Giữa tháng 5-2024, sầu riêng của nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bắt đầu thu hoạch rộ. Đây cũng là thời điểm người hái (cắt) sầu riêng thuê cho các vựa thu mua tỏa đi các vườn thu hoạch theo sự giao kết giữa nhà vườn và chủ vựa.
Ông Út Nhỏ (quê tỉnh Bến Tre, ngụ xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đang “gõ” sầu riêng thuê. Ảnh: Đ.Phú
Trái sầu riêng có trọng lượng tương đối nặng (từ 1-5kg), để hái 2-3 tấn sầu riêng trong ngày ai cũng làm được, nhưng để đảm bảo trái có độ chín đồng đều thì không dễ, đòi hỏi người hái phải có kỹ năng, kinh nghiệm.
Nghề không qua trường lớp
Ông Bảy Chình (ngụ xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) phải mất 3 năm ròng theo nhóm bạn quê tỉnh Tiền Giang chuyên hái sầu riêng thuê khắp các địa bàn trong huyện, tỉnh mới thành thạo được kỹ thuật hái sầu riêng.
Muốn thành thạo kỹ thuật “gõ” sầu riêng, đầu tiên, ông Bảy Chình chỉ được giao việc nhặt, gom sầu riêng từ người đứng phía dưới hứng trái chuyển cho. Đây là công việc dễ dàng nhất, ai cũng làm được. Tiếp theo, ông được nhóm thợ giao cho nhiệm vụ hứng trái rơi từ trên cao khi người hái ném xuống hoặc dùng móc cắt. Khi công việc này thành thục, ông mới được người hái cho trèo leo cây hái, “gõ” những trái ở nhánh thấp với dấu hiệu già, chín nhận biết bằng mắt dễ dàng như: vỏ, gai căng, chuyển từ xanh đậm sang vàng sậm.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), Đồng Nai có khoảng 11,3 ngàn hécta sầu riêng cho thu hoạch với sản lượng gần 70 ngàn tấn/năm. Với diện tích cả vùng Đông Nam Bộ trên 20 ngàn hécta, sản lượng gần 123 ngàn tấn thì cần lượng lớn lao động thu hoạch sầu riêng. |
“Đây chỉ là trình độ thường thường, các chủ vườn sầu riêng đều nắm được và nếu không hái thì chỉ cần chờ thêm 3-4 ngày là trái chín rụng. Trong khi với sầu riêng đóng thùng xuất khẩu thì không dùng những quả này được” – ông Bảy Chình bộc bạch.
Qua công đoạn hỗ trợ người thợ chính hái những trái sầu riêng chín, ông Bảy Chình cứ vậy học hỏi và thành thợ chính. Lúc này, ông nắm vững hết kỹ thuật như “gõ” kêu: “bộp bộp” nhẹ là loại tốt nhất khi phần cơm chưa nở, nhưng giữa vỏ và phần cơm có độ “hở” nhất định mới nhận biết được âm thanh này. Riêng trái gõ kêu “cộc cộc” nhẹ nhàng cũng đạt chuẩn, nhưng hái về cần dùng thêm kỹ thuật ủ.
Sau vài cơn mưa nặng hạt trải rộng đã giúp sầu riêng trên địa bàn tỉnh qua cơn khô khát nước nên trái lớn, chín như “thổi”. Theo các nhà vườn, điều này dễ làm sầu riêng chín “háp”, sượng trái và đánh lừa người “gõ” do còn “non tay” khi hái.
Thợ “gõ” sầu riêng có 9 năm kinh nghiệm Tư Tùng (ngụ xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú) giải thích, do hút nhiều nước nên trái và cơm mọng nước, khi gõ dễ phát ra âm thanh “bộp bộp” nhưng thật ra sầu riêng vẫn chưa già. Một khi hái xuống thì có ủ cũng không chín, dẫn tới phải dạt ra bán hàng kem (chế biến làm hương vị) chứ không ăn được.
“Người hái, gõ sầu riêng tay nghề kém dễ bị thời tiết lúc này đánh lừa. Một khi họ hái trái không đạt chuẩn về độ già, chín thì người thu mua bị thua lỗ nặng. Lúc đó, uy tín của họ bị giảm sút và ít được người khác thuê hái sầu riêng” – ông Tư Tùng tâm sự.
Được săn đón mùa thu hoạch
Tháng 5-2024, sầu riêng bắt đầu vào thu hoạch, công việc “gõ” sầu riêng của người hái sầu riêng thuê bắt đầu ăn nên, làm ra.
Với kinh nghiệm 7 năm “gõ” sầu riêng thuê, ông Út Nhỏ (quê tỉnh Bến Tre, ngụ xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) được bạn bè cùng nhóm ví như người có đôi tay và tai “vàng” trong nghề. Chính vì vậy, khi sầu riêng bắt đầu vào vụ thu hoạch, ông được các nhà vườn, người mua sầu riêng săn đón nên rất bận bịu.
“Tùy theo diện tích vườn rộng hay hẹp, tôi hái được 1-3 tấn/ngày. Tiền công 1 triệu đồng/tấn, được người thuê thanh toán ngay tại rẫy” – ông Út Nhỏ bày tỏ.
Rời cây sầu riêng sau khi thân chỉ còn lủng lẳng những trái non hoặc chớm già, ông Hai Biên (ngụ phường Xuân Lập, thành phố Long Khánh) cho biết, nghề nào cũng cần thời gian “tầm sư học đạo”, nhưng với nghề hái sầu riêng, dù gặp được thầy giỏi truyền thụ hết kinh nghiệm thì khả năng cảm nhận, cảm thụ mùi thơm của cơm sầu riêng bị lớp vỏ dày bên ngoài bao bọc hoặc cảm nhận từ mắt, âm thanh phát ra từ trái sầu riêng khi “gõ”, vẫn tùy thuộc vào người học nghề nắm bắt nhanh hay chậm.
“Sầu riêng Ri6 và Thái khi già “gõ” nghe âm thanh khác nhau. Cho nên, có người giỏi về “gõ” sầu riêng Ri6, người giỏi về “gõ” sầu riêng Thái. Người giỏi cả 2 thứ thì công việc sẽ nhiều hơn” – ông ÚT NHỎ (quê tỉnh Bến Tre, ngụ xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) cho biết. |
Cũng theo ông Hai Biên, với người có khả năng cảm nhận tốt thì chỉ cần “thầy” huấn luyện trong một mùa sầu riêng là hành nghề được. Còn người không có khả năng đặc biệt này thì “gõ” cả đời cũng không nhận biết chính xác.
Đây chính là sự khác biệt giữa thợ nghiệp dư với người chuyên nghiệp. Do tiền công “gõ” sầu riêng cao gấp 3 lần người hứng, nhặt trái (người hứng, nhặt trái được trả tiền công 300 ngàn đồng/tấn) nên không ít thợ nhặt, hứng trái vì muốn trả tiền công cao, được săn đón nên tự xưng là thợ “gõ” sầu riêng chuyên nghiệp.
“Khi chủ vườn, vựa thu mua gặp phải thợ “gõ” dỏm thì coi như đợt hái sầu riêng đó bị lỗ nặng, do hái trái không đủ tiêu chuẩn về độ già để ủ chín mà sầu riêng bị trả về” – ông Hai Biên bày tỏ.
Cuộc sống của thợ hái sầu riêng thuê di chuyển đó đây theo các vườn sầu riêng trong xã, huyện, tỉnh và nhiều nơi khác. Theo người hái sầu riêng thuê Chín Thía (ngụ xã Núi Tượng, huyện Tân Phú), do sầu riêng trong tỉnh vào vụ chênh lệch nhau từ 10 ngày đến một tháng nên việc hái sầu riêng thuê chỉ kéo dài trong vòng 3 tháng/năm. Do đó, khi ở huyện Tân Phú không còn thu hoạch sầu riêng, ông di chuyển sang các huyện khác hoặc tỉnh khác làm thuê.
“Có năm, tôi đến các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk để hái sầu riêng thuê. Do những nơi này diện tích sầu riêng lớn, người có tay nghề “gõ” sầu riêng ít nên ngoài tiền công còn được chủ vườn bồi dưỡng thêm” – ông Chín Thía bộc bạch.
Nguồn: https://danviet.vn/viec-nhe-luong-cao-o-dong-nai-leo-cay-tien-ty-go-trai-nha-giau-lam-thue-kieu-gi-ma-hai-ra-tien-20240811175513384.htm