Bà Nguyễn Thị Hằng (58 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) đang đỡ đầu cho 6 sinh viên Lào, là gia đình có đông thành viên nhất trong số những hộ đăng ký tham gia chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào và Campuchia đang học tập tại TP.HCM”.
Quấn quýt lấy mẹ
Từng là sĩ quan quân đội, công tác ở Xí nghiệp liên hiệp Ba Son (Tổng công ty Ba Son), năm 2016, khi bà Hằng về hưu thì các con bà cũng đã lớn và có cuộc sống riêng.
Với quỹ thời gian dư dả hơn, bà Hằng nhiệt tình tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương. Bà từng đỡ đầu các sinh viên tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản (SSEAYP) và sau này nhận đỡ đầu thêm các du học sinh Lào đến TP.HCM.
Hiện nhà bà Hằng được xem là đông con nhất trong các hộ gia đình tham gia: 6 em sinh viên Lào, gồm 2 nam và 4 nữ. Mặc dù các em đều có nơi ở tại ký túc xá nhưng đa số thời gian rảnh là cứ theo mẹ.
Khi nhắc về các con, câu cửa miệng của bà Hằng là “vui” và “tuyệt vời”. Bà rất tự hào khi nói rằng các con luôn quấn quýt lấy mình, nhà có nhiều phòng nhưng các con cứ “chui hết vào phòng mẹ”. Đứa nào mỗi lần qua nhà là tay xách nách mang, nào trà sữa, nước mía, bỏ đầy cả tủ lạnh.
Không những vậy, nhiều việc cá nhân, các con đều có thể tâm sự và chia sẻ cùng mẹ, từ chuyện học hành, đi trực ở bệnh viện cho tới chuyện yêu anh nào, mới thất tình vì ai.
Có thể cảm nhận được không khí gắn kết không biên giới trong ngôi nhà nhỏ ở Q.4 này. Bà Hằng lắc đầu nguây nguẩy khi được hỏi liệu nhiều sinh viên sống như vậy thì việc sinh hoạt có xáo trộn gì không: “Hoàn toàn không có. Mặc dù bọn nhỏ có quê quán tại nhiều tỉnh khác nhau ở bên Lào, có phong tục tập quán cũng không giống nhau, nhưng các bạn đều thương yêu nhau, hòa thuận và đứa nào cũng là con của mẹ hết. Nhà tôi lúc nào cũng đông vui, từ ăn uống, tụ tập, hát karaoke trong nhà cho tới tham gia nhiệt tình các phong trào, cuộc thi ở địa phương. Khi có cơ hội, tôi và các con cũng tổ chức đi du lịch nhiều nơi”.
Bà Hằng cũng tự hào cho biết: “Các con rất giỏi, nói được cả tiếng Thái Lan, tiếng Anh và rất thạo tiếng Việt nữa. Hát karaoke với mẹ là toàn hát nhạc Việt không đó”.
Khoái món ăn mẹ nấu
Năm 2019, Xaiyavong Duangmany (22 tuổi, quê thủ đô Vientiane, Lào) tới Việt Nam. Với những cảm xúc xốn xang khi bước vào một hành trình mới của cuộc đời, Duangmany cũng háo hức kết bạn, cố gắng hòa nhập vào nền văn hóa mới. Nhưng cảm giác nhớ nhà, thèm một món ăn gia đình vẫn bám riết lấy cô trong thời gian đầu, nhất là khi cô ra đường và thấy người ở TP.HCM đông như ken chặt. Khi dần quen với nhịp sống đô thị, Duangmany cũng đồng thời tham gia nhận gia đình đỡ đầu. Và nhờ sự xuất hiện của mẹ Hằng cùng những anh chị em mới, nỗi nhớ quê đã phần nào vơi đi với Duangmany.
“Ban đầu tôi ăn không được món ăn Việt Nam, do ở Lào chúng tôi ăn cay với mặn, đậm vị hơn. Tôi gọi về nói với bố mẹ chắc tôi không sống được ở Việt Nam đâu. Tôi còn thủ sẵn mì Lào để ăn suốt. Nhưng rồi ở nhà mẹ Hằng, mẹ dạy nấu ăn, có thời gian rảnh thì mẹ bảo mấy đứa về. Nhờ vậy mà tôi có thể quen dần với nền ẩm thực Việt Nam đó”, Duangmany nhớ lại và chia sẻ: “Ngày nào mẹ Hằng cũng nhắn hỏi thăm, kêu qua ăn cơm, mẹ có nấu để sẵn rồi, con có đói ghé ăn. Tôi cảm giác như có một ngôi nhà thứ hai vậy. Tôi thấy mình có thêm niềm vui, như được an ủi, san sẻ và an tâm hơn về mặt sinh hoạt, ăn uống. Mệt mỏi gì cũng còn có mẹ lo. Chuyện gì buồn cũng có thể tâm sự với mẹ. Nhà mẹ Hằng như là một nơi để trở về”.
Cũng đi cùng đoàn sinh viên Lào sang du học ở Việt Nam, Phengthongkham Lona (24 tuổi, quê tỉnh Vang Vieng) kể, ba cô là bộ đội, từng học ở TP.HCM, thế nên gia đình cũng định hướng con đi học y tại thành phố này. Ban đầu vào nhà mẹ Hằng, Lona thấy e dè vì toàn người lạ. Nhưng rồi nhờ sự nhiệt thành của mẹ Hằng, Lona nhập cuộc nhanh chóng vào đời sống mới. “Em cảm thấy mẹ Hằng chăm sóc em giống mẹ ruột vậy”, Lona nói và cho biết thêm sau mấy năm sống ở thành phố, cô thấy yêu thích và gắn bó với vùng đất này vô kể. Cô thường kể những câu chuyện ở đây với gia đình, bạn bè của mình ở Lào và cũng khoe rằng mình có thêm một người mẹ nơi đất khách.
Với Sounanthalath Loungtavan (23 tuổi, quê thủ đô Vientiane) cũng vậy, cô có nhiều kỷ niệm và thấy mình gắn bó vùng đất này. Hỏi cô sinh viên y khoa này thích điều gì nhất ở TP.HCM thì Loungtavan nói ngay: “Món ăn mẹ Hằng nấu”.
“Tôi ở nhà mẹ Hằng suốt, mẹ bấu ăn rất ngon, mẹ đổi món ăn mỗi ngày cho các con”, Loungtavan nói xong, rồi cùng Lona, Duangmany liệt kê ngay những món khoái khẩu. Nào là chả giò, bún thịt nướng, bún bò. Những khi nhớ món quê nhà, các chị em cùng nhau vào bếp, nấu cho mẹ mấy món mà người Lào hay ăn.
Ngày trước, do quá yêu thích đất nước Việt Nam nên Loungtavan xin ba mẹ mình cho học y ở TP.HCM. Kể từ đó, mỗi năm trôi qua ở thành phố này với cô là chuỗi dài những trải nghiệm thú vị về mặt văn hóa. “Tôi thấy người dân ở TP.HCM sống đơn giản, rất thoải mái, đầy tình người, chào đón những người từ nơi khác tới sinh sống. Mấy đứa chúng tôi mới đầu còn lóng ngóng, tiếng Việt nói cũng chưa rành. Đi ra ngoài đường bập bẹ vài từ nhưng được người dân địa phương chỉ dẫn, hỗ trợ nhiều lắm. Ở đây hạ tầng cũng phát triển, nếp sống sôi động. Vì là người trẻ nên tôi cũng yêu thích không khí ở đây, tối không sợ đói vì còn nhiều cửa hàng vẫn mở đèn sáng trưng. Tôi cũng hay la cà hàng quán lắm”.
Nghe các con kể, bà Hằng ngồi cười, thỉnh thoảng tấm tắc khen và cảm ơn các con vì đã giúp bà biết thêm về văn hóa của nước Lào. Tự nhủ nhận đỡ đầu các con thì phải có trách nhiệm, bà Hằng luôn cố gắng tạo không gian thoải mái và cởi mở nhất để các con có thể tự do sinh hoạt. “Mình phải tiếp xúc, trò chuyện với các con, tạo một môi trường sống cho các con như ở nhà mình. Giờ tình cảm gắn bó, đi đâu mẹ con cũng có nhau, không biết sau này tụi nó về Lào thì mình sẽ thấy nhớ thế nào”, bà Hằng nói.
(còn tiếp)
Thannien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/viet-lao-campuchia-samaki-ky-2-gia-dinh-dong-con-nhat-185240708211736206.htm