Với mong muốn tìm kiếm các tác giả, hoạ sĩ truyện tranh Việt Nam và phát triển nhiều hơn nữa các tác phẩm truyện tranh của Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức cuộc thi “sáng tác truyện tranh”.
Cuộc thi “sáng tác truyện tranh” nhận bài thi từ 1/6-1/11. |
Rodolphe Töpffer (1798-1846), tác giả người Thụy Sỹ nói tiếng Pháp, được biết đến là “nhà phát minh” truyện tranh vào thế kỷ XIX.
Ban đầu, truyện tranh chưa được đón nhận ngay và thường xuất hiện dưới hình thức tập sách tranh (album) dành người lớn hoặc trên một vài trang trong các tờ báo châm biếm.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, một trường học của Bỉ đã tiên phong trong việc xuất bản truyện tranh với hình thức định kỳ hai ấn phẩm một tuần về Tintin và Spirou.
Từ cuối thập niên 1960, truyện tranh Pháp đã trải qua một bước ngoặt quan trọng với nhiều tác phẩm sáng tạo độc đáo. Hiện nay, tại Pháp truyện tranh được công nhận là “nghệ thuật thứ chín” với một truyền thống lâu đời và phong phú.
Truyện tranh Pháp rất đa dạng, với nhiều phong cách, thể loại và cách tiếp cận khác nhau (comics, manga, tiểu thuyết đồ họa, truyện tranh Pháp-Bỉ…), được đông đảo công chúng yêu thích, đặc biệt là giới trẻ.
Được đánh dấu bởi những tài năng mới nổi và các tác phẩm sáng tạo, truyện tranh Pháp chiếm một phần ngày càng lớn trên thị trường sách ở Pháp, cũng như ở châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Tại Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng được biết đến là một trong những đơn vị đầu tiên mang thể loại truyện tranh đến với bạn đọc Việt Nam. Vào những năm 1990, bạn đọc Việt Nam lần lượt làm quen và đón nhận các bộ truyện tranh đến từ Nhật Bản như Doraemon, Dragon Ball và từ Pháp như Asterix…
Truyện tranh trở thành một mảng sách không thể thiếu trong tủ sách của nhiều bạn đọc trẻ.
Vì vậy, với mong muốn tìm kiếm các tác giả, hoạ sĩ truyện tranh Việt Nam và phát triển nhiều hơn nữa các tác phẩm truyện tranh của Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức cuộc thi «sáng tác truyện tranh».
Điều kiện để tham gia dự thi:
1. Các tác giả chuyên và không chuyên là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên đang sinh sống, làm việc, học tập trong và ngoài nước đều được tham gia. Đối tượng sáng tác dành cho lứa tuổi từ 13 tuổi trở nên.
2. Thời gian nhận bài thi từ ngày 1/6-1/11; Thời gian công bố tác phẩm đoạt giải vào tháng 12/2024.
3. Các tác phẩm được gửi đến dự thi phải là các tác phẩm gốc, chưa từng được xuất bản hay gửi đến bất kỳ nhà xuất bản nào. Tác giả chịu trách nhiệm về bản quyền của các tác phẩm dự Cuộc thi. Ban tổ chức không tiếp nhận các tác phẩm dịch thuật, phóng tác.
4. Tác phẩm gửi về Ban Tổ chức là tác phẩm hoàn chỉnh với tối thiểu là 10 trang truyện tranh, với QUY CÁCH cụ thể như sau:
+ Kích thước: 18cm x 25cm với lề trắng xung quanh tranh: 15mm.
+ Độ phân giải với file kỹ thuật số: 300dpi.
+ Các tác phẩm vẽ tay cũng có thể scan với độ phân giải 300dpi.
+ Định dạng các tác phẩm gửi qua email: JPG hoặc PSD.
+ Lưu ý trang bắt đầu là 1 trang đơn. Khuyến khích trong tác phẩm có cả trang đơn và trang đôi.
+ Kích thước phông chữ của văn bản tối thiểu là 12pt.
+ Phần giới thiệu tác giả: Ghi rõ tên thật, bút danh, năm sinh, địa chỉ, email và số điện thoại liên lạc.
+ Phần tóm tắt tác phẩm: Ghi rõ tên tác phẩm, tóm tắt không quá 200 chữ.
Không giới hạn số tác phẩm dự giải của mỗi tác giả/nhóm tác giả.
5. Hình thức gửi tác phẩm dự giải:
Đối với bản thảo định dạng file kỹ thuật số, tác giả gửi về địa chỉ email của Ban tổ chức như sau: [email protected]; Tiêu đề email ghi rõ thông tin theo mẫu: [ThiTruyenTranh]Tên tác phẩm.
Đối với bản thảo trên giấy, tác giả gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện (bản sao hoặc bản gốc tác phẩm) theo địa chỉ: Nhà xuất bản Kim Đồng, 55 Quang Trung, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Ngoài bì thư ghi rõ: Tham gia cuộc thi «sáng tác truyện tranh – 2024».
Ban tổ chức không chịu trách nhiệm về các tác phẩm gửi tham gia không đúng thời gian quy định (căn cứ theo Giấy tiếp nhận bản thảo/dấu Bưu điện hoặc thời gian trên hộp thư điện tử của Ban Tổ chức) và những thất lạc trong quá trình tác giả gửi tác phẩm dự giải.
6. Cơ cấu giải thưởng:
Ban tổ chức trao các giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và giải Khuyến khích, cụ thể như sau:
Giải Nhất: Chuyến đi 7 ngày (bao gồm thời gian di chuyển) tham dự Liên hoan truyện tranh Angoulême, Pháp và thăm một số hiệu sách tại Paris (từ ngày 25/1/2024 đến ngày 31/1/ 2025).
(Nếu Giải Nhất thuộc về nhóm tác giả có nhiều hơn hai thành viên, Ban ttổ chức chỉ đài thọ kinh phí cho tối đa hai thành viên có tác phẩm giành Giải Nhất)
Giải Nhì: 15.000.000 đồng
Giải Ba: 10.000.000 đồng
Giải Khuyến khích: 5.000.000 đồng
(Kèm theo Bằng chứng nhận của Viện Pháp tại Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng)
7. Hội đồng Giám khảo:
Tác giả, hoạ sĩ Việt Nam và Pháp.
8. Sử dụng tác phẩm:
Các tác phẩm đoạt giải sẽ được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản và giới thiệu đến bạn đọc với sự hỗ trợ của Viện Pháp tại Việt Nam.
Các tác giả có tác phẩm được xuất bản sẽ nhận được tiền nhuận bút và một số lượng sách xuất bản theo quy định của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Đối với các tác phẩm được trao giải từ Cuộc thi, Nhà xuất bản được quyền khai thác tác phẩm dưới hình thức xuất bản thời hạn tối thiểu 5 năm và được quyền ưu tiên gia hạn hợp đồng sử dụng tác phẩm khi hết thời hạn.
9. Tranh chấp và trách nhiệm
Thí sinh tham gia cuộc thi phải đồng ý chấp hành toàn bộ các điều lệ. Bất kỳ hành vi gian lận nào cũng sẽ khiến thí sinh bị tước bỏ tư cách tham gia.
10. Quyền sở hữu văn học và nghệ thuật
Chiểu theo các luật hiện hành liên quan đến sở hữu văn học và nghệ thuật, mọi hành vi sao chụp hay đăng tải một phần hoặc toàn phần các tác phẩm tham gia cuộc thi này cũng đều không được phép. Bằng sự tham gia của mình, các thí sinh đảm bảo cho Ban tổ chức và Ban giám khảo không vấp phải bất kỳ sự can thiệp nào của một bên thứ ba đối với những gì liên quan đến tính nguyên bản của tác phẩm dự thi.
Nguồn: https://baoquocte.vn/vien-phap-va-nha-xuat-ban-kim-dong-to-chuc-cuoc-thi-sang-tac-truyen-tranh-tai-viet-nam-273681.html