Nhiều năm sau ngày biết câu chuyện của Thiện Nhân, NSƯT Cao Ngọc Ánh vẫn nghẹn lại trước khi đọc rành rọt dòng tít báo “Con sinh ra từ trái tim thơm tho của mẹ”. Với chị, câu chuyện mẹ Trần Mai Anh nhận nuôi Thiện Nhân thừa đủ để làm chất liệu cho không chỉ một mà còn nhiều vở nhạc kịch đương đại. Viên đá ngũ sắc đã ra đời như thế.
Khởi nguồn của Viên đá ngũ sắc
Cơ duyên nào đưa chị tiếp cận với câu chuyện của Thiện Nhân và quyết định nhạc kịch hóa để có vở Viên đá ngũ sắc?
Thú thật, vào thời điểm mẹ Mai Anh đưa Thiện Nhân về nuôi và khiến báo chí chú ý, tôi cũng không quan tâm lắm. Vì xã hội có rất nhiều trường hợp giúp đỡ nhau như thế, mẹ Mai Anh là một trong số đó. Tôi chỉ nhớ mãi câu chuyện vì sao người ta có thể vì hủ tục mà bỏ đứa trẻ ở giữa vườn chuối và để kiến cắn thân thể con.
Sau đó, tôi đọc được bài báo với tựa đề: “Con sinh ra từ trái tim thơm tho của mẹ”. Cảm xúc của tôi bột phát. Tôi tò mò vì sao con lại được sinh ra từ trái tim của mẹ và bắt đầu đọc. Lúc đấy tôi chứa quen mẹ Mai Anh nhưng đã thấy cách giải thích rất giản dị nhưng chưa đựng tình yêu thương vô bờ bến.
Mình sinh ra con và yêu thương con mình là chuyện tất yếu. Nhưng một người mẹ lại có thể yêu thương đứa con mình không sinh ra đến thế. Sau 13 năm, quả đất tròn và chúng tôi lại trở thành bạn của nhau qua nhà thơ Khánh Dương. Khi ấy, anh Dương mời tôi tới một buổi chia sẻ của quỹ của Thiện Nhân, Từ đó tôi tiếp xúc với Mai Anh và chúng tôi thân nhau hơn.
Càng đọc nhiều về Thiện Nhân và Mai Anh, tôi càng cảm thấy chuyện này cần phải được nhạc kịch hóa. Nhưng quyết định cuối đến vào năm 2022.
Khi đó, Mai Anh tổ chức thăm khám, mổ cho các bệnh nhân nhí ở Đà Nẵng và bộc bạch với tôi ý định muốn cảm ơn các bác sĩ bằng một sản phẩm văn hóa. Trước đấy, Hành trình Thiện Nhân cũng khó khăn về tài chính, nhưng lúc đó đã dễ thở hơn. Mai Anh không muốn các bác sĩ nghĩ Việt Nam chuyên đi xin mổ từ thiện. Gia đình sẵn sàng gửi lời cảm ơn và tri ân.
Trùng hợp là vở nhạc kịch Sóng của Nhà hát Tuổi Trẻ diễn ra năm ngoái có những ca khúc phù hợp. Chúng tôi quyết định vào Đà Nẵng diễn. Tôi nhớ mãi chuyện các bác sĩ mổ cho các con lúc ấy rất mệt, các con cũng đau đớn nữa. Chúng tôi băn khoăn mãi việc mình diễn thế này có đúng hay không? Họ đang đau đớn, mệt mỏi thế kia còn chúng ta lại ca hát. May mắn hiệu ứng lại rất tốt.
Các bác sĩ được xả stress. Những bạn nhỏ cũng bớt đau đớn hơn. Chính sau buổi biểu diễn đó, tôi mới tự đặt câu hỏi vì sao chúng ta không tạo ra vở nhạc kịch riêng cho Hành trình Thiện Nhân. Những câu chuyện về Thiện Nhân quá nhiều và đủ để làm chất liệu riêng. Chúng ta sẽ không phải nhặt từ đâu đó. Từ đó, chúng tôi trao đổi với nhau nhiều hơn để bắt đầu vở nhạc kịch này.
Với tư cách một người mẹ, liệu chị có đủ dũng cảm và can đảm để mang một đứa bé từ bên ngoài về như chị Mai Anh?
Tôi nghĩ chúng ta phải ở trong cái hoàn cảnh đó mới có thể khẳng định bản thân sẽ hành động như thế nào. Ngay vào thời điểm đọc bài báo đấy, tôi cũng cũng tự hỏi: Liệu mình có mang đứa trẻ đấy về không? Mình có thể nuôi nó được không? Tất nhiên là không có câu trả lời.
Chính vì thế tôi càng trân trọng Mai Anh hơn. Chị ấy đã làm một việc phi thường, nhất là khi Mai Anh cũng không phải người quá giàu có đến mức thừa thãi để cho đi. Mang một đứa bé về thôi là thêm một gánh nặng cho gia đình.
“Chúng ta luôn cần những người tốt”
Hành trình của Gia đình Thiện Nhân đã qua được 13 năm nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Thiện Nhân tới giờ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Chị sau nhiều năm quen mẹ Mai Anh và vẫn đang ở cạnh có nhận thức thế nào về việc hành trình này có thể kéo dài không điểm kết?
Theo tôi, hành trình này không thể kết thúc được. Đây là chương trình Thiện Nhân và những người bạn. Chương trình này không còn dành riêng cho Thiện Nhân, hay cho Mai Anh, mà cho rất nhiều người. Trong buổi họp báo, Mai Anh cũng có chia sẻ không muốn nói nhiều về câu chuyện này nữa vì nó đã cũ. Nhưng ông Greg với Mai Anh rằng nó không cũ, nó chỉ cũ với Mai Anh thôi.
Vì những ca mổ tiếp theo ngay trong năm nay, hoặc các bệnh nhân được thăm khám vào năm sau, câu chuyện này phải được tiếp tục. Việc chúng tôi làm vở kịch Viên đá ngũ sắc này cũng vậy. Chúng tôi không nói riêng về Mai Anh hay Thiện Nhân. Vở kịch này nói về các bác sĩ, về cái thiện ở toàn thế giới đã đến đây.
Chúng tôi nói về tất cả những bà mẹ có con phải chịu đau đớn, kể cả những bà mẹ đi có con nuôi như Mai Anh, rồi những đứa trẻ khuyết tật sau mỗi ca mổ được đắp dần, đắp dần cả về thể xác lẫn tâm hồn. Tôi nghĩ hành trình của “Thiện Nhân và những người bạn” sẽ còn dài, cũng như chính vở kịch này vậy.
Vậy vở kịch sẽ có nhiều phần?
Trong cuộc họp báo, tôi chia sẻ đây là tập một để nói về “Chương trình Thiện Nhân và những người bạn”. Trong tập một này, tôi chỉ có thể giới thiệu với các bạn những cái cảm xúc chung của tôi. Nếu các bạn muốn biết chi tiết Mai Anh đã nuôi Thiện Nhân ra sao, Sơn ‘bô xanh’ phải trải qua bao nhiêu ca mổ, hay nhiều câu chuyện khác nữa, chúng ta sẽ có những phần khác.
Ví dụ có chuyện này. Buổi phẫu thuật quan trọng nhất của Thiện Nhân vốn không có khâu hậu phẫu tại nước ngoài vì thiếu tiền. Nên ngay sau khi mổ xong, Mai Anh bế Thiện Nhân ra sân bay để về nước ngay lập tức. Trên máy bay, Mai Anh rất hồi hộp, không biết ca mổ có thành công hay không.
Nếu thành công, Thiện Nhân phải đi tè được. Thế rồi Thiện Nhân đóng bỉm và bắt đầu ọc ạch khó chịu. Mai Anh mở cái cái bỉm ra, Thiện Nhân tè thẳng qua cái cần được nối vào mặt mẹ Mai Anh. Trên máy bay, mẹ Mai Anh vừa cười, vừa khóc rất hạnh phúc. Cười vì ca mổ đã thành công và coi như hai mẹ con không phải ra nước ngoài nữa, không tốn tiền nữa. Khóc vì sung sướng, vì con mình sau mỗi ca mổ đã được đắp thêm một chút.
Những câu chuyện như thế có thể được ghép lại để thành tập 2, tập 3. Hoặc có thể có những tập nói chuyện riêng những người bác sĩ. Khi các bác sĩ mổ cho trẻ con, họ đâu có mặc áo mổ màu xanh bình thường. Trên đó có cả những hình thù sặc sỡ, xanh đỏ tím vàng.
Họ làm vậy để giảm đi những nỗi sợ hãi và sự đau đớn của các con. Chính những bác sĩ ấy cũng rất hướng thiện, tìm đến thiện, cố gắng hoàn thiện mình để trở thành những người tốt. Đấy là lý do tôi nghĩ hành trình này sẽ còn mãi.
Chúng ta luôn cần những người tốt, và chúng ta sẽ luôn cần lan tỏa cái tốt ấy đến với xã hội. Vở kịch Viên đá ngũ sắc này cũng thế.
Có thể khi công chiếu, sẽ có người không ưng, giới nghệ thuật, chuyên môn có thể đánh giá nó chưa sâu. Nhưng có một mệnh đề mà trong các buổi tập, các diễn viên đã nói đi nói lại: Nếu chúng ta tin, phép màu sẽ xuất hiện. Vì thế chúng tôi rất tin tưởng. Chúng ta sẽ có vở diễn chạm đến trái tim của khán giả.
“Sẽ luôn có cảm xúc mới”
Chị nói vở kịch sẽ có phần 2, phần 3, liệu chị có lo khán giả sẽ chán không?
Đối với nghệ sĩ, quan trọng nhất là cảm xúc. Chừng nào những câu chuyện ấy còn tạo cho tôi được cảm xúc, tôi vẫn sẽ làm. Câu chuyện có thể cũ, nhưng cảm xúc thì không. Mỗi lần nhớ lại câu “con được sinh ra từ trái tim thơm tho của mẹ” lúc nào tôi cũng nghẹn lên. Câu chuyện đằng sau đấy vừa cảm động vừa buồn cười.
Thiện Nhân có lần về nhà rất rón rén hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con sinh ra từ đâu?”. Vì ở trường, có ai đó ác ý nói Thiện Nhân không phải do mẹ Mai Anh đẻ ra. Mẹ Mai Anh lúc đấy mới bảo: “Cái này rất bí mật. Mẹ chỉ nói riêng với Nhân thôi, không được nói cho các anh biết đấy”. Thế rồi mẹ Mai Anh nói con được sinh ra từ trái tim thơm tho của mẹ, còn hai anh từ trong bụng, bụng toàn thức ăn, có cả phân nên hôi thối lắm.
Thế là Thiện Nhân sung sướng lắm, nhất là khi mẹ còn bảo bí mật không được nói với các anh. Cậu cười cứ cười tủm tỉm thôi vì thấy bản thân được ưu ái. Đến lúc không nhịn được cậu ấy bảo thảo nào hai anh rất hôi. Bây giờ lớn lên rồi, Thiện Nhân cũng hiểu cái “trái tim thơm tho” là gì.
Mai Anh luôn làm mọi thứ như thế: luôn hài hước, bình thường hóa tất cả những chuyện nặng nề. Từ bé, đấy đã là bệ đỡ để Thiện Nhân đến trường. Nhân cũng không cần quan tâm bố mình là ai nữa. Lúc nào mẹ Mai Anh cũng tìm ra cách nhìn vào các điểm sáng,
Trong vở kịch này, còn có một bài tên “Con ơi đừng sợ” từ lời thơ của anh Đinh Quang Trung mô tả đúng những gì mẹ Mai Anh thường làm. Những đứa trẻ khi bắt đầu thăm khám đã sợ rồi, và Mai Anh luôn tìm cách vỗ về. Đối với những ca mổ đặc biệt, Mai Anh đều ngồi cạnh giường, cầm tay các con, hát ru như để truyền năng lượng và xoa dịu đi nỗi đau. Hay có bài “Là Tôi”, để Thiện Nhân chứng minh mình cũng giống như những đứa trẻ khác.
Những câu chuyện như thế tôi nghĩ luôn mang lại cảm xúc mới cho khán giả.
Đứng trên góc độ nghệ thuật cũng như ảnh hưởng, chị kỳ vọng gì vào vở kịch?
Khi bắt đầu làm vở kịch này, tôi chỉ nghĩ rất đơn giản mình một nghệ sĩ sáng tạo, câu chuyện Thiện Nhân tạo cảm xúc mạnh, và tôi muốn dựng. Tôi cũng muốn theo đuổi dòng nhạc kịch thuần Việt. Tôi cũng có điều kiện được đi theo dõi nhạc kịch ở nhiều nơi, từ Mỹ, châu Âu đến Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở đó, họ rất tôn vinh văn hóa bản địa. Và tôi muốn tôn vinh văn hóa Việt Nam, vì thế tôi làm vở kịch này để bày tỏ sự tự hào về Tổ quốc.
Nhạc kịch thuần Việt đơn giản là nói về con người, đất nước, khát vọng và ước mơ của con người Việt Nam. Đội ngũ làm nên vở kịch này cũng toàn người Việt. Quan trọng nhất, nhạc kịch phải tái hiện lại được hơi thở thời đại.
Ví dụ, nếu làm về Xuân Quỳnh, người xem phải thấy âm hưởng của những năm 80. Còn Viên đá ngũ sắc là vở kịch đương đại, chúng ta phải hướng tới những câu chuyện hiện đại, mang theo hơi thở phát triển của đất nước. Đấy chính là lý do khiến vở kịch có nhiều yếu tố trẻ trung.
Về kỳ vọng, thì làm bất cứ điều gì tôi cũng chỉ nghĩ thế này: Con người cũng có số mệnh, mình đặt ra cái đích thì hãy hết mình để đến cái đích đó, bằng tất cả niềm yêu. Hãy cứ dốc hết khát khao đi, còn đích đến đâu cũng phụ thuộc vào số mệnh. Dĩ nhiên chúng ta phải tạo ra sản phẩm tốt. Nếu như chúng ta có tác phẩm tốt, đứa con tinh thần ấy sẽ trường tồn.
Chỉ cần vở kịch hay, người ta sẽ tự hỏi bao giờ nó lại diễn tiếp. Còn tôi không thể đoán định được bất kỳ điều gì. Trước đại dịch, chúng ta có thể nghĩ xa, nhưng giờ tôi chỉ muốn nhìn vào những thứ trước mắt. Cứ cố gắng hết mình và mong những điều tốt đẹp nhất.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!