Năm 2023 là một năm chúng ta đã phát triển mạnh mẽ về chất trong quan hệ hợp tác với những đối tác chủ chốt, bao gồm các nước láng giềng, các nước lớn và các nước quan trọng trong khu vực. Điều này đã tiếp tục củng cố và tạo cho Việt Nam một vị thế mới.
Trao đổi với Thanh Niên, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho rằng năm 2023, Việt Nam phải đối mặt với một loạt khó khăn, khi kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, tiềm ẩn rủi ro, cạnh tranh nước lớn không tạo ra được những hợp tác lớn hơn ở tầm khu vực và thế giới trong khi các cuộc khủng hoảng cả cũ và mới vẫn tiếp diễn, tác động rất lớn tới tình hình chung của thế giới. Trong bối cảnh đó, cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, ổn định kinh tế vĩ mô, các hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm qua đã phát triển lên một tầm cao mới.
“Thông qua hoạt động ngoại giao, đặc biệt là việc củng cố, thúc đẩy quan hệ với các nước lớn và các nước trong khu vực, chúng ta đã tạo được một vị thế chiến lược mới cho đất nước. Cũng thông qua đó, chúng ta vừa tranh thủ được những gì cần nhất cho phục hồi phát triển kinh tế vừa tranh thủ được những xu hướng phát triển mới”, ông Phạm Quang Vinh nói. Theo ông, đây là kết quả của sự triển khai rất mạnh mẽ những “bước đệm” đã được tạo dựng từ năm trước đó. Một bước chuyển từ thích ứng sang chủ động chiến lược trong hoạt động đối ngoại. “Năm 2023 là một dấu mốc về sự chủ động chiến lược trong đối ngoại của Việt Nam”, ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.
Vị thế chiến lược mới cho Việt Nam
Trong bức tranh chung với nhiều kết quả ấn tượng của hoạt động đối ngoại năm 2023, ông cho đâu là điểm nhấn đáng kể nhất?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Vào cuối năm 2022, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc đã tạo ra một giai đoạn mới trong phát triển quan hệ cũng như sự hiểu biết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong năm 2023, chúng ta chứng kiến một loạt các chuyến thăm gồm cả song phương lẫn các hội nghị đa phương, tạo ra sự ổn định chiến lược mới và cùng đó là các cơ hội hợp tác mới với Trung Quốc. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước đã quyết định ra tuyên bố chung về tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Cạnh đó, việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và mới đây nhất là với Nhật Bản mang lại rất nhiều triển vọng hợp tác mới. Cùng đó là quan hệ với các nước chủ chốt trong khu vực, bao gồm cả ASEAN, quan hệ song phương với Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ… đều được thúc đẩy, làm sâu sắc hơn ở tầm mức mới. Tới nay, tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc và các trung tâm kinh tế, chính trị lớn đều có quan hệ cấp đối tác chiến lược với Việt Nam…
Tôi cho đây là những dấu ấn lịch sử của công tác đối ngoại, ngoại giao trong năm 2023. Đặc biệt, việc tăng cường và nâng cấp quan hệ với Trung Quốc và Mỹ đã tạo ra vị thế chiến lược, môi trường chiến lược, thời cơ chiến lược mới cho Việt Nam. Điều này sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy hợp tác hơn nữa và phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của mình ở cả khu vực và trên thế giới.
Nếu nhìn lại cả 3 năm đầu nhiệm kỳ, chúng ta thấy dù tình hình thế giới có phức tạp, cạnh tranh, song Việt Nam đã chủ động mở ra môi trường chiến lược, vị thế chiến lược thông qua việc củng cố quan hệ với láng giềng, đồng thời vẫn nâng cấp quan hệ với các nước lớn, đối tác chủ chốt. Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn với rất nhiều khác biệt còn tại khu vực cũng có sự tập hợp lực lượng mới thì việc Việt Nam có thể làm sâu sắc hơn quan hệ với hai nước đối tác quan trọng nhất đã một lần nữa khẳng định chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, độc lập tự chủ của chúng ta. Đồng thời tạo thêm vị thế chiến lược, giúp Việt Nam không bị “kẹt” vào bẫy cạnh tranh nước lớn với áp lực “chọn bên” mà vẫn tranh thủ được sáng kiến của các bên.
Cùng với đó, chúng ta đã tích cực tham gia hợp tác khu vực, thế giới, các cơ chế đa phương để vừa tranh thủ cơ hội giúp phục hồi phát triển kinh tế vừa đóng góp chung cho duy trì hoà bình, ổn định của thế giới.
Chúng ta nên nhìn nhận thế nào về “vị thế chiến lược mới của Việt Nam” mà ông vừa nhắc tới?
Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á mà bây giờ người ta nói lớn hơn là ở vị trí trung tâm về địa chiến lược của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Về mặt tích cực, đây là khu vực đang và sẽ tiếp tục phát triển năng động với xu hướng thúc đẩy hợp tác và thuận lợi về thương mại. Đây cũng là trọng điểm của cạnh tranh chiến lược nước lớn. Điều này mở ra nhiều cơ hội về tranh thủ kinh tế, thương mại, đầu tư lẫn chính trị, an ninh, song cũng ẩn chứa thách thức về bẫy cạnh tranh nước lớn và sức ép “chọn bên”. Khu vực ASEAN cũng vẫn đang tồn tại những điểm có thể tiềm ẩn rủi ro như câu chuyện Biển Đông, vấn đề eo biển Đài Loan hay bán đảo Triều Tiên…
Trong một khu vực như vậy, việc tiếp tục phát triển hòa bình, ổn định; đồng thời có vai trò ở ASEAN và khu vực đã tạo nên vị thế của Việt Nam. Cạnh đó, với quan điểm đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với tất cả các nước, trong năm 2023, Việt Nam tăng cường quan hệ với cả Trung Quốc, Mỹ, rồi Nhật Bản. Chúng ta cũng đang bàn tới làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước chủ chốt trong khu vực như Úc, Singapore hay Indonesia… Việc này đã tạo ra cái mà chúng ta hay gọi là “môi trường chiến lược” cho Việt Nam.
Tới nay, sau quá trình hội nhập, Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng và không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu. Các nước cần Việt Nam và Việt Nam cũng có đủ độ tin cậy khi các nước cân nhắc các vấn đề về an ninh kinh tế, đảm bảo tính bền vững chuỗi cung ứng. Không chỉ là cạnh tranh chính trị giữa các nước lớn, ngay cả khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch bệnh hay khủng hoảng, Việt Nam vẫn là điểm đến tin cậy cả về chính trị lẫn kinh tế. Có thể nói, với việc xử lý tốt quan hệ với các nước lớn và khu vực, với chủ trương nhất quán là độc lập, tự chủ và làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã mở ra một không gian địa chiến lược mới cả về kinh tế, chính trị để phục vụ sự phát triển, hội nhập.
Còn nhiều điều phải làm
Như phân tích của ông thì các cơ hội được tạo ra là rất lớn. Vậy làm thế nào để biến những cơ hội đó thành kết quả thực tế?
Để có thể biến các cơ hội thành kết quả, rõ ràng là chúng ta còn phải làm nhiều điều. Chắc chắn, để hiện thực hóa những kết quả trong quan hệ đối tác với Trung Quốc, Mỹ, rồi Nhật Bản và các đối tác khác thì còn phải bàn và nỗ lực rất nhiều. Hay để tranh thủ các xu hướng phát triển mới về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số hay các cam kết hợp tác về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ bao gồm cả chip bán dẫn đều đòi hỏi Việt Nam phải nâng cấp năng lực nội tại, chuẩn bị lực lượng rất kỹ lưỡng.
Mà năng lực nội tại vẫn không gì khác ngoài 3 khâu đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội Đảng XIII xác định. Đó là khung chính sách, tức là thể chế; là nguồn nhân lực; và cơ sở hạ tầng. Mỗi một khâu đều có những thách thức, khó khăn trong chặng đường sắp tới mà muốn tận dụng được các cơ hội, chúng ta buộc phải vượt qua.
Xin đơn cử, việc chuyển sang năng lượng xanh, sạch thì việc triển khai thực hiện Quy hoạch điện 8 là rất quan trọng. Tuy nhiên, tới nay, việc triển khai này vẫn còn nhiều khó khăn. Hay cơ hội hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn mà chúng ta nhắc đến nhiều thì các nhà khoa học trong lĩnh vực này cũng đã nhấn mạnh về việc chuẩn bị nguồn nhân lực. Rồi chính sách thuế, cơ sở hạ tầng phải chuẩn bị như thế nào? Vì chúng ta cũng biết là trong khu vực không chỉ một mình Việt Nam hấp dẫn hay muốn thu hút…
Như vậy nghĩa là chúng ta vẫn sẽ có một năm 2024 bộn bề việc phải làm, thưa ông?
Với vị thế mới, trong năm 2024, Việt Nam có thể tiếp tục khai thác và phát huy vai trò của mình trong hợp tác, hội nhập quốc tế. Dù vậy, chúng ta vẫn phải xác định bối cảnh thế giới, khu vực trong năm 2024 vẫn là bức tranh chằng chịt cơ hội cũng như khó khăn. Song rõ ràng là Việt Nam đã có vị thế lớn hơn và chúng ta cũng đã có đủ thời gian để bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển chắc chắn hơn. Do đó, với chủ trương nhất quán trong đối ngoại là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và làm bạn với tất cả các nước, tôi tin rằng chúng ta sẽ tạo được chất mới cho vị thế Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn cũng như khu vực.
Một vấn đề nữa, tôi cho rằng ngoại giao phục vụ kinh tế trong bối cảnh sắp tới cũng phải nâng lên tầm mức mới. Câu chuyện ở đây là chúng ta phải tranh thủ cho được cái gì tốt nhất để phát triển đất nước. Muốn thế, không chỉ đối ngoại mà đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực quốc gia. Không nâng cao năng lực quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước thì không thể phát triển mà cũng không thể tranh thủ những xu hướng phát triển mới mà chúng ta vẫn nhắc đến như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…
Cạnh đó, việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực là rất cần thiết để có thể phát triển. Do đó, chắc chắn chúng ta phải tiếp tục phối hợp với các nước trong khu vực, ASEAN để làm sao khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác. Đó là những vấn đề tôi cho là yêu cầu rất lớn của đối ngoại trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Thanhnien.vn