Sáng 23-6, tại Hà Nội, Viện Y học cổ truyền Quân đội (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học và công tác tuyến chuyên ngành y học cổ truyền chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống của viện (4-7-1978 / 4-7-2023).
Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu và các nhà khoa học, đến từ 95 cơ quan, tổ chức trong và ngoài Quân đội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng, PGS, TS Phạm Xuân Phong, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Viện Y học cổ truyền Quân đội cho biết, hội thảo khoa học và công tác tuyến nhằm mục đích cùng các nhà quản lý, khoa học trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, khơi gợi, định hướng phát triển trong điều trị, nghiên cứu khoa học chuyên ngành y học cổ truyền thời gian tới. Đồng thời, nhìn nhận, đánh giá và định hướng công tác tuyến chuyên ngành y học cổ truyền trong và ngoài Quân đội. Qua hội thảo, mở ra hướng hợp tác có hiệu quả, lợi ích thiết thực nhằm nâng cao hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng 45 năm ngày thành lập viện.
Các đại biểu dự hội thảo. |
Trong thời gian buổi sáng, các đại biểu dự hội thảo khoa học đã được nghe hơn chục báo cáo có tính thực tiễn cao về công tác y học cổ truyền như: Nghiên cứu tác dụng của viên khớp saman trên mô hình thoái hóa khớp gối thực nghiệm; So sánh hiệu quả của phương pháp cấy chỉ catgut và điện châm trong điều trị hội chứng thắt lưng hông tại Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần) từ tháng 6-2021 đến tháng 9-2021; Tác dụng của phương pháp dán hạt Vương bất lưu hành trên công thức huyệt Nada trong điều trị mất ngủ không thực tổn; Nghiên cứu tác dụng điều chỉnh rối loạn giấc ngủ của Bilasen trên người tình nguyện; Đánh giá tác dụng giảm đau và cải thiện tầm vận động khớp gối bằng bài thuốc TK1 kết hợp với điện châm…
Thiếu tướng, PGS, TS Phạm Xuân Phong, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Viện Y học cổ truyền Quân đội phát biểu khai mạc hội thảo. |
Nổi bật là báo cáo của Thượng tá, TS Đinh Thanh Hà, Trưởng ban Khoa học Quân sự, Viện Y học cổ truyền Quân đội đã thông tin nhiều nội dung quan trọng, trong đó, tập trung khẳng định: Viện Y học cổ truyền Quân đội là cơ sở khoa học đầu ngành, tuyến cuối của hệ thống y học cổ truyền trong toàn quân, phát triển theo mô hình kết hợp của 4 tổ chức để thực hiện 4 chức năng chính gồm: Viện nghiên cứu; nhà trường; bệnh viện; doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Các thành viên Đoàn chủ tịch hội thảo. |
Từ năm 2018 đến nay, hoạt động nghiên cứu khoa học của viện đã tạo ra bước đột phá quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, đào tạo nhân lực, sản xuất thuốc, chú trọng đề tài về y học quân sự. Trong 5 năm, Viện Y học cổ truyền Quân đội đã thực hiện tổng số 80 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó, có 7 đề tài cấp Quốc gia và nhánh Quốc gia, 23 đề tài cấp bộ. Đặc biệt, lần đầu tiên viện đã triển khai chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ Quốc phòng với cụm đề tài được chia thành 4 lĩnh vực, gồm: Quản lý y học cổ truyền; phát triển dược liệu; điều trị; chế tạo dây chuyền sản xuất dưới sự chủ trì của 5 đơn vị Quân đội, triển khai tại cả 3 miền và có sự tham gia của nhiều cơ sở khoa học đầu ngành trong và ngoài Quân đội.
Quang cảnh hội thảo. |
Với chức năng là bệnh viện hạng I, tuyến Trung ương, trực thuộc Bộ Quốc phòng, Viện Y học cổ truyền Quân đội đã thường xuyên quan tâm đến công tác chỉ đạo tuyến, nhất là trên các mặt: Đào tạo cho các tuyến; nghiên cứu khoa học; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn; tiếp nhận, điều trị bệnh nhân của các tuyến; phát triển, xây dựng chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành. Trong đó, viện đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Điều trị (Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần) để tổ chức đoàn cán bộ đến các đơn vị và khoa Đông y của các bệnh viện hỗ trợ công tác phát triển y học cổ truyền, nghiên cứu khoa học, huấn luyện đào tạo, giúp đơn vị triển khai một số kỹ thuật mới áp dụng tại tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại chỗ.
Tin, ảnh: VĂN CHIỂN