“Độc”, “lạ”, “lần đầu xuất hiện” hay “mang hơi thở của tương lai” là những gì người ta kháo nhau về các mẫu UAV được trưng bày, khiến chúng trở thành “nam châm” hút khách.
Sự đa dụng của các phương tiện không người lái (UVs) trong thời gian gần đây khiến chúng trở thành một trong các “ngôi sao” tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 ở Hà Nội.
Gần 16h30 chiều 20-12, nhiều người kéo tay nhau tranh thủ xem các gian hàng tại khu trưng bày sản phẩm quốc phòng vì chỉ còn 30 phút nữa là khép lại ngày thứ hai của triển lãm.
Tiếng bàn luận xen lẫn những câu hỏi – đáp tại các gian hàng phương tiện bay không người lái (UAV) làm không khí thêm sôi nổi.
Những UAV quân sự lần đầu lộ diện
Bước qua cổng kiểm tra an ninh và chỉ mất vài phút đi bộ, nhiều người đã được mục sở thị ngay lập tức các khí tài trước nay chỉ nhìn thấy trên truyền hình đang hiển hiện trên đường băng sân bay Gia Lâm.
Bên trong khu trưng bày sản phẩm quốc phòng, do kích thước lớn nhưng diện tích gian hàng khiêm tốn, nhiều công ty sử dụng mô hình thu nhỏ kết hợp video để khách quan tham hiểu rõ hơn về tính năng của sản phẩm.
Gian trưng bày của Viettel gây ấn tượng ngay khi bước vào sảnh A với hai minh họa trực quan thể hiện ý tưởng các trang bị cho người lính trong tương lai.
Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (Tập đoàn Viettel), với nhiều mẫu phương tiện bay không người lái (UAV) lần đầu xuất hiện, nhận được nhiều sự quan tâm trong và ngoài nước.
Tại đây, các mẫu UAV mới nhất do Viettel tự chủ nghiên cứu, chế tạo trong nước cho từng nhiệm vụ như UAV trinh sát, UAV cảm tử và UAV đa năng đã gây ấn tượng với người xem.
Chẳng hạn UAV VUA-SC-3G có nhiệm vụ trinh sát, chỉ thị mục tiêu trên biển, đất liền; UAV trinh sát hạng nhẹ tầm trung VU-R70 chuyên tìm kiếm, phát hiện, nhận dạng mục tiêu tự động hoàn toàn, sau đó chỉ thị mục tiêu cho lực lượng hỏa lực…
Các đại diện đến từ Mỹ, Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel cũng thu hút sự chú ý không nhỏ tại khu trưng bày UAV phục vụ quân sự.
Tại gian hàng của Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Israel (IAI), khách tham quan dành sự quan tâm đến mẫu UAV đa nhiệm tầm trung HERON MK II phục vụ các nhiệm vụ chiến lược và chiến thuật. HERON MK II hướng tới nhiệm vụ tình báo, tuần tra hàng hải, giám sát mục tiêu.
Với Iran, các mẫu UAV chiến đấu và trinh sát dường như nằm trong mục tiêu tiếp thị của nước này khi chiếm một phần lớn gian hàng triển lãm. Đại diện Bộ Quốc phòng Iran chia sẻ rằng UAV cùng với công nghiệp hàng không, hàng hải là những lĩnh vực nước này hy vọng có tiềm năng hợp tác với Việt Nam.
UAV dân sự cho hình dung về cuộc sống tương lai
Với sự phát triển mạnh mẽ thời gian gần đây, các UVs đã được trang bị nhiều tính năng hiện đại, bao gồm cả sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Sự bùng nổ của chúng được dự báo sẽ tác động lớn đến nhiều ngành công nghiệp như quốc phòng, giao thông vận tải, nông nghiệp…
Năm 2024, quy mô thị trường UVs đã đạt 38,6 tỉ USD, đến năm 2027 sẽ tăng lên 58 tỉ USD. Nhu cầu tăng dẫn đến cuộc chạy đua làm chủ công nghệ sản xuất loại phương tiện này.
Cạnh khu vực của các khí tài và UAV quân sự, khu trưng bày những sản phẩm phục vụ dân sự nườm nượp người qua lại sau 2 ngày mở cửa.
CT UAV (một thành viên CT Group), giới thiệu mô hình 1:6 của nguyên mẫu chiếc UAV điện chở khách mang tên CT-2W1. Theo giới thiệu của đại diện CT UAV, nguyên mẫu đầu tiên sẽ được hé lộ vào giữa năm 2025 và đi vào sản xuất hàng loạt vào tháng 12 cùng năm. Tốc độ của CT-2W1 có thể lên tới tối đa 200km/h, khả năng chở 5 người và thời gian bay liên tục lên đến 2 tiếng.
Đại diện CT UAV cho biết trong quá trình phát triển CT-2W1 cũng gặp nhiều thách thức vì là đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu sẽ tạo ra bước đột phá trong giao thông vận tải đô thị và du lịch không chỉ ở Việt Nam mà còn Đông Nam Á với các sản phẩm UAV chở khách.
UAV Hera, một sản phẩm được tạo ra từ trí tuệ Việt Nam và nhận được đánh giá cao từ quốc tế, xuất hiện ở cả khu trưng bày sản phẩm quốc phòng và dân sự cho thấy tính lưỡng dụng của nó.
Gian hàng trưng bày của Bộ Công an có nhiều sản phẩm lần đầu xuất hiện như thiết bị chế áp drone/flycam di động DJH09, hay UAV kết hợp phần mềm thu thập, quản lý dữ liệu an ninh.
“Gia đình” UVs gồm UAV, phương tiện mặt đất không người lái (UGV), phương tiện trên mặt biển không người lái (USV) và UUV – phương tiện trong lòng biển không người lái. Một điều khá đáng tiếc là tại triển lãm năm nay vắng bóng các mẫu USV và UUV.
Sự xuất hiện nhiều hơn của các loại UVs này tại triển lãm lần thứ ba sẽ rất có ý nghĩa với một quốc gia có đường bờ biển dài như Việt Nam.
Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 19 đến 22-12. Người dân có thể tham quan miễn phí từ 9h sáng 21-12 đến 15h ngày 22-12, bằng cách đăng ký thông tin cá nhân trên website https://vietnamdefence.vdi.org.vn/.
Theo thông tin cập nhật liên tục từ ban tổ chức triển lãm, hiện đã có gần 100.000 người đăng ký tham quan Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.
Khách tham quan khi đến triển lãm cần xuất trình căn cước công dân hoặc hộ chiếu; tuyệt đối không được phép hút thuốc, mang vật nuôi, đồ ăn thức uống vào các khu trưng bày.
Duy Linh – Hà Quân
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/vi-sao-uav-hut-khach-tai-trien-lam-quoc-phong-o-ha-noi-20241220182806226.htm