Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cho biết, trong 41 thí sinh vi phạm quy chế thi có đến 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Nguy cơ lọt đề thi rất lớn nếu không có những nỗ lực ngăn chặn của những người làm công tác thi…
Toàn cảnh họp báo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra chiều nay (29/6) tại Hà Nội. (Ảnh: MOET) |
Chiều 29/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chủ trì họp báo.
Cùng tham gia có ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT; Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an.
2 vụ lọt đề không ảnh hưởng đến kỳ thi
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 khẳng định, kỳ thi đã kết thúc tốt đẹp với sự chuẩn bị kỹ của các địa phương và bộ ngành liên quan với trên 250.000 cán bộ, giáo viên làm công tác thi.
Theo số liệu mới cập nhật của Bộ GD&ĐT, trong hai ngày thi có 41 thí sinh bị đình chỉ thi. Trong đó có 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Có 6 cán bộ phải đình chỉ coi thi vì vi phạm quy chế. Trong quá trình coi thi, cá biệt còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi.
Trong đó, có sự việc 2 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi ra ngoài cho người thân nhờ giải đề thi. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ xác minh làm rõ và đình chỉ 2 thí sinh trên. Hiện Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục làm rõ những vấn đề khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức kỳ thi. Ngay trong khi kỳ thi diễn ra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có công điện yêu cầu tăng cường biện pháp giám sát kỳ thi sau khi có hai vụ lọt đề thi xảy ra.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT 2023. (Ảnh: MOET) |
Đảm bảo tính phân hóa
Chia sẻ tại cuộc họp báo, GS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Ban đề thi cấp quốc gia cho biết, việc xây dựng đề thi phải đảm bảo nguyên tắc chung là bám sát cấu trúc đã công bố. Đề thi cũng được ra trong chương trình THPT và đảm bảo tính phân hóa.
Đối với ý kiến cho rằng đề thi Ngữ văn năm nay cũ về cấu trúc, câu lệnh, khó khích lệ đổi mới, sáng tạo trong dạy học văn, ông Ngọc Hà khẳng định, trong các năm gần đây, đề văn ở phần đọc hiểu đã sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa nên đa dạng hơn. Qua đó, có thể khuyến khích thí sinh trình bày suy nghĩ độc lập, sáng tạo và một số câu đọc hiểu còn có tính giáo dục.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn đề thi chưa đảm bảo tính phân hóa, GS Nguyễn Ngọc Hà khẳng định, Bộ GD&ĐT trong quá trình ra đề thi luôn chú trọng việc đề thi phải đảm bảo tính công bằng, thể hiện qua việc phải phân hóa được học sinh. Cụ thể, đề thi năm nay có 50% là mức độ thông hiểu, 25% là mức độ nhận biết, 25% là vận dụng và vận dụng cao.
Theo GS. Nguyễn Ngọc Hà, năm nay, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh quy trình thông qua một số biện pháp. Ngoài ra, việc ra đề phải đảm bảo tính bảo mật. Vì thế, những người giới thiệu đề, soạn đề, lựa chọn câu hỏi vào ngân hàng đề phải là những người khác nhau.
Chưa phát hiện bên ngoài giải đề gửi vào phòng thi
Ông Huỳnh Văn Chương khẳng định, công tác xây dựng đề thi, in sao đề thi đã được kiểm tra, rà soát kỹ quy trình từ trước khi kỳ thi diễn ra. Vấn đề bảo mật đề thi được đặc biệt quan tâm cả đề cao trách nhiệm của con người và ứng dụng công nghệ.
Tại các điểm thi đã phát hiện 40 trường hợp đem điện thoại vào phòng thi. Riêng trong sáng 29/6, có một thí sinh ở Vĩnh Phúc phát hiện thí sinh khác dùng điện thoại nên chủ động báo cáo giám thị để xử lý.
Ông Huỳnh Văn Chương cho hay, đề thi được ra bám sát chương trình giáo dục THPT, chủ yếu lớp 12, đảm bảo mục tiêu của kỳ thi, không xảy ra sai sót. Ngoài mục tiêu xét tốt nghiệp, thí sinh có thể sử dụng kết quả thi này để xét tuyển vào đại học.
Đối với chống gian lận thi cử, ông Huỳnh Văn Chương cho biết, giải pháp phòng chống gian lận đã được thông qua nhiều đợt tập huấn. Tuy nhiên, khi tổ chức kỳ thi với quy mô lớn với hơn 1 triệu thí sinh thì sẽ có trường hợp cá biệt xảy ra.
Đối với hai thí sinh sử dụng điện thoại trong phòng thi và gửi đề thi Ngữ văn và Toán ra ngoài phòng thi ở Cao Bằng và Yên Bái, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, xác minh các bên liên quan, sau đó sẽ xử lý theo pháp luật.
Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an thông tin: “Trong kỳ thi, khi có thông tin về hiện tượng lọt đề thi, chúng tôi đã khẩn trương xác minh và tìm ra các thí sinh thực hiện hành vi dùng điện thoại chụp đề thi gửi ra ngoài. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục xem xét có tình trạng giải đề thi ở bên ngoài gửi vào hay không. Nhưng ở thời điểm hiện tại chưa phát hiện việc này”.
Nguy cơ lọt đề thi rất lớn nếu không có những nỗ lực ngăn chặn
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, qua công tác kiểm tra, Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của địa phương và sự hỗ trợ kịp thời, chặt chẽ của Bộ Công an. Cán bộ công an vừa là người đi tập huấn, vừa là người tập huấn và các cán bộ an ninh đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho cán bộ làm thi để phát hiện, ngăn ngừa dấu hiệu gian lận thi cử.
Với sự hỗ trợ của Bộ Công an, nguy cơ gian lận thi bằng thiết bị công nghệ cao đã được Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia hình dung từ trước khi kỳ thi diễn ra và có sự chuẩn bị ứng phó.
Ông Thưởng chia sẻ: “41 thí sinh vi phạm quy chế thi có đến 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Nguy cơ lọt đề thi rất lớn nếu không có những nỗ lực ngăn chặn của những người làm công tác thi”.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, kỳ thi không còn áp lực như trước do công tác tuyên truyền được tăng cường trên tinh thần công khai, minh bạch. Các địa phương cũng làm tốt việc quan tâm, chăm sóc thí sinh các địa bàn khó khăn.
Về vấn đề đề thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, đã có nhiều điều chỉnh về quy trình và huy động nhân sự.
Ông Thưởng nói: “Đề thi có độ tin cậy cao. Đảm bảo về yêu cầu và mục đích. Các ý kiến về đề thi, Bộ GD&ĐT tiếp thu để rút kinh nghiệm. Bộ cũng nhìn thấy việc đổi mới đề thi là việc cần phải quan tâm. Nhưng cùng với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, việc đổi mới đề thi cần phải có lộ trình”.
Ngoài ra, Thứ trưởng GD&ĐT cũng cho rằng việc đổi mới đề thi Ngữ văn để chống tình trạng học “văn mẫu” cần được tiếp tục quan tâm và thúc đẩy.