Viêm khớp thoái hóa ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Cơ chế sinh học của bệnh viêm xương khớp liên quan đến nhiều vấn đề hơn là sự thoái hóa của sụn và xương. Khi những cấu trúc này bị tổn thương, cơ thể sẽ phản ứng bằng một quá trình được gọi là cốt hóa, một phần của quá trình tái tạo xương liên quan đến việc hình thành xương mới, quá trình tái hấp thu xương cũ cũng có thể xảy ra trong quá trình tái tạo. Đây là quá trình tương tự xảy ra khi xương bị gãy.
Ở nhiều người bị viêm xương khớp, cơn đau có thể bắt nguồn từ xương (ngay bên dưới sụn), lớp lót, bao khớp, các dây chằng và gân xung quanh. Cả lực cơ học và tình trạng viêm đều có thể gây ra cơn đau.
Triệu chứng của bệnh viêm khớp thoái hóa
Các triệu chứng chính của viêm khớp thoái hóa là đau và cứng khớp. Cơn đau thường tăng lên khi hoạt động và giảm khi nghỉ ngơi.
Cứng khớp thường gặp vào buổi sáng nhưng có xu hướng cải thiện khi bạn di chuyển, thường là trong vòng 30 phút. Không hoạt động trong ngày, chẳng hạn như ngồi trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến cứng khớp và thậm chí có thể gây ra tình trạng khóa khớp ở một số người.
Một triệu chứng phổ biến khác của bệnh viêm xương khớp là tiếng kêu lục cục, trong đó khớp sẽ phát ra tiếng kêu lục cục khi cử động. Tiếng lục cục thường ở khớp vai hoặc khớp gối nhưng cũng có thể xảy ra ở cổ tay, ngón tay, khuỷu tay và mắt cá chân.
Nguyên nhân
Về bản chất, viêm khớp thoái hóa là tình trạng tổn thương tiến triển ở khớp xảy ra nhanh hơn khả năng phục hồi của cơ thể. Viêm xương khớp xảy ra do lão hóa và phổ biến nhất ở người lớn trên 65 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới (có lẽ một phần là do thay đổi nội tiết tố).
Các yếu tố cơ bản gây viêm khớp bao gồm:
– Sự lệch lạc bẩm sinh của xương
– Chấn thương khớp
– Bất kỳ bệnh nào gây tổn thương mô khớp hoặc xương
– Béo phì
– Rối loạn thần kinh liên quan đến các chuyển động không phối hợp
Nguồn: https://laodong.vn/suc-khoe/viem-khop-thoai-hoa-anh-huong-den-co-the-nhu-the-nao-1393636.ldo