LCĐT – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn thế hệ trẻ “Phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Khắc ghi nhớ lời Bác dạy, các thế hệ thanh niên luôn phát huy tinh thần xung kích, nhất và việc tình nguyện đến công tác tại các xã vùng cao, biên giới, vùng khó khăn đặc biệt.
Bác sỹ trẻ về với huyện nghèo
5 giờ sáng một ngày trung tuần tháng 3/2023, đất trời vẫn chìm trong sương mờ. Đang miên man trong giấc ngủ, bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Lam chợt giật mình tỉnh giấc khi nghe tiếng điện thoại réo cùng tiếng gọi gấp gáp phía ngoài cửa. Vội vàng tung chăn dậy, khoác thêm chiếc áo ấm, chị đến ngay phòng cấp cứu khi nghe tin có ca sinh đang gặp nguy hiểm.
Trước tình trạng bệnh nhân có biểu hiện suy thai, bị tím tái trước khi mổ, không chậm trễ giây phút nào, bác sỹ Lam cùng các y – bác sỹ trong kíp mổ vận dụng mọi phương pháp để cấp cứu bệnh nhân. Nhờ được can thiệp kịp thời, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch, bác sỹ Lam và cộng sự vui và hạnh phúc bởi cháu bé và mẹ đã an toàn.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Lam khám bệnh cho trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương. |
Đến thời điểm này, bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Lam đã có gần 3 tháng tạm xa Bệnh viện Nhi Trung ương đến công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương để chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ nâng cao năng lực khám – chữa bệnh cho bệnh viện ở huyện nghèo. Ca cấp cứu trên chỉ là một trong rất nhiều ca phức tạp chị đã cùng các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương thực hiện thành công. Ngoài công việc tại bệnh viện, chị còn nhiều lần đến các phòng khám đa khoa các xã Pha Long, Cao Sơn để cấp cứu bệnh nhân khi có ca sinh nở không an toàn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Lam sinh năm 1992, là bác sỹ nội trú sơ sinh của Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương. Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, chị đã xung phong đến huyện nghèo Mường Khương với mong muốn hỗ trợ bệnh viện nâng cao chất lượng khám – chữa bệnh cho trẻ vùng cao. “Mùa đông ở Mường Khương rất lạnh và nhiều sương mù, việc khám – chữa bệnh còn khó khăn do thiếu thuốc men và một số trang – thiết bị y tế, nhưng tôi luôn cố gắng hết mình để giúp đỡ người bệnh”, bác sỹ Lam tâm sự.
Theo bác sỹ Phạm Hồng Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương, ngoài bác sỹ Lam, vừa qua, bệnh viện còn đón bác sỹ Đặng Văn Hoàng, sinh năm 1995, là thạc sỹ, bác sỹ nội trú từ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội lên trợ giúp, chuyển giao kỹ thuật khám – chữa bệnh trong khoảng 2 tháng. Trong điều kiện của một bệnh viện huyện vùng cao, biên giới còn thiếu bác sỹ, nhất là bác sỹ có trình độ chuyên sâu, sự hỗ trợ của bác sỹ Lam, bác sỹ Hoàng cùng nhiều y – bác sỹ khác từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã giúp Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương nâng cao năng lực khám – chữa bệnh, đồng thời giúp nhiều bệnh nhân vượt qua nguy kịch.
Chiến sĩ áo xanh nơi vùng cao biên giới
Trên vùng đất thượng nguồn sông Chảy, tại huyện Si Ma Cai xa xôi, chúng tôi vô cùng xúc động khi gặp những cán bộ trẻ từ các tỉnh miền xuôi tình nguyện lên vùng cao công tác. Đến xã Sán Chải, tìm gặp Thượng úy Lê Hải Trường không khó vì từ gần 2 năm nay, đồng bào vùng cao nơi đây đã quen với hình ảnh của anh trong những lần xuống thôn, bản làm nhiệm vụ.
Thượng úy Lê Hải Trường sinh năm 1991, quê ở thành phố Thái Nguyên nhưng công tác tại Trường Cao đẳng An ninh. Cuối tháng 7/2021, khi nhà trường thông báo kế hoạch của Bộ Công an về việc tăng cường điều động cán bộ đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ về công tác tại các xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, Thượng úy Lê Hải Trường đã xung phong lên đường.
Được phân công nhận nhiệm vụ tại Công an xã Sán Chải (huyện Si Ma Cai), Thượng úy Lê Hải Trường được giao nhiệm vụ chính là đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực Lù Dì Sán – thôn biên giới xa xôi, khó khăn nhất xã. Anh không quản khó khăn dành nhiều thời gian xuống các thôn, bản nắm chắc địa bàn, từ đó tham mưu cho Công an xã và chính quyền địa phương giải pháp giữ vững an ninh, trật tự.
Thượng úy Lê Hải Trường có gần 2 năm công tác tại xã vùng cao biên giới Sán Chải, huyện Si Ma Cai. |
Thượng úy Lê Hải Trường kể, khi mới về Công an xã được 2 tuần cũng là đợt cao điểm dịch Covid-19 bùng phát, anh cùng một số chiến sĩ nhận nhiệm vụ trực gần 1 tháng tại chốt phòng, chống dịch bệnh khu vực Nhà máy thủy điện Pa Ke. Trong điều kiện mùa đông sương mù, giá rét, sống trong lều bạt dã chiến, lại thiếu nước sinh hoạt, việc thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn, vất vả. Mặc dù vậy, anh cùng đồng đội quyết tâm bám trụ, ngăn chặn tình trạng xuất – nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch bệnh xâm nhập địa bàn. Sau đợt đó, trong lần đến thăm một hộ, anh bị lây nhiễm Covid-19 và phải cách ly 1 tuần.
Trò chuyện cùng Thượng úy Lê Hải Trường, chúng tôi vô cùng khâm phục anh ở ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Dịp tết Nguyên đán năm 2022, trong chuyến về Hà Nội, Thượng úy Lê Hải Trường phát hiện cơ thể có nhiều biểu hiện mệt mỏi bất thường. Khi đi khám tại bệnh viện, anh bàng hoàng khi biết mình bị bệnh hiểm nghèo. Sau lần phẫu thuật, nghỉ hơn 1 tháng, Thượng úy Lê Hải Trường thấy sức khỏe ổn hơn đã quyết định trở lại xã biên giới Sán Chải công tác. Giữa đợt dịch Covid-19 phức tạp, công việc vừa đảm bảo an ninh, trật tự, vừa phòng, chống dịch bệnh của lực lượng công an rất vất vả, nhưng anh không nề hà, vẫn hết mình vì công việc. Đến tháng 7/2022, Thượng úy Lê Hải Trường phải một lần nữa về Hà Nội phẫu thuật, sau đó trở lại với mảnh đất biên cương. Dịp tết Nguyên đán 2023, anh không về quê ăn tết mà xung phong ở lại đơn vị làm nhiệm vụ giữ bình yên cho thôn, bản.
Cán bộ xã Sán Chải trao quà do Thượng úy Lê Hải Trường gửi tặng các hộ nghèo trong xã. |
Cùng những nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ của chiến sĩ công an, Thượng úy Lê Hải Trường còn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội nhằm giúp đỡ đồng bào vùng cao Sán Chải vơi bớt khó khăn. Năm 2022, anh đã kêu gọi bạn bè, người thân ủng hộ hơn 20 triệu đồng mua đồ dùng sinh hoạt giúp 20 hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.
Thượng tá Giàng A Lử, Phó Trưởng Công an huyện Si Ma Cai nhận xét: Thượng úy Lê Hải Trường xứng đáng là tấm gương tiêu biểu học và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân.
Câu chuyện nhỏ về bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Lam và Thượng úy Lê Hải Trường phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, xung phong nhận nhiệm vụ nơi vùng cao, biên giới còn nhiều gian khó đã góp phần truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Lào Cai, để mỗi bạn trẻ tiếp tục phấn đấu, học tập, rèn luyện ý chí và bản lĩnh, vượt qua thử thách, sống có ích và cống hiến cho cộng đồng.