Mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp
Chiều 30.9, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM và Tập đoàn Đèo Cả tổ chức lễ công bố thành lập Viện nghiên cứu đào tạo Đèo Cả (DCI). Đây là kết quả của sự hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kịp thời đáp ứng nhu cầu nguồn lực, công việc, ứng dụng công nghệ hiện đại.
Phát biểu chúc mừng thành lập Viện nghiên cứu đào tạo Đèo Cả, ông Lại Xuân Môn, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, đánh giá đây là một mô hình mới, có tính sáng tạo. “Cách làm đổi mới sáng tạo này sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia cho ngành giao thông vận tải và các lĩnh vực khác, góp phần thực hiện nghị quyết của Đảng để đến năm 2025 chúng ta trở thành nước công nghiệp”, ông Môn nhận định.
Chia sẻ trong chương trình, PGS-TS Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Trung ương Đảng khóa XI có nêu các ĐH phải thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội.
Theo PGS Nguyễn Xuân Phương, trên thế giới hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là mô hình phổ biến. Có thể thấy như hãng xe hơi Land Rover và ĐH Warwick đã tạo ra dòng xe hơi danh tiếng thế giới; hãng dược phẩm AstraZenesca và ĐH Oxford đã bào chế vắc xin góp phần bảo vệ con người khỏi đại dịch Covid-19… Sự hợp tác này tác động rất tích cực tới hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đã không ngừng nâng cao chất lượng cho người học.
Tại Việt Nam, cũng theo PGS Nguyễn Xuân Phương, trong những năm qua, mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường là một nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở đào tạo. Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM và Tập đoàn Đèo Cả chính thức hợp tác thành lập Viện nghiên cứu đào tạo Đèo Cả nhằm thực hiện 4 nhiệm vụ chính: đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tư vấn và thực hiện dự án.
“Trong thời gian tới, chúng tôi quyết tâm xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm của ngành giao thông, làm chủ các thí nghiệm đặc thù mà Việt Nam chưa làm được như: hầm gió, động đất, kết cấu nhịp lớn, cầu treo dây võng, cầu treo dây văng”, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM thông tin.
“Hai thứ không thể vay mượn: con người và văn hóa“
Chia sẻ trong chương trình, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, cho biết sau 38 năm hình thành và phát triển, tập đoàn này đã trở thành nhà đầu tư, tổng thầu thi công hạ tầng giao thông hàng đầu trong nước và từng bước vươn ra quốc tế.
“Để phát triển bền vững, chúng tôi xác định con người và văn hóa là 2 thứ không thể vay mượn được. Với con người thì phải tự đào tạo, rèn luyện. Với văn hóa thì phải dày công xây dựng. Chính vì thế, Viện nghiên cứu đào tạo Đèo Cả được ra đời nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kết hợp lý thuyết với thực tiễn của doanh nghiệp; tiên phong nghiên cứu, tư vấn công nghệ thi công hiện đại; là đầu mối hợp tác quốc tế nâng tầm doanh nghiệp”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hoàng, Viện nghiên cứu đào tạo Đèo Cả được thành lập là bước đi tiên phong của nhà trường và doanh nghiệp để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Với nhà trường, đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông. Với doanh nghiệp, là đào tạo năng lực của mình, để kết nối thực tiễn từ khối tư nhân đến nhà nước, từ bên thực hiện đến bên quản lý điều hướng về tiêu chí: tiến độ, chất lượng, minh bạch.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả cũng cho biết, viện sẽ sử dụng đội ngũ trí thức là các thành viên hội đồng cố vấn, hội đồng quản trị và cán bộ có trình độ sẵn có của tập đoàn, các giảng viên của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Đồng thời, viện cũng tuyển dụng và mời các chuyên gia tham gia vào công tác giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo.
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả-Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo Đèo Cả, cho biết viện được kỳ vọng sẽ dần trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ về giao thông vận tải có uy tín ở trong nước và khu vực, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học của trường và chuyển giao công nghệ trong tương lai. Đặc biệt là đón đầu xu thế xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và đường sắt cao tốc ở Việt Nam, các công nghệ mới trong lĩnh vực giao thông vận tải.