– Thưa Tiến sĩ Phan Đăng Phong, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đã đạt được nhiều thành công, góp phần giảm nhập siêu, tăng tỷ lệ nội địa hóa công nghệ. Ông nhận định như thế nào về quan điểm này?
Tiến sĩ Phan Đăng Phong: Tôi cho rằng đây là một nhận định rất đúng nhưng cũng chưa đủ, ví dụ như trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Trong hoạt động khoa học công nghệ ở Viện Nghiên cứu cơ khí, chúng tôi có tham gia công trình nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị phụ cho các nhà máy nhiệt điện đốt than theo cơ chế thí điểm của Thủ tướng Chính Phủ tại Quyết định 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012 – 2025 (Quyết định số 1791). Theo đó, chúng ta sẽ xem xét để nội địa hóa 11 hệ thống BOP cho các nhà máy nhiệt điện than. Nếu như chúng ta hoàn thành chương trình này thì chúng ta có thể nội địa hóa được ít nhất 30% giá trị của các thiết bị nhà máy nhiệt điện than.
Đến thời điểm này có thể nói chúng ta đã thành công nội địa hóa đến 70% các hệ thống trong Quyết định số 1791. Ví dụ như các hệ thống cung cấp than, thải tro xỉ, lọc bụi tĩnh điện, nước làm mát tuần hoàn, trạm phân phối và máy biến áp chính, phòng cháy chữa cháy, ống khói. Tuy nhiên vẫn còn một số hệ thống mà chúng ta vẫn chưa làm chủ được công nghệ. Ví dụ như hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống xử lý nước và xử lý nước thải.
Thật ra những nguyên nhân mà chúng ta chưa thể làm chủ được công nghệ đối với một số hệ thống này là do cơ chế, chính sách của chúng ta đưa ra đã có quá trình triển khai thực hiện có rất nhiều vướng mắc, bất cập. Có những nguyên nhân chủ quan nhưng cũng có thể do nguyên nhân khách quan.
Nguyên nhân chủ quan là theo Quyết định, chúng ta phải chỉ định thầu ba dự án đầu tiên cho một số doanh nghiệp trong nước để làm chủ công nghệ, các thiết bị phụ trợ đó đối với ba dự án đầu tiên cho Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 và Quỳnh Lập 1. Tuy nhiên chúng ta đã không chỉ định được mà các doanh nghiệp lại phải tự bươn chải đi đấu thầu để được lựa chọn thực hiện các hạng mục này. Điều đó cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp.
Nguyên nhân khách quan ở đây là gì? Nguyên nhân khách quan là các dự án nhiệt điện than sẽ giảm đầu tư đi theo COP26, tháng 6/2024 vừa rồi bắt đầu dừng không đầu tư mớicác nhà máy điện than nữa. Đây cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến trình chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên với thành công của 7 hạng mục đầu tiên cũng chiếm được khoảng 25% giá trị của thiết bị của nhà máy nhiệt điện than. Từ thành công của các hệ thống này chúng ta có thể lan tỏa sang thành công của hệ thống khác cho các nhà máy với độ khó tương tự trong các nhà máy điện khí, nhà máy điện gió, nhà máy điện mặt trời.
Hay là trong lĩnh vực thủy điện thì chúng ta đã rất thành công trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ trong các công trình thủy điện trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ. Đến thời điểm này các doanh nghiệp trong nước cũng đã tự chủ hoàn toàn trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí công cho các công trình thủy điện trong nước, trong đó có dự án thủy điện Sơn La về đích sớm 3 năm, dự án thủy điện Lai Châu về đích sớm 1 năm so với kế hoạch ban đầu. Đây là một lợi ích rất lớn đối với các doanh nghiệp cơ khí trong nước, bởi những thiết bị này trước đây chúng ta phải nhập từ nước ngoài, từ khi chúng ta có thể tự chủ làm trong nước có thể giảm giá ít nhất 30% so với thời điểm nhập từ nước ngoài.
Như vậy là chúng ta tạo được công ăn việc làm cho các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, chúng ta cũng góp phần giảm được nhập siêu, vì trước chúng ta phải nhập từ nước ngoài, bây giờ chúng ta làm trong nước, thì rõ ràng chúng ta đã giảm được chi phí nhập khẩu.
Vậy nên tôi cho rằng nhận định và câu hỏi của chị là đúng. Chúng ta nhờ vào khoa học công nghệ, nhờ vào những cơ chế chính sách mà chúng ta đã góp phần tăng cường khả năng tự lực, tự cường của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, và giảm nhập siêu. Tạo ra nhiều công ăn việc làm, bảo vệ thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Tôi cho là như vậy!
– Hiện nay, một trong những vướng mắc các nhà khoa học gặp phải đó là cơ chế tài chính đang khiến họ tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu. Ông nhận định về vấn đề này thế nào?
Tiến sĩ Phan Đăng Phong: Câu hỏi rất là hay và đúng đấy! Tôi thấy có hai cơ chế tài chính. Thứ nhất là cơ chế thanh toán cho các chuyên gia trong nước tham gia đề tài thực ra đang còn rất thấp so với mặt bằng thế giới. Làm nghiên cứu mà lại trả lương thấp quá, ngoài lương thấp ra những chi phí phụ phí, thủ tục thanh quyết toán còn đề tài lại nhiều và phức tạp đã ảnh hưởng đến công việc, thực hiện đề tài. Đó là vấn đề thứ nhất về chi phí lương chuyên gia, lương của người thực hiện đề tài. Cái thứ hai là chi phí để thuê chuyên gia nước ngoài chuyển giao công nghệ.
Ví dụ trong đề tài bao giờ chúng ta cũng có hỗ trợ của nhà nước cho phần chuyên gia nước ngoài, thế thì phần lương cho chuyên gia nước ngoài được thanh toán như thế nào thì lại là một vướng mắc. Chính vì vướng mắc này mà một vài dự án gần đây, mặc dù nhà nước đã hỗ trợ, ví dụ như dự án Tam Bảo 3 nhà nước đã hỗ trợ khoảng 20 tỷ cho phần chi phí chuyên gia nước ngoài; hoặc dự án nhiệt điện vừa rồi nhà nước cũng đã hỗ trợ mười mấy tỷ, nhưng gần như những chi phí này không chi tiêu được. Không chi tiêu được không phải là vì không cần thiết, mà rõ ràng để chi tiêu được thì phải xin phép cấp có thẩm quyền.
Mặc dù chúng tôi đã đấu thầu chi phí chuyên gia và lấy theo chi phí chuyên gia dự án, nhưng thanh toán lại phải xét duyệt, nhưng xét duyệt lại rất phức tạp. Đây là một vướng mắc mà nếu chúng ta muốn tận dụng được hỗ trợ này thì chúng ta phải đổi các thức thanh toán cho phần chi phí lương chuyên gia nước ngoài cho vào đấy.
Nguồn: https://congthuong.vn/longform-vi-thuyen-truong-giu-trai-tim-nganh-co-khi-viet-nam-369045.html