Theo báo cáo của Trường Đại học Y Hà Nội, năm nay, nhà trường không có sinh viên nào tốt nghiệp loại xuất sắc.
Trong số 786 sinh viên tốt nghiệp hệ bác sĩ (6 năm) có 11,3% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, 69,8% sinh viên tốt nghiệp loại khá, 17,6% tốt nghiệp loại trung bình khá và 1,3% tốt nghiệp loại trung bình. Ở hệ cử nhân (4 năm), năm 2024, trong số 331 sinh viên tốt nghiệp có 3% đạt loại giỏi, 56,8% đạt loại khá, 56,8% tốt nghiệp loại trung bình khá và 1,5% tốt nghiệp loại trung bình.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc tại Trường Đại học Y Hà Nội có phần “khiêm tốn” nếu so sánh với nhiều trường đại học khác, đặc biệt là khối ngành Kinh tế.
Đơn cử, năm 2024, tại Trường Đại học Ngoại thương có khoảng 23,3% sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, khoảng 49,9% sinh viên xếp loại giỏi. Tỷ lệ xuất sắc và giỏi chiếm gần 73,2%. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chưa công bố số liệu năm 2024, tuy nhiên năm 2023, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc của trường cũng lên tới gần 70% (26,04% sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, 42,06% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi).
Ở khối ngành kỹ thuật, năm 2024, số sinh viên xếp hạng tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc tại Đại học Bách khoa Hà Nội chiếm trên 32% tổng số sinh viên tốt nghiệp sớm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS.BS Lê Đình Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ, đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc thường không cao nếu so với các ngành khác. Đây là thực tế hiện nay tại các trường y dược trên toàn quốc, không riêng Trường Đại học Y Hà Nội.
Theo PGS Lê Đình Tùng, tỷ lệ này không phải vì các em yếu kém, bởi chất lượng đầu vào, điểm chuẩn tuyển sinh của các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe luôn rất cao.
PGS Lê Đình Tùng đưa ra một số lý do lý giải việc tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc tại trường y thường không cao. Vấn đề thứ nhất liên quan đến công tác lượng giá, đánh giá. Uh
Theo đó, việc lượng giá, đánh giá ở các trường thuộc lĩnh vực sức khỏe chú trọng đến năng lực hành nghề và thực hiện các tác vụ hay nhiệm vụ lâm sàng tại các cơ sở có hoạt động khám, chữa bệnh với yêu cầu rất cao. Trong đó, ngoài vấn đề kiến thức còn là kỹ năng, tính chuyên nghiệp như làm việc nhóm hay giao tiếp hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người bệnh cũng như phối hợp với đồng nghiệp, với nhân viên y tế khác.
Ngoài ra, việc lượng giá tích hợp cả lượng giá kiến thức lẫn lượng giá thực hành và lượng giá thái độ, khiến cho điểm lượng giá trong thang điểm 10 so với các ngành đào tạo khác sẽ thấp hơn.
“Việc đánh giá chú trọng đến khả năng làm việc thay vì chú trọng đến điểm số. Chúng tôi hy vọng các đơn vị, cơ sở tuyển dụng lao động sẽ tuyển dụng trên cơ sở đáp ứng được các yêu cầu về công việc, tức là dựa trên năng lực của các em, thay vì chỉ quan tâm đến điểm số đạt được”, PGS Lê Đình Tùng nói.
Ông cho rằng, nếu chỉ căn cứ vào điểm số để lượng giá và so sánh sinh viên tốt nghiệp các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe với các khối ngành khác sẽ là sự thiệt thòi cho các em khối sức khỏe.
Bên cạnh đó, điều này còn có thể ảnh hưởng đến vấn đề tổ chức đào tạo, khi việc lượng giá, đánh giá có thể sẽ không còn đi đúng hướng: thay vì thúc đẩy lượng giá năng lực người học, để họ có năng lực thực sự, đáp ứng được các yêu cầu của công việc, của nhà tuyển dụng khi ra trường thì thúc đẩy việc học để lấy điểm và có được điểm cao, nhưng khả năng đáp ứng công việc hạn chế.
Với câu hỏi có nên dựa vào tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc hàng năm để đánh giá chất lượng đào tạo của trường đại học hay không, PGS Lê Đình Tùng nêu quan điểm, đây là một tiêu chí tham khảo có thể sử dụng làm căn cứ để đánh giá.
Tuy nhiên, thay vì chỉ dựa vào điểm số hay tỷ lệ phần trăm đạt loại giỏi – xuất sắc, hoạt động lượng giá, đánh giá cần bao gồm cả việc lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan, trong đó có sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên và chú trọng vào việc đáp ứng được chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, cũng như các mục tiêu mà nhà trường cam kết với xã hội.
PGS Lê Đình Tùng cho rằng với các cơ sở tuyển dụng lao động, bên cạnh tiêu chí tuyển dụng dựa vào bằng cấp, kết quả học tập thì một trong các tiêu chí phải bổ sung thêm là đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu công việc.
Theo đó, cần quan sát, đánh giá người học sau khi tốt nghiệp dựa trên khoảng thời gian thử việc để đưa ra nhận xét, đánh giá chính xác và khách quan. Điều này cũng thúc đẩy cho các cơ sở đào tạo, trong đó có các ngành Y khoa, Điều dưỡng, Răng – Hàm – Mặt chú trọng đến việc đào tạo, rèn luyện, hỗ trợ, giúp đỡ người học đáp ứng năng lực, thay vì chỉ học để có điểm hay chỉ học để thi.
Về phía cơ sở đào tạo, PGS Lê Đình Tùng cho biết Trường Đại học Y Hà Nội sẽ chú trọng đào tạo ra các sinh viên có năng lực. Nhà trường đã lấy ý kiến của các bên, trong đó có các Sở Y tế địa phương, các bệnh viện, các cơ sở thực hành về năng lực của sinh viên làm một trong những căn cứ để xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo.
Đồng thời, lượng giá căn cứ vào việc đáp ứng được các nhiệm vụ đặt ra đối với bác sĩ, đối với điều dưỡng, đối với các cử nhân lĩnh vực sức khỏe để sinh viên khi tốt nghiệp trước hết phải là những người làm được nghề.
Sinh viên khi tốt nghiệp cũng phải có kiến thức khoa học cơ bản, kiến thức cơ sở vững chắc để có thể phát triển cá nhân, làm việc hoặc suy nghĩ, đưa ra quyết định một cách độc lập. Đồng thời, phải có đủ đầy kiến thức, bao gồm kiến thức về đào tạo trong chuyên ngành và kiến thức về các lĩnh vực khác.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/giao-duc–y-te1/vi-sao-ty-le-sinh-vien-tot-nghiep-loai-gioi-xuat-sac-o-truong-dai-hoc-y-ha-noi-khong-cao–i384918/