Vấn đề việc làm gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần vào tăng trưởng bền vững ngày càng trở nên cần thiết trước thực trạng biến đổi khí hậu đang dần gay gắt như hiện nay.
Nhu cầu việc làm “xanh” tăng cao
Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, với sự tham gia đóng góp của nhiều ngành nghề, tạo ra nhu cầu lớn về việc làm “xanh” và kỹ năng “xanh” trên thị trường lao động. Việc làm “xanh” là khái niệm mới chỉ các công việc được tạo ra trong các ngành sản xuất và dịch vụ hướng đến hành động bảo vệ môi trường, giảm phát thải và thực hiện những tiêu chí về phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Việc làm “xanh”: Hướng đi mới của thế hệ thanh niên “xanh”. (Ảnh minh họa)
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc làm xanh không tự xuất hiện, mà hình thành từ ý thức của doanh nghiệp, từ ý nghĩ và trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ bầu không khí chung. Ông Thịnh nhấn mạnh: “Khi doanh nghiệp có những cam kết về phát triển bền vững thì họ cũng phải có kế hoạch về bảo vệ môi trường, từ đó có nhu cầu về các vị trí việc làm xanh”.
Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự toàn quốc ManpowerGroup Việt Nam cho biết, nếu như trước đây ứng viên thường quan tâm nhiều hơn đến ngành nghề hoạt động của công ty, mức lương, địa điểm làm việc… thì nay nhà tuyển dụng nhận được thêm nhiều câu hỏi về các hoạt động xã hội của công ty. Các ứng viên đặc biệt là ứng viên trẻ thường quan tâm hơn đến những quảng cáo tuyển dụng về các doanh nghiệp có trách nhiệm cao với môi trường và cộng đồng.
Theo kết quả khảo sát của ManpowerGroup Việt Nam, những vị trí việc làm “xanh” được áp dụng từ năm 2022 đến nay chủ yếu là các vị trí như quản lý kỹ thuật dự án, giám sát xây dựng, giám đốc đầu tư, giám đốc quản lý vận hành… Nhu cầu về việc làm “xanh” ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của người lao động. Điều này thể hiện rất rõ qua việc tìm kiếm việc làm hướng đến các doanh nghiệp “xanh” của ứng viên. Cho đến nay, nhu cầu việc làm “xanh” cao nhất đến từ các ngành sản xuất (48%), năng lượng (34%), nông nghiệp (11%) và công nghệ (4%).
Một số ngàng nghề có nhu cầu nhân sự xanh cao nhất từ năm 2022 đến nay theo ManpowerGroup Việt Nam. (Ảnh: VnEconomy)
Chia sẻ thêm về nhu cầu ngày càng tăng cho các vị trí việc làm “xanh”, ông Andree Mangels, Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp đang ngày càng xem trọng việc thực hành “xanh” trong các hoạt động của mình, đặc biệt là lĩnh vực thu hút nhân tài.
“Chúng tôi đã và đang tích cực hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và tập đoàn nước ngoài nhằm mang đến thêm nhiều cơ hội việc làm “xanh” cho người lao động Việt Nam”, ông Andree Mangels khẳng định.
Nhiều ngành nghề triển vọng
Theo nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới (World Bank) phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện, hiện nay việc làm xanh chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số việc làm với 3,6% với 39 nghề “xanh”. Tỷ lệ này tương đương với tỷ lệ việc làm xanh của Hoa Kỳ, Indonesia và Campuchia.
Tuy nhiên, còn có tới 88 nghề khác có tiềm năng trở thành nghề “xanh”, chiếm 41% tổng số việc làm, cho thấy những lợi ích to lớn có thể mang lại từ việc xanh hóa nền kinh tế Việt Nam. Ngay cả những ngành nghề có tác động tới môi trường như xi măng sắt thép, vật liệu công nghiệp thì vẫn có cơ hội để mở rộng việc làm “xanh”.
Bà Abla Safire, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới cho biết, các ngành có mức độ tập trung việc làm xanh cao nhất là điện, khí đốt và cấp nước (23%), khai mỏ (5%), dịch vụ thị trường (5%). Mặc dù có thể không trực tiếp cung cấp hàng hóa và dịch vụ môi trường song các ngành này đều có các nghề xanh. Ví dụ, kỹ sư môi trường và chuyên gia bảo vệ môi trường là các nghề nghiệp xanh trong ngành khai mỏ.
Theo ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), hiện nay vấn đề việc làm “xanh”, kỹ năng “xanh” ở Việt Nam dù đã được nghiên cứu, nhưng chưa được đánh giá, đo lường bài bản. Thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy tạo việc làm “xanh”.
“Chúng ta cần nghiên cứu, triển khai các mô hình việc làm “xanh”, mô hình việc làm ứng phó biến đổi khí hậu, nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến việc làm theo kịch bản quốc gia cập nhật”, ông Liễu nhấn mạnh.
Còn theo ông Trần Quang Chỉnh, Trưởng phòng Phân tích – Dự báo Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, cần tăng cường hơn nữa việc dự báo nhu cầu nhân lực và khả năng cung ứng nguồn nhân lực nói chung, nhu cầu nhân lực cho tăng trưởng xanh nói riêng. Theo đó có đánh giá, cập nhật thông tin về ngành nghề “xanh” để có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực hợp lý.
Mai Anh