Đề án này phê duyệt thành lập Trung tâm cấp cứu đường thủy (do Trung tâm cấp cứu 115 quản lý) trên cơ sở hạ tầng hiện có của Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ cũ, nhằm đảm trách nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện khu vực huyện Cần Giờ.
UBND TP.HCM và Sở Y tế kỳ vọng sẽ phát triển mô hình cấp cứu đường thủy một cách thuận tiện, linh hoạt và hiệu quả nhất phục vụ người dân.
Tàu cấp cứu là ưu tiên số 1
Vì sao trung tâm cấp cứu đường thủy đặt tại Cần Giờ? Theo đề án, TP.HCM với đặc điểm địa lý nhiều sông ngòi, kênh rạch, đặc biệt có huyện Cần Giờ giáp biển.
Hiện nay, Cần Giờ đang được đầu tư trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí; xây dựng cảng nước sâu làm trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Đây là điều kiện thuận lợi khi hệ thống giao thông đường thủy sẽ phát triển đa dạng với lưu lượng lớn tàu, thuyền neo đậu và vận chuyển hàng hóa, có nhiều người dân đến sinh sống và làm việc, cũng như thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Ngoài các mặt thuận lợi nêu trên, việc hình thành một trung tâm cấp cứu đường thủy đặt tại Cần Giờ xuất phát từ thực tế khó khăn, thiếu thốn chăm sóc y tế ở huyện đảo duy nhất của TP.HCM này.
Người dân Cần Giờ (trong đó có xã đảo Thạnh An) đang phải mất nhiều thời gian, tiền bạc, thậm chí đối diện với nhiều nguy hiểm bởi sóng to, gió lớn, thiếu phương tiện vận chuyển khi đi khám chữa bệnh.
Chính điều này, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – khẳng định việc đầu tư tàu cấp cứu đường thủy đúng nghĩa tại xã đảo Thạnh An sẽ là ưu tiên số 1 nhằm “đảm bảo thực thi công bình y tế giữa đất liền và xã đảo”.
“Do đó, việc triển khai mô hình cấp cứu bằng đường thủy là thật sự cần thiết nhằm cung cấp dịch vụ cấp cứu kịp thời cho người dân, đảm bảo sự phát triển bền vững cho khu vực huyện Cần Giờ và các vùng lân cận” – đề án nêu.
Trung tâm cấp cứu hoạt động ra sao?
Để đạt hiệu quả, Sở Y tế với vai trò là đầu mối sẽ cùng với các đơn vị, địa phương xây dựng quy chế phối hợp trong tổ chức cấp cứu bằng đường thủy giữa tổ cấp cứu ngoài bệnh viện và các thuyền viên khác (thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phổ, thủy thủ, thợ máy). Trong đó, tuân thủ các quy định về giao thông và vận tải đường thủy, đảm bảo quá trình vận chuyển người bệnh an toàn.
Theo đề án được UBND TP.HCM phê duyệt, giai đoạn 1 (từ 2023 đến 2025) sẽ đầu tư 1 tàu cứu thương được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế chuyên dụng để triển khai hoạt động cấp cứu đường thủy tại huyện Cần Giờ. Vị trí bến đỗ là cảng đóng quân của Bộ đội biên phòng huyện Cần Giờ.
Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp cấp cứu bằng đường thủy, trong đó Trung tâm cấp cứu 115 đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn về y tế, Bộ đội biên phòng TP tuyến Cần Giờ đảm nhận nhiệm vụ vận hành, bảo trì, sửa chữa phương tiện cấp cứu đường thủy.
Còn giai đoạn 2 (từ năm 2025 về sau), trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1 sẽ quyết định việc mở rộng mô hình cấp cứu đường thủy tại khu vực trung tâm TP với bến đỗ tại bến Bạch Đằng. Lúc này sẽ bổ sung 1 tàu cứu thương chuyên dụng, từng bước hình thành mạng lưới các trạm cấp cứu đường thủy theo nhu cầu phát triển của TP.
Trong trường hợp cần thiết có thể bổ sung bến đỗ đặt trạm vệ tinh cấp cứu đường thủy theo quy hoạch chung của TP, đặc biệt tại các bệnh viện, cơ sở y tế có tiếp giáp sông.
Ai được cấp cứu bằng đường thủy?
Theo đề án, điều kiện được cấp cứu bằng đường thủy là khi người bệnh trong tình trạng cấp cứu khẩn cấp có biểu hiện đe dọa tính mạng trên đường thủy nội địa, vùng giáp biển, đảo và vùng sâu, vùng xa.
Hoặc bệnh lý vượt quá khả năng của cơ sở y tế đang điều trị, đòi hỏi phải chuyển ngay đến các bệnh viện tuyến sau mà các phương tiện cấp cứu đường bộ, đường hàng không không thể đáp ứng.