VIC tăng trần vẫn không “cứu” được VN-Index
Phiên chứng khoán 1/8 nhận được sự quan tâm rất lớn từ nhà đầu tư vì trong phiên đầu tuần, VN-Index giữ vững mốc 1.200 điểm cùng thanh khoản tăng vọt, vượt mốc tỷ đô la dù chỉ tính riêng trên sàn HoSE.
Tâm điểm của phiên chứng khoán 31/7 thuộc về cổ phiếu VIC của Vingroup. Sau khi Vingroup đạt lợi nhuận trước thuế hơn 7.000 tỷ đồng, VIC bất ngờ trần. Tới phiên chứng khoán 1/8, VIC vẫn tỏa sáng khi đóng cửa ở mức giá tím.
Đóng cửa phiên chứng khoán 1/8, VIC tiếp tục tăng trần, tăng 3.800 đồng/CP lên 58.900 đồng/CP. Vốn hóa thị trường Vingroup có thêm khoảng 14.500 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch đạt 12,2 triệu cổ phiếu, tăng so với 10,6 triệu cổ phiếu của phiên 31/7. Trước đó, thanh khoản hàng ngày của VIC chỉ đạt khoảng từ 2 triệu đến 4 triệu đơn vị.
Dù VIC vẫn bảo toàn được sự hấp dẫn của mình nhưng nỗ lực của riêng mình VIC là chưa đủ giúp thị trường chứng khoán 1/8 thoát khỏi sắc đỏ. Dòng tiền chảy mạnh vào VIC nhưng áp lực bán ra phủ rộng khắp bảng giao dịch điện tử.
Đóng cửa phiên chứng khoán 1/8, VN-Index giảm 5,34 điểm, tương đương 0,44% xuống 1.217,56 điểm; VN30-Index giảm 8,63 điểm, tương đương 0,7% xuống 1.222,18 điểm.
Điểm nhấn của phiên chứng khoán 1/8 là thanh khoản tiếp tục lập kỷ lục. Có tới gần 1,3 tỷ cổ phiếu, tương đương 26.404 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD) được giao dịch thành công. Nhóm VN30 cũng đón nhận dòng tiền rất lớn khi ghi nhận 356 triệu cổ phiếu, tương đương 10.258 tỷ đồng được trao tay.
Chỉ số giảm điểm khi thanh khoản tăng vọt cho thấy dấu hiệu của một phiên phân phối đang xuất hiện trên thị trường chứng khoán 1/8.
Trên sàn Hà Nội, nhóm blue-chips vẫn duy trì được sức mạnh nhưng không đủ sức kéo cả thị trường đi lên.
Đóng cửa phiên chứng khoán 1/8, HNX-Index giảm 0,2 điểm, tương đương 0,08% xuống 239,35 điểm; HNX30-Index tăng 0,95 điểm, tương đương 0,2% lên 477,97 điểm.
Cổ phiếu xây dựng biến động mạnh
Hiện tại, gói đấu thầu gói 35.000 tỷ đồng tại Sân bay Long Thành đang dần đi đến hồi kết. Chính vì vậy, “số phận” của các thành viên 3 liên danh tham gia đấu thầu nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới đầu tư chứng khoán. Chính vì vậy, cổ phiếu của từng bên có thăng trầm rất lớn.
Trong phiên chứng khoán 1/8, cổ phiếu CTD của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons bất ngờ giảm sàn, giảm 5.000 đồng/CP xuống 66.900 đồng/CP. Trước đó, trong phiên 28/7, CTD thậm chí còn tăng trần. Suốt 1 tuần qua, CTD hoặc tăng mạnh hoặc giảm sâu.
Coteccons đang dính lùm xùm với khoản nợ hơn 300 tỷ đồng tại Ricons.
Cổ phiếu HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình không giảm sàn nhưng cũng đi lùi rất xa khi giảm 550 đồng/CP, tương đương 5,14% xuống 10.150 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VCG của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam tăng rất mạnh, tăng 1.800 đồng/CP, tương đương 7% lên 27.550 đồng/CP.
Cổ phiếu PHC của Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings tăng trần, tăng 650 đồng/CP lên 10.050 đồng/CP.