Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) là một trong hai công ước trụ cột về nhân quyền, bên cạnh Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Cả hai công ước này đều được được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16/12/1966, trong đó ICESCR có hiệu lực từ ngày 3/1/1976.
Theo quy định của công ước ICESCR, các quốc gia thành viên phải cam kết trao các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cho các cá nhân, bao gồm quyền công đoàn và quyền chăm sóc sức khỏe, quyền giáo dục và quyền được đảm bảo mức sống phù hợp.
Việc Liên hợp quốc thông qua công ước ICESCR xuất phát từ các quy định, nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm, bảo vệ quyền và các tự do cơ bản của con người như đã nêu trong bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, kết thúc nỗ lực bền bỉ đấu tranh, thương lượng giữa các nhóm quốc gia thành viên Liên hợp quốc, chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài về giá trị pháp lý của hai nhóm quyền (quyền dân sự, chính trị và quyền kinh tế, xã hội và văn hóa). Cả hai công ước này cũng đồng thời mở ra cơ hội mới cho các quốc gia trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.
Theo công ước ICESCR, nội dung các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa được công ước bảo hộ quy định cụ thể tại phần III, từ Điều 6 – 15. Theo đó, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, bao gồm quyền lao động, quyền sở hữu, quyền có việc làm, quyền được bảo trợ xã hội, quyền được chăm sóc y tế, quyền có nhà ở, quyền giáo dục, quyền được bảo đảm mức sống phù hợp, quyền nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế…
Cả hai công ước trên cùng với bản Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 được cộng đồng quốc tế xác định là Bộ luật quốc tế về quyền con người – nền tảng của ngành luật quốc tế về quyền con người.
Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế nêu trong hai công ước, trong điều kiện vô vàn khó khăn, do phải khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, Việt Nam đã sớm gia nhập cùng lúc hai công ước trên vào ngày 24/9/1982 và chỉ bảo lưu một điều xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa hai quốc gia.
Từ khi tham gia ICCPR và ICESR, Việt Nam đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong bảo đảm thực hiện các quyền trong hai công ước trên cả phương diện lý luận và thực thi trong thực tiễn; tích cực thực hiện nghĩa vụ của mình trước cộng đồng quốc tế.
Sau hơn 40 năm thực hiện các cam kết của mình đối với Công ước ICCPR và ICESR, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, công bằng và không phân biệt đối xử với người dân trên các vùng miền. Bên cạnh đó Việt Nam vẫn đang tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng chính sách, chương trình của quốc gia nhằm vượt qua thách thức, đảm bảo chất lượng và hiệu quả thực hiện các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, tập trung cải thiện chất lượng cuộc sống đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Cùng với việc tích cực tham gia các công ước quốc tế về quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế.
Hiến pháp năm 2013 là đỉnh cao của hoạt động lập hiến về quyền con người, khi dành trọn vẹn 36 điều trong tổng số 120 điều để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; cùng với các luật, bộ luật được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Trà Khánh