Công trình cấp nước tập trung Tiểu khu 42 được xây dựng khoảng năm 2015, sau đó được đầu tư cải tạo, nâng cấp, gồm hệ thống trạm bơm, xử lý nước sạch và bơm lên đài cấp nước cho các hộ dân. Theo ghi nhận của phóng viên, công trình còn mới với quy mô khá lớn nhưng tại hệ thống trạm bơm, xử lý nước lại cửa đóng then cài, cỏ mọc um tùm, không còn hoạt động. Những dấu tích ghi nhận từ thực tế cho thấy công trình này ngưng hoạt động từ lâu. Nguyên nhân được Trưởng thôn 10 Trần Thị Lan cho biết: “Do người dân khó khăn về kinh tế nên không thu được tiền dịch vụ sử dụng nước. Trong khi đó, một ngày phải vận hành 5 tiếng đồng hồ nhưng không có tiền chi trả cho những người vận hành máy, kể cả người thu tiền dịch vụ nước cũng không có”.
Trạm cấp nước ngưng hoạt động khiến hơn 100 hộ DTTS ở thôn 10, xã Đắk Ơ phải mua nước bên ngoài với giá cao
Thêm vào đó, để công trình hoạt động cần nguồn điện rất lớn. Theo bà Lan, trung bình mỗi tháng công trình tiêu hao từ 2-3 triệu đồng tiền điện, tuy nhiên không có kinh phí chi trả nên điện lực buộc phải ngưng. Những lý do nêu trên khiến hơn 100 hộ DTTS nơi đây không có nước sạch sinh hoạt, phải mua nước 2 năm nay. Ông Điểu Lai, ngụ thôn 10, xã Đắk Ơ cho biết, những năm qua để có nước sinh hoạt, gia đình phải mua từ người dân với giá 75 ngàn đồng/bồn, dùng khoảng 3-4 ngày.
Để một nhà máy nước vận hành cần rất nhiều yếu tố, ngoài hạ tầng cơ sở thì phải có nhân viên quản lý, vận hành có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, để công trình hoạt động, quan trọng nhất là chi phí vận hành, nguồn kinh phí này được thu từ dịch vụ sử dụng nước theo đơn giá quy định. Tuy nhiên, việc thu tiền dịch vụ đối với hàng chục hộ dân ở Tiểu khu 42 gặp rất nhiều khó khăn. “Nguồn thu nhập của người dân nơi đây rất ít, trong khi họ nghĩ Nhà nước cấp nhà, cấp đất thì sẽ cấp nước sinh hoạt miễn phí. Bởi vậy, chỉ một số hộ hiểu thì tích cực đóng góp, số còn lại là không” – bà Lan cho hay.
Trạm cấp nước sinh hoạt Tiểu khu 42 còn khá mới nhưng cửa đóng, then cài, cỏ mọc um tùm
“Để trạm cấp nước hoạt động trở lại, kiến nghị cấp trên bố trí nguồn kinh phí phục vụ cơ chế vận hành cũng như hỗ trợ tiền điện để các hộ có nước sinh hoạt. Đồng thời vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm và chung tay đóng góp với Nhà nước”. Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ NGUYỄN THANH HẢI |
Toàn huyện Bù Gia Mập hiện có 3 công trình cấp nước tập trung, ngoài xã Đắk Ơ còn có 2 công trình tại xã Bù Gia Mập. Trong khi công trình cấp nước tập trung Đắk Ơ giao UBND xã quản lý, vận hành đang ngưng hoạt động thì 2 công trình ở xã Bù Gia Mập giao Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, vận hành hoạt động rất hiệu quả.
Công trình gồm có đài nước trữ lượng khoảng 10 khối còn khá mới nhưng không hoạt động
Thực tế không chỉ trạm cấp nước tập trung ở Tiểu khu 42 mà rất nhiều công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh “đắp chiếu” thời gian dài hoặc hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân do khi xây dựng xong giao cho địa phương quản lý, vận hành. Người được giao nhiệm vụ vận hành không có chuyên môn kỹ thuật, quản lý. Trong khi người dân sử dụng nước không đóng tiền nên việc thu phí dịch vụ sử dụng nước không đủ bù chi. Mặt khác, công trình không thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng dẫn đến hư hỏng, nhanh xuống cấp. Do đó, việc bàn giao các công trình cấp nước sinh hoạt cho Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, vận hành là giải pháp phù hợp.