Chiều ngày 27/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã tham gia thảo luận tại tổ 5 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận tại tổ về hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. |
Đại biểu Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc điều hành phiên thảo luận tại tổ 5 gồm các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Gia Lai và Vĩnh Long.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp tổ, các đại biểu Bùi Thành Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao và đại biểu Lê Tất Hiếu, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đều nhất trí cho rằng, việc sửa nội dung Luật Công an nhân dân năm 2018 sẽ có tác động tích cực đối với xã hội, đặc biệt sẽ tận dụng được nguồn lao động có chất lượng cao, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
Hai đại biểu khẳng định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân sẽ phù hợp với các quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019 và tính chất đặc thù của lực lượng công an nhân dân.
Đối với hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung hai dự án luật này là cần thiết trong tình hình hiện nay; góp phần đơn giản hóa thủ tục, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Bộ trưởng khẳng định, 2 dự thảo luật sẽ tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, làm việc, sinh sống, làm ăn; đồng thời trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có độ mở cao nên số doanh nhân, người dân nước ngoài nhập cảnh để sinh sống, làm việc, du lịch ngày càng nhiều… sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư và thu hút khách nước ngoài du lịch Việt Nam.
Bộ trưởng cho rằng, cần thống nhất không áp dụng nguyên tắc phải có mời, đón, bảo lãnh liên quan đến người nước ngoài nhập cảnh với mục đích du lịch, tìm hiểu thị trường.
Việc cấp visa điện tử không yêu cầu có cơ quan bảo lãnh, nhưng cấp visa do các cơ quan đại diện lại đặt ra yêu cầu này gây khó khăn, không thống nhất giữa hai hình thức và có thể khiến du khách thắc mắc.
Bộ trưởng đề nghị sửa quy định, cho phép các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được quyết định cấp visa cho một số trường hợp đối ngoại cần thiết hoặc khẩn cấp vì lý do nhân đạo. Cùng với đó là tuân thủ nguyên tắc: cơ quan đại diện tự chịu trách nhiệm về việc cấp visa và phải thông báo cho Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Theo quy định trước đây, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được cấp visa trong trường hợp đặc biệt theo ủy quyền của Cục Xuất nhập cảnh, nhưng diện rất hẹp và có sự bảo lãnh của Bộ Ngoại giao các nước. Bộ trưởng đề nghị khi sửa luật lần này cần thông thoáng hơn trong bối cảnh Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trong bối cảnh xu thế thế giới và cả nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn ủng hộ mở rộng diện cấp visa điện tử và cho rằng nhiều nước cũng đang mở rộng diện cấp visa điện tử nhằm tạo điều kiện cho người nhập cảnh được tiếp cận dễ dàng.
Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc mở rộng diện cấp visa điện tử (hiện nay là 80 nước) sẽ tạo thuận lợi cho người nước ngoài đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam, nhất là những người không có điều kiện đến cơ quan đại diện hoặc những nơi Việt Nam chưa có cơ quan đại diện.
Bộ trưởng cũng đồng tình với đề xuất nâng thời hạn visa lên 3 tháng, có giá trị nhiều lần, tăng thời hạn cư trú với người nhập cảnh thuộc diện đơn phương miễn visa lên 45 ngày.
Nhiều nước trên thế giới thiếu lao động hoặc để thu hút khách du lịch đã điều chỉnh chính sách nhập cư. Đơn cử, Canada có thể cấp visa 10 năm cho phụ huynh có con học tại nước này để đi lại nhiều lần. Bộ trưởng khẳng định việc điều chỉnh mở rộng thời gian cư trú cho khách nhập cảnh sẽ kích thích du lịch, đúng với xu thế trên thế giới.