“Canh bạc” của tỷ phú công nghệ
Việc tỷ phủ công nghệ Elon Musk đầu tư “tất tay” cho ứng cử viên của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump đang thu hút sự chú ý của dư luận Mỹ không chỉ vì những khoản tài trợ khổng lồ, những phát ngôn và hành động gây sốc mà còn là những toan tính phía sau.
Tuy nhiên, quyết định “quay xe” ủng hộ cựu Tổng thống Trump không phải là điều quá bất ngờ khi trong những năm gần đây, vị tỷ phú này đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích đảng Dân chủ và Tổng thống Biden. Quyết định đầu tư “tất tay” vào cựu Tổng thống Trump dường như cũng không quá khó hiểu khi nhân vật cũng được mệnh danh là thiên tài công nghệ này đã tửng có những phi vụ đầu tư mạo hiểm thậm chí được không ít ý kiến trong giới chuyên gia xem là “điên rồ”.
Trong thời gian trước, tỷ phú Musk thường không công khai quan điểm chính trị, cho rằng các nền tảng truyền thông nên thể hiện quan điểm khách quan, trung lập. Ông cũng là người tuyên bố ủng bộ cựu Tổng thống Obama, từng bỏ phiếu cho các ứng cử viên Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016, 2020. Thậm chí, ông này còn nhiều lẩn tranh cãi, chỉ trích cựu Tổng thống Trump trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, trong những năm gầy đây, vị tỷ phú này đã nhiều lần bày tỏ sự phản đối với chính quyền Tổng thống Biden.
Theo truyền thông Mỹ, một phần có thể vì chính quyền Tổng thống Biden đã phớt lờ mẫu xe Tesla khi triển khai ưu đãi thuế lần đầu tiên cho xe điện cũng như không đánh giá cao vai trò của cá nhân ông Musk trong hoạch định chính sách phát triển xe điện.
Hồi đầu năm nay, ông Musk cho biết, ông từng bỏ phiếu cho Dân chủ trong thời gian qua và tuyên bố bắt đầu ủng hộ các ứng cử viên của Cộng hòa. Trên mạng xã hội, ông này cũng liên tục chỉ trích các chính sách của đảng Dân chủ như nỗ lực thúc đẩy công bằng và hòa nhập, phản đối chính sách của chính quyền Biden đối với các công đoàn lao động, vấn đề nhập cư, biên giới…
Cuộc gặp giữa ông Musk và cựu Tổng thống Trump hồi tháng 3 vừa qua không khiến dư luận Mỹ quá ngạc nhiên khi cho rằng đây là việc tất nhiên diễn ra.
Chính thức tuyên bố ủng hộ ông Trump sau vụ ám sát hụt hồi tháng 7 cũng đánh dấu bước ngoặt đối với ông Musk khi chuyển hướng chính trị sang cánh hữu với quan điểm bảo thủ. Sau cuộc gặp này, báo chí Mỹ cũng bắt đầu so sánh quá trình chuyển từ một doanh nhân sang chính trị gia cánh hữu với xuất phát điểm của ông Musk chậm hơn ông Trump hơn 10 năm.
Elon Musk sẽ nhận được gì nếu “thắng cược”?
Mục tiêu phía sau động thái ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump của ông Musk cho đến nay phần lớn mới được hé lộ thông qua tuyên bố của ông Trump hoặc đồn đoán trong dư luận Mỹ.
Theo những thông tin trên truyền thông Mỹ, để có được sự ủng hộ của ông Musk, cựu Tổng thống Trump đã đề xuất một vị trí quan trọng nếu tái đắc cử. Vị trí này rất có thể là lãnh đạo một ủy ban do Tổng thống thành lập, có chức năng kiểm soát hoạt động ngân sách của chính phủ liên bang, chủ yếu là có trách nhiệm hoặc quyền hạn đề xuất cắt giảm chi tiêu, xây dựng quy định để chính phủ hoạt động hiệu quả và tiết kiệm. Trước đây, một số Tổng thống Mỹ cũng đã từng thành lập ủy ban theo hình thức này để giảm thiểu lãng phí và tăng tính hiệu quả.
Với vai trò của mình nếu được bổ nhiệm, kết hợp mối quan hệ với người lãnh đạo được xem là quyền lực nhất thế giới, tỷ phú Musk không chỉ chủ động trong việc mở rộng kinh doanh với chính phủ; giải quyết các vướng mắc pháp lý mà còn có cơ hội thực hiện giấc mơ mà ông gọi là thiết kế lại thế giới.
Cho đến nay, các doanh nghiệp của ông Musk đang có những hợp đồng hợp tác khổng lồ với tổng giá trị hơn 15 tỷ USD, ví dụ như Công ty SpaceX với Bộ Quốc phòng, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA hay Tesla với các khoản tín dụng thuế và trợ cấp xây dựng mạng lưới trạm sạc trên toàn quốc.
Nếu trở thành cố vấn của Tổng thống, tỷ phú Musk sẽ có cơ hội khai thác tiềm năng tài chính không hạn chế của Mỹ, mở rộng các hợp đồng sang lĩnh vực an ninh quốc gia, quân sự… Ngoài ra, các công ty của ông Musk cũng đang dính dáng đến hàng loạt điều tra sai phạm của các cơ quan chức năng Mỹ và việc tìm kiếm một vị trí trong nội các là điều có thể hiểu được. Nhiều chuyên gia Mỹ cũng nhận định, hợp tác giữa hai nhân vật này có thể được coi là một hợp đồng thương mại mạo hiểm nhưng hứa hẹn.
Thậm chí, nhiều đồn đoán trên truyền thông Mỹ còn đi xa hơn khi cho rằng, tỷ phú công nghệ với những phát minh và ý tưởng được xem hoặc là thiên tài hoặc là điên rồ đang muốn áp đặt cuộc chơi của mình không chỉ tại Mỹ mà còn trên quy mô toàn cầu. Với vai trò cố vấn hoặc thành viên nội các, thiên tài công nghệ có thể thực hiện các ý tưởng đã một vài lần được ông này nhắc đến đó là thiết kế lại nhà nước Mỹ và lối sống của người dân Mỹ. Tuy nhiên, ý định này không phải không có cơ sở nếu cựu Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump cũng từng có quan điểm tương tự, ví dụ như xây dựng lại chính phủ liên bang theo mô hình mới, giải tán một số cơ quan liên bang, sa thải hàng loạt viên chức chính phủ, hạn chế hoạt động của công đoàn… Mặc dù đây mới chỉ là các ý tưởng, nhưng sự kết hợp giữa một Tổng thống Mỹ và một thiên tài công nghệ có khả năng biến chúng thành hiện thực.
Lợi thế cho cựu Tổng thống
Chỉ còn 2 tuần nữa là cuộc bầu cử được cả thế giới quan tâm bước vào ngày bầu cử chính thức. Trong những tuần qua, cựu Tổng thống Trump đã có những bước tiến đáng kinh ngạc, liên tục bám đuổi, cạnh tranh thậm chí bắt đầu vượt lên đối thủ của mình ở một số bang được xem là chiến địa, có thể quyết định kết quả bầu cử.
Tác động từ các khoản đầu tư hàng chục triệu USD cũng như ảnh hưởng của ông Musk đối với kết quả chung cuộc chưa rõ ràng nhưng đang góp một phần giúp ông Trump đảo ngược thế cờ với các bước tiến tương đối chắc chắn.
Kể từ khi đăng bài ủng hộ cựu Tồng thống Trump đầu tiên hồi tháng 7, ông Musk đã đăng và đăng lại hàng chục bài viết ủng hộ cho ứng cử viên của đảng Cộng hòa.
Theo truyền thông Mỹ, tỷ phú Musk đã đặt một cơ sở tại bang Pennsylvania, một bang chiến địa được xem là góp phần quan trọng vào kết quả bầu cử, để giám sát hoạt động của ông Trump tại bang này và vận động cử tri đi bỏ phiếu. Một số thông tin cho biết, ông Musk đã tuyển dụng và điều động nhiều nhân viên tài năng với khoản chi lên đến 500 triệu USD để phục vụ cho chiến dịch bầu cử tại bang này. Không chỉ vậy, tỷ phú Musk cũng lôi kéo những người nổi tiếng và đang biến mạng xã hội X thành một cơ quan không chính thức của chiến dịch tranh cử.
Trong nỗ lực mới nhất, tỷ phú Musk cam kết tặng 1 triệu USD cho một cử tri ngẫu nhiên, sống tại 7 bang được xem là chiến địa, ký đơn kiến nghị trực tuyến ủng hộ Hiến pháp Mỹ, đặc biệt là tu chính án thứ nhất và thứ hai. Ngoài ra, mỗi cử tri đã đăng ký của bang Pennsylvania ký bản kiến nghị cũng nhận được 100 USD và nếu giới thiệu được một cử tri khác sẽ nhận được thêm 100 USD. Giải pháp được xem là dùng tiền đổi lấy ủng hộ này của ông Musk hiện đang nằm trong tầm ngắn của giới chức Mỹ và có thể sẽ gây ra các tranh cãi pháp lý gay gắt.
Nhiều chuyên gia bầu cử còn nhận định, chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng năm nay cho đến nay không chỉ là cuộc đua giữa hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa mà còn là cuộc đua cá nhân giữa Phó Tổng thống Harris và tỷ phú công nghệ Elon Musk.
Vov.vn
Nguồn: https://vov.vn/the-gioi/vi-sao-ty-phu-elon-musk-chi-khung-de-ung-ho-cuu-tong-thong-donald-trump-post1130245.vov