lĩnh vực chính trị làm nền móng cho mối quan hệ, lấy sự tin tưởng, đoàn kết quốc tế làm phương châm hành động, Việt Nam và Ấn Độ đang hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực quan trọng như phát triển kinh tế bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, và cùng nhau tham gia các vấn đề toàn cầu,” ông Nguyễn Xuân Thắng nói.
Nói về vai trò của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại sứ Ấn Độ Sandeep Arya tỏ ra ấn tượng với những thành tựu nổi bật của Trung tâm trong việc cho ra đời nhiều ấn phẩm chất lượng cao đóng vai trò là nguồn thông tin chính về Ấn Độ tại Việt Nam, trong việc tổ chức nhiều cuộc trao đổi với Ấn Độ, tiến hành các hội nghị, bài giảng và bài thuyết trình liên quan đến quan hệ hai nước và đưa ra các ý tưởng để tăng cường hợp tác song phương.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã thảo luận các mục tiêu phát triển, chính sách và tầm nhìn của Ấn Độ năm 2047 và Việt Nam năm 2045. Hội thảo cũng đề cập đến các chủ đề cụ thể bao gồm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero); chuyển đổi số; chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững và đầu tư vào công nghệ xanh; cách tiếp cận của Ấn Độ đối với năng lực tự cường trong quốc phòng.
Hội thảo cũng tập trung vào tiến trình và thành tựu trong các lĩnh vực hợp tác giữa Ấn Độ-Việt Nam trong 50 năm qua và những nỗ lực hiện tại trong quan hệ song phương./.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, ngày 15/9/2014, Trung tâm được thành lập dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Pranab Mukherjee.
Sự kiện là cột mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước và mở ra trang mới trong nghiên cứu, hiểu biết sâu sắc hơn về Ấn Độ tại Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ ra đời trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Ấn Độ phát triển mạnh mẽ, với mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và nghiên cứu khoa học. Sự ra đời của Trung tâm thể hiện tầm nhìn chiến lược của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong nghiên cứu khoa học chính trị và lĩnh vực đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-an-do-dong-quan-diem-trong-nhieu-van-de-khu-vuc-va-quoc-te-post989860.vnp