Chia sẻ nỗi niềm trường tạm, nhà công vụ tạm “có cũng như không có, không có nhưng vẫn phải có” dành cho thầy cô và học sinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn khẳng định, cần thực hiện kiên trì các giải pháp tổng thể để khắc phục tình trạng này.
Vùng khó khăn, tỷ lệ kiên cố hóa phòng học còn thấp
Tại hội nghị Tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới do Bộ GDĐT phối hợp tổ chức ngày 25/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm 2013, cả nước có 553.181 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, số phòng học kiên cố khoảng 364.367 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 65,9%. Cấp học mầm non có tỷ lệ phòng học kiên cố hóa rất thấp chỉ 47,7%.
Đến năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp, tăng 73.290 phòng học so với năm 2013. Trong đó, số phòng học kiên cố đạt tỷ lệ 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013. Mức tăng ấn tượng của cấp học mầm non lên 83,0% – tăng 35,3% so với năm 2013.
Đây là kết quả của sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ từ Nhà nước và sự chung tay từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thông qua công tác xã hội hóa. Cũng nhờ chính sách xã hội hóa, trong giai đoạn 2013-2023, cả nước đã xây dựng hơn 36.000 phòng học và 1.300 phòng công vụ cho giáo viên, với tổng kinh phí huy động đạt khoảng 33.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, vẫn còn gần 20% phòng học tạm trong cả nước, đặc biệt là ở các khu vực miền núi khó khăn vẫn cần tiếp tục cải thiện trong thời gian tới. Thống kê tại Bắc Kạn, cả tỉnh hiện có 3.750 phòng học các cấp mầm non và phổ thông, trong đó, số phòng học kiên cố 1.678 phòng, đạt tỷ lệ là 44,7%. Tỷ lệ phòng học tạm ở mầm non, tiểu học còn cao, lần lượt là 24,22% và 8,4%. Hầu hết các trường chưa có phòng học bộ môn. Về nhà công vụ cho giáo viên hầu hết là bán kiên cố, tạm. Cụ thể, tổng số phòng công vụ 670, tỷ lệ phòng kiên cố đạt 20,4%, nhiều trường chưa có phòng công vụ cho giáo viên.
Tương tự nhiều địa phương khác như Thanh Hóa, Lai Châu, Yên Bái… cũng có tỷ lệ phòng học kiên cố thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của cả nước.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Với số trường học trong cả nước rất lớn (trên 53.000 trường học), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ ra đất nước ta vừa thoát nghèo, nguồn lực còn hạn chế, còn rất nhiều việc phải tập trung đầu tư. Vì vậy, việc kiên cố hóa trường học luôn luôn cần sự chung tay của toàn xã hội, của cộng đồng.
Từ bài học kinh nghiệm 10 năm qua, ngành GDĐT chỉ ra một số giải pháp quan trọng để cải thiện tình trạng này. Đó là cần sự chủ động từ cấp ủy và chính quyền địa phương. Đây là yếu tố then chốt để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa. Việc kết nối các nguồn lực, triển khai các chương trình phải được thực hiện có kế hoạch, công khai và minh bạch. Công tác thông tin, truyền thông cần được đẩy mạnh, nhằm biểu dương, tôn vinh những tấm gương người tốt việc tốt; cách làm hay, mô hình hiệu quả; đồng thời tạo động lực và lan tỏa phong trào xã hội hóa sâu rộng hơn trong cộng đồng.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan: Chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý và sử dụng nguồn lực từ xã hội hóa. Điều này sẽ giúp tối ưu hóa các khoản đầu tư, đồng thời thúc đẩy quá trình cải thiện cơ sở vật chất giáo dục.
Đại tá Vũ Đức Tú – Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đề xuất để thu hút các nguồn lực xã hội hóa cũng như triển khai có hiệu quả các nguồn lực này cần sự tích cực, chủ động từ các bên liên quan trong mọi mặt, từ việc xem xét quy hoạch, thống kê trường, lớp, phòng học tạm, tuyên truyền để người dân đồng thuận… Đặc biệt, cần cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp và tổ chức đầu tư, thiện nguyện để công tác xã hội hóa được thuận lợi, phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân.
Nhấn mạnh những kết quả đáng khích lệ trong việc nâng cao tỷ lệ kiên cố hóa phòng học, nhà công vụ cho giáo viên và học sinh, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo trong thời gian tới cần tiếp tục chung tay, huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu kiên cố hoá toàn bộ hệ thống trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị Bộ GDĐT phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục. Bộ GDĐT cần xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; chỉ đạo việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp để đầu tư và huy động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí, tiêu cực.
Chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho GDĐT, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở các khu vực khó khăn. Giám sát và quản lý chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Đảng và Nhà nước ta coi GDĐT là quốc sách hàng đầu và luôn thể hiện sự quan tâm và quyết tâm phát triển GDĐT bằng nhiều chủ trương và chính sách lớn. Tháng 8 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; trong đó xác định rõ “phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%”, tức là đến năm 2030, cả nước sẽ không còn phòng học tạm, phòng học chưa kiên cố. Để thực hiện được mục tiêu lớn này, cần các giải pháp mang tính tổng thể, trong đó Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo và việc huy động các nguồn lực xã hội là hết sức quan trọng.
Nguồn: https://daidoanket.vn/den-nam-2030-xoa-100-phong-hoc-tam-viec-lon-va-lau-dai-10293111.html