Xã Việt Dân (TX Đông Triều) được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước từ năm 2019. Đó là niềm tự hào của mỗi cán bộ, người dân nơi đây. Và cũng từ nền tảng ấy để hôm nay, Việt Dân lại thử nghiệm với những lĩnh vực mới, trong đó có phát triển du lịch nông nghiệp từ lợi thế những vùng cây trái miệt vườn sum suê quanh năm trên địa bàn…
Liên kết làm du lịch miệt vườn
Du lịch nông nghiệp không mới ở Đông Triều và nhiều địa phương của tỉnh nhưng với Việt Dân, xã có khung cảnh của “phố trong làng” vừa mang nét yên ả, thanh bình của những cánh đồng lúa, vườn cây trái mênh mông, vừa có vẻ đẹp hiện đại của những mái nhà kiên cố giữa vườn cây, những đường làng, ngõ xóm rộng rãi, phủ xanh bởi hoa cỏ được xén tỉa gọn gàng đẹp như tranh, thì lại khá mới mẻ. Việc phát triển du lịch ở đây hiện mới đang khởi động với mô hình thí điểm liên kết giữa Công ty TNHH Han Nong (Hàn Quốc), có trang trại tại Đông Triều, với 4 hộ tại thôn Tân Thành của xã.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Heo Su Yeong, Giám đốc Công ty TNHH Han Nong, cho hay, anh đã gắn bó với sản xuất nông nghiệp tại Đông Triều gần chục năm nay. Quá trình đó, anh nhận thấy xã Việt Dân có cảnh quan tự nhiên và do người nông dân kiến tạo rất đẹp, xung quanh có nhiều điểm du lịch, di tích thu hút khách. Quảng Ninh cũng là thị trường hút khách Hàn Quốc, trong khi người dân Hàn Quốc có nhu cầu về du lịch trải nghiệm miệt vườn rất mạnh do quá trình đô thị hoá khiến con người muốn quay lại thời bình yên từ nông nghiệp, nhất là khi những vườn cây trái nhiệt đới như ở Việt Dân vốn không có ở xứ sở ôn đới như Hàn Quốc. Vì vậy, anh đã nảy sinh ý tưởng làm du lịch nông nghiệp tại Việt Dân. Quá trình đi khảo sát, đơn vị lựa chọn sẽ thí điểm làm ở thôn Tân Thành.
Đưa chúng tôi đi thăm các gia đình tham gia liên kết làm du lịch nông nghiệp với Công ty TNHH Han Nong, chị Đặng Thị Sen, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Việt Dân, cho hay, TX Đông Triều cũng rất quan tâm tới việc phát triển du lịch ở Việt Dân. Cùng với việc ủng hộ về chủ trương, tạo điều kiện cho mô hình, thị xã còn quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất. Tới đây, tuyến đường từ xã lên thôn Tân Thành sẽ được rải áp phan, ít nhất cũng tới khu vực làm mô hình du lịch hiện nay.
Công ty TNHH Han Nong thời gian qua cũng đã hỗ trợ 4 hộ dân trong mô hình xây dựng bổ sung hệ thống đường giao thông kết nối nội vườn cũng như kết nối giữa các vườn với nhau. Tham gia vào mô hình, các hộ dân liên kết được hưởng mức chi trả 1 tháng lương cơ bản/tháng, hộ dân nơi Công ty lấy làm điểm dừng chân cho du khách được nhận mức chi trả hơn chục triệu đồng/tháng.
Ngắm khung cảnh thực tế, chúng tôi thật sự ấn tượng, thích thú với khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng của các hộ gia đình tham gia mô hình. Đặc biệt là những vườn cây trái mênh mông, xanh tươi mát mắt với nhiều loại cây trái nhiệt đới, từ thanh long, mít, na, ổi, chuối, bơ… Các vườn có sự kết nối liên thông với nhau và ngay trong nội vườn thì các hộ, doanh nghiệp cũng đều đã đầu tư hạ tầng với những con đường nhỏ rải gạch, bê tông quanh co, khiến việc đi lại khám phá, trải nghiệm rất thuận lợi. Biển quảng bá, giới thiệu về các nông sản của Việt Dân được lắp đặt ở một số điểm của vườn khá bắt mắt, cho thấy có sự chỉn chu, chăm chút trong đầu tư…
Thân thiện, mến khách, ông Nguyễn Văn Thái là một trong 4 hộ kể trên mời chúng tôi thưởng thức hoa trái vườn nhà, từ ổi, mít, chuối đều có hương vị riêng đặc sắc, khó quên. Mặc dù chỉ là những loại trái cây phổ biến nhưng để có được vị thơm, ngon ngọt rất đặc biệt này thì đòi hỏi người làm vườn cùng với tâm huyết còn là sự khéo léo chăm sóc, sáng tạo, tích luỹ kinh nghiệm trồng trọt lâu năm. Chẳng thế mà với khoảng 200 tấn quả các loại thu hoạch bốn mùa, khu vườn của gia đình ông cho doanh thu sản phẩm trên dưới 2 tỷ đồng hàng năm.
Ông Thái phấn khởi chia sẻ về việc tham gia vào mô hình du lịch nông nghiệp với Công ty TNHH Han Nông, với kỳ vọng vùng đất quê hương Việt Dân thanh bình, tươi đẹp, người nông dân thân thiện, cần cù, sáng tạo nơi đây được nhiều du khách, bạn bè biết đến hơn, nông sản của bà con chăm chút làm ra sẽ được giá hơn, tới với du khách bốn phương nhiều hơn…
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khi đưa du lịch vào xã theo mô hình trên, thôn Tân Thành sẽ là một điểm dừng chân trong hành trình tour Hà Nội – Hạ Long – Uông Bí, để khách tham quan, trải nghiệm khu miệt vườn cây trái ở đây. Chính vì thế, mô hình trải nghiệm sẽ được thiết kế đơn giản, thuận theo tự nhiên, hoạt động canh tác của người nông dân vẫn diễn ra bình thường. Còn du khách khi tới đây sẽ có khoảng 40-45 phút trải nghiệm miệt vườn, có thể xem trực tiếp, có những cảm nhận thực về các loại cây trái, vườn tược cũng như tập tục canh tác nông nghiệp của người dân và được thưởng thức các loại trái cây trong vườn theo xu hướng “mùa nào thức nấy”…
Sức hút “phố trong làng”
Khởi đầu từ thôn Tân Thành với 4 hộ dân đầu tiên, tuy nhiên Việt Dân trong tương lai mong muốn sẽ mở rộng hơn xu hướng du lịch trải nghiệm này. Chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng này, chị Sen nói về những dự định xây dựng mô hình chợ nông thôn, điểm giới thiệu đặc sản của địa phương cho du khách trải nghiệm, về việc quy hoạch những tuyến đường cho xe điện chở khách tham quan vòng quanh xã, nơi các hộ dân vừa sản xuất vừa có những khu vực nhà vườn cây trái sum suê…
Chị cũng mê mải chia sẻ về nhà thờ Đông Khê Hạ, công trình đã có hàng trăm năm nay ở thôn Thanh Bình, thôn tiêu biểu cả về xây dựng kinh tế và xây dựng đời sống văn hoá, văn minh ở Việt Dân. Sau này khi du lịch phát triển, khu vực nhà thờ này dự kiến sẽ là điểm tham quan đầu tiên của du khách, cũng là điểm xuất phát của những tuyến xe điện kể trên.
Và không chỉ cảnh quan tự nhiên yên ả, thanh bình, đường làng ngõ xóm thênh thang, xanh tươi, đồng ruộng, vườn cây trái đẹp mắt mà với chị, nét hấp dẫn của một vùng quê như Việt Dân còn bởi đời sống dân sinh và những sinh hoạt văn hoá, văn nghệ tinh thần rất sôi nổi, đoàn kết của bà con nơi đây. Mỗi tổ dân, gia đình đều có những sảnh, sân lợp mái phục vụ cho những sinh hoạt văn hoá, văn nghệ thường xuyên theo tuần, tháng luân phiên giữa các gia đình.
Bà con Việt Dân chăm chỉ lao động sản xuất, không chỉ có đời sống vật chất ổn định mà còn có đời sống tinh thần lạc quan yêu đời, nhà nào dường như cũng trang sắm một bộ loa máy phục vụ cho các hoạt động văn nghệ, giải trí. Bà con thường đi lao động từ sớm, đến 9 rưỡi, 10 giờ nắng về nghỉ trưa thì đánh bài trống cho xả stress, đỡ mệt hoặc vợ nấu cơm, chồng hát vài bài cho thư giãn, thoải mái… Lối sống lạc quan, tư duy cởi mở là cơ sở tốt để người dân có thể tiếp nhận một cách tự nhiên khi du lịch vào làng…
Chị Sen bảo, mỗi thôn của Việt Dân sẽ xây dựng 4-5 hộ vườn mẫu, tiếp tục phát triển các hộ mẫu này ra để phù hợp với định hướng phát triển du lịch trải nghiệm của địa phương. Đối tượng khách sẽ mở rộng sang cả học sinh, sinh viên bởi hiện nay, vào mùa xuân, mùa thu hoạch cây trái, các tuyến đường hoa trên địa bàn cũng đã thu hút khá đông các bạn trẻ từ nơi khác tìm đến chụp ảnh, check in…
Du lịch ở Việt Dân hiện nay mặc dù mới đang ở những bước khởi đầu mà thôi nhưng nghe chị Sen hoạch định về những kế hoạch sắp tới, chứng kiến CEO Heo Su Yeong say sưa với những vườn cây trái nhiệt đới, lại gặp những lão nông yêu vườn, yêu làng quê như ông Thái khiến chúng tôi có một niềm tin mạnh mẽ vào cơ hội khởi sắc của điểm đến du lịch nông nghiệp trên vùng đất thanh bình, tươi đẹp này trong một tương lai không xa…