(Dân trí) – Thành tựu đối ngoại và chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tác động sâu sắc đến việc xây dựng Quân đội và nền quốc phòng Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không theo binh nghiệp, nhưng được trân trọng gọi là “thủ trưởng” vì cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương mà ông đảm trách suốt 14 năm.
Thông qua chia sẻ của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân (nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng; nguyên Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng), báo Dân trí mong muốn cung cấp một hình dung rõ hơn về những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho quân đội và nền an ninh quốc phòng của Việt Nam.
14 năm lãnh đạo tối cao quân đội
Xin Thiếu tướng chia sẻ cảm xúc đầu tiên của mình khi nghe tin Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng từ trần?
– Nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi rất bàng hoàng và đau buồn. Nhưng cũng rất khâm phục một vị lãnh đạo kiên trung, sáng suốt, có những đóng góp đặc biệt to lớn, quan trọng cho đất nước, cho Đảng và nhất là cho quân đội.
Tổng Bí thư thăm các lực lượng quân đội, hải quan tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị năm 2023 (Ảnh: TTXVN).
14 năm ông giữ cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thì cũng là từng ấy năm ông làm Bí thư Quân ủy Trung ương – người lãnh đạo tối cao của quân đội.
Với chúng tôi, ông là một vị thủ trưởng rất gần gũi, tin cậy, dễ mến, là một người không ngại khó khăn. Tổng Bí thư rất yêu mến và đặt niềm tin sâu sắc vào quân đội.
Theo ông, vai trò người đứng đầu Quân ủy Trung ương đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện như thế nào?
– Tôi thấy Tổng Bí thư luôn quan tâm sâu sát việc xây dựng quân đội thành một lực lượng chính trị tin cậy, một lực lượng chiến đấu trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Ông đã tập trung nỗ lực cùng toàn Đảng, toàn quân xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân (Ảnh: Tiến Tuấn).
Đảng bộ Quân đội cũng đã có những bước đi cụ thể để xây dựng tổ chức tinh, gọn, mạnh; xây dựng lực lượng hiệu quả, giảm biên chế gián tiếp, tăng lực lượng chiến đấu… đó chính là thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Đặc biệt, hiếm có vị lãnh đạo nào lại quan tâm tới chuyện gắn kết, đoàn kết phối hợp giữa Quân đội với Công an như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta còn nhớ, Tổng Bí thư dùng hình ảnh “Quân đội và Công an như là 2 cánh của 1 con chim”.
Ở đây, ông muốn nói quân đội và công an đều là lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy, “thanh bảo kiếm và lá chắn” của nhân dân. Một lực lượng chuyên trách chống ngoại xâm, một lực lượng chống nội tặc, hai lực lượng này phải đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với nhau hơn để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.
“Củi tham nhũng” từ lực lượng vũ trang cũng phải “vào lò”
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vị lãnh đạo quyết liệt đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực. Tinh thần này được thể hiện với lực lượng quân đội ra sao thưa ông?
– Có những lần trong Hội nghị Quân chính toàn quân, đồng chí Nguyễn Phú Trọng yêu cầu quân đội phải đi đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là một vấn đề cả nước quan tâm.
Trên thực tế, đã có một số “thanh củi” được sàng lọc từ quân đội để đưa vào lò chống tham nhũng, tiêu cực. Những tướng lĩnh đã nhúng chàm, có sai phạm buộc phải xử lý, không thể giữ lại được.
Điều này cho thấy Tổng Bí thư là người mạnh dạn, kiên quyết và chính vì thế được lòng dân. Có người nói: chưa bao giờ, chưa thấy ai dám “đụng” đến, dám làm “mạnh” như vậy với tướng lĩnh lực lượng vũ trang như bác Nguyễn Phú Trọng.
Bên cạnh việc kiên quyết xử lý tham nhũng, Tổng Bí thư cũng trăn trở với tâm tư của đội ngũ cán bộ. Ông đã đưa ra tinh thần “7 dám” để động viên quân đội ta vượt qua khó khăn, dám làm, làm đúng nguyên tắc với tinh thần dám chịu trách nhiệm cao nhất.
Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân ủy Trung ương (Ảnh: TTXVN).
Tinh thần “7 dám” của Tổng Bí thư đã giúp quân đội đã thay đổi ra sao thưa Thiếu tướng?
– Tổng Bí thư đã yêu cầu quân đội nêu cao tinh thần “7 dám”: Dám nghĩ, Dám nói, Dám làm, Dám chịu trách nhiệm, Dám đổi mới sáng tạo, Dám đương đầu với khó khăn thử thách và Dám hành động vì lợi ích chung.
Chưa có đồng chí nào đưa ra tổng kết ngắn gọn, dễ hiểu và có sức truyền cảm mạnh mẽ như vậy.
Đó cũng là sự khích lệ mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng dành cho quân đội trong bối cảnh công cuộc chống tham nhũng khiến ở chỗ này chỗ kia người ta ngần ngại, chờ đợi nghe ngóng, không dám hành động, sợ làm sai…
Có thể nói nhờ tinh thần “7 dám” này mà chúng ta đã từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tiến tới xây dựng quân đội hiện đại từ năm 2025 trở đi.
Thành tựu đối ngoại tạo ra hòa bình, tiết kiệm máu xương
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều thành tựu trong đối ngoại, đặc biệt là ngoại giao với nước lớn. Theo ông, những thành tựu này có ý nghĩa thế nào với nền quốc phòng, an ninh của Việt Nam?
– Ngay từ chuyến thăm Trung Quốc tháng 10/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi dấu ấn khi ký thỏa thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển gồm 6 điểm với lãnh đạo Trung Quốc. Về sau, chúng ta đã dựa vào thỏa thuận này để đấu tranh khi phía bạn có nhận thức và hành động không phù hợp với nhận thức chung của lãnh đạo 2 nước.
Hay trong chuyến thăm chính thức Mỹ tháng 7/2015, Tổng Bí thư đã khẳng định quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) 2002.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Mỹ năm 2015 (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).
Ông đã nói điều đó ngay tại Washington, trong cuộc gặp chính thức tại Nhà Trắng. Phát biểu của Tổng Bí thư tác động rất lớn đến việc nâng cấp quan hệ với Mỹ sau này.
Ngày 25/8/2023, vài tuần trước khi Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, Tổng Bí thư đã đến thăm và trồng cây hữu nghị ở khu vực biên giới giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Cùng đi còn có Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam…
Sau khi Việt Nam đón Tổng thống Mỹ Biden, rồi đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mời và đón Tổng thống Nga Putin đến thăm. Đây là bước đi đối ngoại cân bằng quan hệ với các nước lớn, cho thấy Việt Nam luôn chú ý giữ gìn hữu nghị với các nước, nhất là các nước lớn, đồng thời tôn vinh vị thế của đất nước chúng ta.
Vì sao Việt Nam là một nước nhỏ nhưng lãnh đạo các nước lớn đều đến Việt Nam. Tài tình, sâu sắc và sáng suốt ở chỗ đó. Hành động đối ngoại để tạo môi trường hòa bình, tiết kiệm máu xương của chiến sĩ, hạn chế khổ đau của đồng bào, nhưng cái chính là tạo môi trường hòa bình để tập trung xây dựng quân đội mạnh, kinh tế mạnh, chính trị mạnh, xã hội vững mạnh, đoàn kết hơn, để ta sẵn sàng đương đầu với các thử thách mới.
Bên cạnh di sản về đối ngoại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại di sản về đường lối, chiến lược cho quân đội ta như thế nào thưa ông?
– Một di sản quan trọng mà Tổng Bí thư để lại cho quân đội và việc Ban hành được Chiến lược quân sự, Chiến lược quốc phòng trong nhiệm kỳ của mình (năm 2018).
Có lẽ từ lâu lắm, mấy chục năm sau hòa bình chúng ta mới xây dựng được một bản Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự bề thế như vậy. Đó là công sức của toàn Đảng, trong đó đóng góp, chỉ đạo của Tổng Bí thư rất chặt chẽ, kiên quyết.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư còn chỉ đạo xây dựng các chiến lược khác như Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược An ninh mạng… Các chiến lược này đã đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn đất nước phát triển, hòa bình, ổn định.
Đây là đóng góp rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau 6 năm, các bản Chiến lược này vẫn phát huy tác dụng. Khi ông qua đời, chúng ta càng phải có trách nhiệm gìn giữ, nhân lên sức mạnh này trong bối cảnh tình hình mới.
Trân trọng cảm ơn thiếu tướng!
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/vi-tong-bi-thu-dua-tuong-tham-nhung-vao-lo-xay-dung-doi-quan-7-dam-20240720134203570.htm