Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đạt 6,96 tỉ USD, chiếm 44,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả ngành. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đã giảm 25,4%.
Chia sẻ tại tọa đàm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào Chuỗi sự kiện kết nối cung ứng quốc tế tại Việt Nam năm 2023, do Bộ Công thương tổ chức chiều 11.8, ông Trần Minh Thắng, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Mỹ,) đã phân tích nguyên nhân khiến xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sụt giảm ở thị trường Mỹ.
Theo ông Trần Minh Thắng, sau đại dịch Covid-19, các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tìm kiếm nguồn hàng đa dạng hơn, cố gắng giảm nguồn cung từ Trung Quốc mà tập trung vào các nhà cung cấp gần như Canada, Mexico, các quốc gia Trung và Nam Mỹ; thứ hai là phát triển nguồn cung từ các nước đồng minh.
Đối với hàng dệt may, Mỹ đang đầu tư mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng tại Trung Mỹ, cụ thể là các quốc gia thuộc khu vực mậu dịch tự do Trung Mỹ, điển hình là Dominica để đưa sản xuất về gần hơn với Mỹ.
“Đầu tư này không chỉ ở một khâu nhất định mà dành cho cả chuỗi cung ứng, điều này giúp các doanh nghiệp Mỹ sẽ tiêu thụ được sản lượng rất lớn bông, sợi… Việt Nam cũng là nhà xuất khẩu hàng đầu trong lĩnh vực dệt may nên chúng ta đứng trước áp lực chia sẻ thị phần với các nước khác”, ông Thắng nói.
Giải thích cụ thể hơn, ông Thắng nhấn mạnh, hàng dệt may Việt Nam đang chịu tác động của cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ và đạo luật chống lao động cưỡng bức đối với người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. Các nhà nhập khẩu của Mỹ đã và đang triển khai các biện pháp giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Đối với dệt may, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp hàng đầu cho thị trường Mỹ, tuy nhiên thị phần đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 17,9%.
Cũng theo ông Thắng, đạo luật chống lao động cưỡng bức đối với người Ngô Duy Nhĩ đang ảnh hưởng trực tiếp đến hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, khi hiện nay, các doanh nghiệp của Mỹ ngày càng kỹ lưỡng hơn trong việc nhập khẩu hàng may mặc đến từ Việt Nam vì có mối liên hệ trong chuỗi cung ứng giữa Việt Nam với Trung Quốc, cụ thể là các nguyên liệu có nguồn gốc từ Tân Cương.
Ông Thắng cũng cho rằng, một nguyên nhân nữa khiến nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may vào Mỹ giảm mạnh là do các năm 2020 và 2021, dịch Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung. Các doanh nghiệp Mỹ lo đứt gãy chuỗi cung ứng nên năm 2022 đã nhập khẩu lượng khối lượng rất lớn hàng dệt may. Sau đó, nền kinh tế suy thoái, người dân thắt chặt chi tiêu nên lượng hàng tồn kho rất lớn cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu nhập khẩu giảm hàng dệt may của Mỹ từ Việt Nam và các thị trường đều sụt giảm.
“Theo số liệu công bố, 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ chỉ đạt 31,51 tỉ USD, thấp hơn 40,89 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm 2022. Không chỉ có Việt Nam, nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Trung Quốc giảm hơn 31%; từ Ấn Độ giảm hơn 20,8%, từ Bangladesh giảm 19%…”, ông Thắng nói.