Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Đơn vị điều trị Ban ngày – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3) cho biết, hạt vừng có tên khác là mè, chi ma, hắc chi ma… Có 2 loại hạt màu đen và trắng ngà, trong đó loại vừng đen (hắc chi ma) thường được ưa chuộng trong y học phương đông.
Với hương thơm đặc trưng cùng mùi vị bùi béo, hạt vừng là một trong những loại hạt quen thuộc được sử dụng từ lâu trong ẩm thực Việt Nam. Ngoài ra, vừng được dùng để ép dầu. Dầu vừng có giá trị dinh dưỡng cao.
“Theo đông y, vừng vị ngọt tính bình đi vào can, phế, tỳ, thận. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, râu tóc bạc sớm, da xanh thiếu máu, đau đầu hoa mắt chóng mặt, ù tai, điếc tai, tăng huyết áp, ít sữa, táo bón, huyết niệu, trĩ, kiết lỵ…”, bác sĩ Vũ cho hay.
Trong hạt vừng chứa khoảng 40-60% dầu, 22% chất đạm, ngoài ra còn có đồng, canxi oxalat, protid, lipid, glucid, xơ, vitamin B1, B2, PP, E… Dầu vừng chứa nhiều calo, chất béo no không bão hòa, axit béo omega-3 và omega-6, canxi, vitamin E, B… do đó có lợi cho tim mạch. Riêng vừng đen còn được đông y dùng như vị thuốc giúp đen tóc.
Lợi ích của vừng và dầu vừng
Tốt cho người huyết áp cao: Các loại dầu tự nhiên được ép từ hạt vừng giúp giảm bệnh cao huyết áp, giảm sự căng thẳng trên hệ thống tim mạch và ngăn ngừa các bệnh về tim mạch. Ngoài ra, hạt vừng cũng rất giàu magiê (với 36 g hạt vừng đã cung cấp tới 31,6% nhu cầu magie hằng ngày cho cơ thể) làm giảm và ổn định huyết áp, ngăn chặn những cơn đau tim, đột quỵ.
Bảo vệ tim: Hạt vừng chứa sesamolin và sesamin giúp duy trì huyết áp và mức cholesterol. Những người bị cholesterol cao (có nguy cơ bị xơ vữa mạch máu, tuổi thọ ngắn) nên dùng món cháo vừng nấu với khoai mỡ. Khoai mỡ chứa nhiều chất nhầy có tác dụng “khóa” cholesterol không cho nó hoạt động và buộc nó theo chất thải ra ngoài. Riêng vừng đen kích thích gan tiết mật, giảm cholesterol. Nấu cháo với khoai mỡ cho nhừ rồi trộn vừng rang chín, nghiền nhuyễn vào.
Giúp xương chắc khỏe: Sử dụng hạt vừng thường xuyên sẽ cung cấp cho cơ thể các dưỡng chất quan trọng như phốt pho, canxi, kẽm,… Các khoáng chất này là những bộ phận không thể tách rời trong việc tạo ra xương mới, tăng cường, tái tạo lại xương hoặc giúp phòng chống bệnh loãng xương.
Cải thiện tiêu hóa: Vừng có rất nhiều chất xơ, một yếu tố quan trọng trong việc tiêu hóa lành mạnh, sử dụng loại hạt này đúng cách sẽ giảm các tình trạng như táo bón, tiêu chảy, đồng thời bảo vệ sức khỏe của ruột già, giảm nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa và ung thư.
Chống viêm nhiễm: Nhờ có hàm lượng đồng cao, hạt vừng có thể làm giảm viêm ở khớp, xương và cơ. Đồng còn là một khoáng chất cần thiết để tăng cường lưu thông máu, bảo vệ thành mạch máu.
Cải thiện sức khỏe răng miệng: Có lẽ những tác động đáng chú ý nhất của hạt vừng là việc tác động mạnh mẽ đến sức khỏe răng miệng. Dầu trong hạt vừng có tác dụng kháng khuẩn mạnh mẽ, nó cũng làm giảm sự hiện diện của vi khuẩn Streptococcus, một loại vi khuẩn thông thường có thể tàn phá các khoang miệng và các bộ phận khác của cơ thể.
Chăm sóc da và tóc: Hạt vừng có hàm lượng kẽm cao, một thành phần quan trọng trong sự hình thành collagen, giúp tăng cường mô cơ, tóc và da.
Bài thuốc có thành phần hạt vừng để hạ huyết áp
Bác sĩ Vũ chia sẻ bài thuốc thành phần hạt vừng gồm:
Hạt vừng đen, rễ hà thủ ô đỏ, rễ ngưu tất, mỗi vị 100 g. Tất cả phơi khô, tán nhỏ rây bột mịn, trộn với mật làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 12 g. Hạt vừng đen ép sống, lấy dầu uống mỗi lần một thìa canh với ít rượu để chữa tụ máu, đau nhức, sưng tấy do ngã. Dầu vừng đen còn có tác dụng hạ thấp cholesterol trong máu vì chứa nhiều axit béo không bão hòa.
Vừng đen 30 g, dấm ǎn 30 g, 1 quả trứng gà. Cách làm: Cho vừng đen, dấm ăn vào nồi, thêm lòng trắng một quả trứng gà, nấu thành món canh, ngày ǎn 2 lần. Có tác dụng chữa tǎng huyết áp và làm giảm cholesterol trong máu.
Vừng đen, hà thủ ô, ngưu tất, các vị bằng nhau tán nhỏ, trộn với mật ong thành viên, ngày uống 3 lần bằng 10 g.
“Vừng và các loại dầu từ vừng có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên khi sử dụng thường xuyên và trị bệnh cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ chuyên môn theo từng tình trạng sức khỏe từng người, không nên lạm dụng”, bác sĩ Vũ khuyến cáo.
Nguồn: https://thanhnien.vn/vi-thuoc-tu-hat-vung-den-giup-giam-cao-huyet-ap-185241213154222947.htm