Chuyến thăm 4 ngày của Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ “mở ra những chân trời mới” về đầu tư, thương mại mà còn củng cố nền tảng hợp tác đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn.
Ngày 3-7, trước khi rời Hàn Quốc, Thủ tướng tới thăm Đại học Quốc gia (ĐHQG) Seoul – cái nôi đào tạo nhiều chính trị gia, doanh nhân nổi tiếng của xứ kim chi và là giấc mơ của nhiều sinh viên, nghiên cứu viên châu Á.
Tạo dựng tiền đề hợp tác
Trong phát biểu chào mừng Thủ tướng, GS Ryu Hong Lim, giám đốc ĐHQG Seoul, đánh giá cao sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam thời gian qua.
Ông cho rằng Việt Nam có nhiều tài năng trẻ và có nền tảng khoa học, nhất là toán học với tiềm năng vượt trội.
Do đó, hai nước được kỳ vọng là “những đối tác hoàn hảo” trong phối hợp giải quyết những vấn đề đang đối mặt, đặc biệt là hợp tác về nghiên cứu, phát triển công nghiệp công nghệ cao và đào tạo nhân lực.
Đi sâu hơn vào giáo dục – đào tạo, lĩnh vực bán dẫn nhận được sự quan tâm và luôn được Thủ tướng nhắc đến trong các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc và doanh nghiệp.
Cả Tổng thống Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Han Duck Soo – hai cựu sinh viên của ĐHQG Seoul – đều thể hiện sự tích cực trước vấn đề này trong cuộc gặp ngày 2-7.
Nhấn mạnh việc các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư đầy tiềm năng và nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam đã tạo nên hệ sinh thái đầu tư thuận lợi, Tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam phục vụ phát triển ngành bán dẫn, công nghệ cao.
Chia sẻ sau cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 2-7, Chủ tịch Samsung Lee Jae Yong bày tỏ sự lạc quan về chất lượng lao động Việt Nam. Theo ông, trong bối cảnh công nghệ bùng nổ mạnh mẽ, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm tăng nhu cầu với chất bán dẫn mới.
“Điều đó đặt ra câu hỏi làm cách nào chúng ta có thể thích ứng với thị trường đang phát triển và tạo ra những sản phẩm tốt, có thể làm hài lòng khách hàng và đối tác trên toàn thế giới. Hiện chúng tôi đang xem xét về loại hình kinh doanh mà chúng tôi nên làm ở Việt Nam.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ nỗ lực hợp tác nhiều hơn với các công ty Việt Nam và cùng các nhân tài tại Việt Nam để Samsung trở thành một tập đoàn toàn cầu lớn hơn nữa”, ông Lee Jae Yong nói với báo chí.
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc
Trong bài viết trên trang web của Viện Brookings, GS Lee Jeong Dong Lee (ĐHQG Seoul) nhận định trong khi nhiều nước đang phát triển vẫn bị phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, Hàn Quốc – khi còn là nước đang phát triển – đã sớm quyết định tạo ra các sản phẩm mới khác biệt với khả năng sản xuất hiện tại của mình.
Việc đa dạng hóa danh mục xuất khẩu từ nguyên liệu thô và nông sản trong những năm 1960 sang công nghiệp nặng và hóa chất, đóng tàu và điện tử trong những năm 1970 đã được thực hiện thông qua chính sách thay đổi mạnh mẽ.
Theo GS Lee, các nền kinh tế có thu nhập trung bình thường đạt được sự đa dạng hóa đáng kể nhưng lại gặp khó khăn hơn trong quá trình chuyển đổi sang các sản phẩm dựa trên tri thức.
Khi Hàn Quốc phát triển, nguồn tri thức chủ yếu của nước này chuyển từ tri thức nhập khẩu sang kinh nghiệm và tri thức được tích lũy trong nước. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Hàn Quốc đã tăng từ mức ít ỏi 46,1 triệu USD năm 1976 lên 70,4 tỉ USD vào năm 2020.
Trong thời gian đó, vai trò đầu tàu trong nhiệm vụ R&D cũng dần chuyển từ khu vực công sang tư nhân. Chẳng hạn, năm 1976 chi tiêu công cho R&D ứng dụng tại các viện nghiên cứu của chính phủ chiếm 72% tổng chi tiêu R&D, nhưng đến năm 2020 khu vực tư nhân chiếm tới 79% chi tiêu R&D.
GS Lee gợi ý để đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa sang các sản phẩm cốt lõi mới, các nền kinh tế có thu nhập trung bình cần tăng cường đầu tư vào nâng cấp năng lực công nghệ và tri thức.
Khu vực công cũng có vai trò quan trọng trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng nghiên cứu và tăng nguồn cung lao động có tay nghề từ các trường đại học hàng đầu.
Để có được thành công như ngày nay, Hàn Quốc đã thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) và Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) lần lượt vào các năm 1966, 1971.
Và từ năm 2023, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) đã hoạt động từ năm 2015, được kỳ vọng sẽ trở thành vườn ươm cho các nhân tài bán dẫn đất Việt.
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Hàn Quốc
Chiều tối 3-7, Thủ tướng đến thăm nhà máy bán dẫn của Samsung tại Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc). Chuyến thăm khép lại chuỗi 34 hoạt động của Thủ tướng tại Hàn Quốc trong chuyến công du lần này.
Trả lời báo chí sau chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh chuyến đi “đã thành công tốt đẹp, đạt các mục tiêu đề ra”.
Cũng theo ông Sơn, chuyến công tác đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trên một số lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
“Lãnh đạo Hàn Quốc mong muốn hai bên hợp tác để sớm tạo thành quả thực chất trong lĩnh vực này, nhất trí nghiên cứu cơ chế trao đổi về phương hướng và các dự án cụ thể có thể triển khai trong lĩnh vực bán dẫn, AI, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, đồng thời cam kết hỗ trợ Việt Nam 30 triệu USD trong 4 năm để thực hiện dự án nghiên cứu và phát triển (R&D), tiếp tục triển khai giai đoạn 2 dự án VKIST”, ông Bùi Thanh Sơn nói thêm.
DUY LINH (TỪ SEOUL, HÀN QUỐC)
Tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/viet-han-hop-tac-dao-tao-nhan-luc-ban-dan-20240704003018176.htm