Bảo đảm quyền lợi trẻ em vùng dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, được Đảng, Nhà nước, người dân hết sức quan tâm và triển khai nhiều chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu công bằng xã hội, gây dựng đời sống ấm no cho trẻ em miền cao.
Giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cần là ưu tiên hàng đầu để giảm gánh nặng bệnh tật, vì tương lai tươi sáng của các em và tăng cường phát triển kinh tế – xã hội. (Nguồn: UBND tỉnh Bình Thuận) |
Đường lối sáng suốt
Ngày 12/7, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh, Ủy ban Dân tộc đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Chương trình góp phần chăm sóc trẻ em dân tộc thiểu số tốt hơn cả về thể trạng, tri thức và kỹ năng; đồng thời, bảo đảm trẻ em được tiếp cận dịch vụ xã hội tốt nhất, trong đó gồm: Dự án 5 (Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực), Dự án 7 (Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em), Dự án 8 (Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em), Dự án (Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn).
Về ngân sách triển khai, ngày 15/8/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 55/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, trẻ sơ sinh thuộc các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù được hỗ trợ tầm soát, điều trị theo Danh mục bệnh tật bẩm sinh phổ biến do Bộ Y tế quy định; hỗ trợ 1 lần chi phí đi lại cho trẻ đến cơ sở y tế thực hiện tầm soát bệnh tật bẩm sinh tối đa 500.000 đồng/trẻ.
Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng được hỗ trợ điều trị tối đa 3 triệu đồng/trẻ; hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng công thức cơm/cháo dinh dưỡng công thức ăn liền và sữa học đường cho trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non công lập tối đa 550.000 đồng/tháng/trẻ. Thời gian hỗ trợ theo số tháng thực tế đi học và hỗ trợ tối đa không quá 36 tháng/trẻ.
Tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngày 30/10, đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) khẳng định, đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp các em tiếp cận các dịch vụ một cách tốt nhất, phản ánh đúng phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Nỗ lực tiêu biểu
Tại Lạng Sơn, dù là tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế – xã hội nhiều khó khăn, nhưng địa phương này luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em vùng dân tộc thiểu số, khu vực khó khăn, được phát triển toàn diện.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên cho hay, các huyện, thành phố đã rà soát, tổng hợp danh sách, cấp thẻ bảo hiểm y tế để trẻ dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí tại cơ sở y tế công lập theo quy định. Toàn tỉnh có trên 74.730 trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 100%.
Bên cạnh đó, 100% trẻ em 6 tuổi trên địa bàn tỉnh được vào lớp 1; 100% trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6. Các em được trải nghiệm hoạt động thực tế, góp phần rèn luyện kỹ năng sống. Trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật trong độ tuổi được đến trường, lớp học hòa nhập, được hưởng ưu đãi giáo dục theo quy định.
Với tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025”. Qua đó, góp phần phòng chống tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 11% vào năm 2025 và xuống dưới 17% đối với thể thấp còi.
Theo đó, tỉnh chi hơn 8 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để triển khai hoạt động nhằm cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em ở 64 xã thuộc 8 địa phương và 16 xã có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở mức cao nhất trong tỉnh hiện nay.
Tại tỉnh Bình Phước, tính đến cuối tháng 8/2021, 100% các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động bảo đảm quyền cơ bản của trẻ em như đăng ký khai sinh, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, học tập…
Tỷ lệ trẻ em học tiểu học đúng độ tuổi đạt 99,6%. Tỷ lệ các xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi dành cho trẻ em do cấp xã, phường, thị trấn quản lý đạt 100%. Trên 96% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và cơ hội phát triển. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm xuống mức dưới 2% trên tổng số trẻ em. Toàn tỉnh có 115.014 trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Tiếp đó, công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ tại các địa phương tiếp tục duy trì hiệu quả. 100% huyện,thị xã, thành phố và 111/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; duy trì 111/111 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục THCS; 15/111 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập THPT.
Như vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là kim chỉ nam để các tỉnh thành, địa phương triển khai giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và giúp trẻ em tiếp cận dịch vụ một cách tốt nhất, theo đúng phương châm không một ai bị bỏ lại phía sau. Trên tinh thần đó, chính quyền và người dân các tỉnh Lạng Sơn, Bình Phước, Quảng Ninh đã đẩy mạnh kế hoạch bảo đảm quyền cơ bản của trẻ em như đăng ký khai sinh, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, học tập.