Tỷ lệ giải ngân còn thấp
Đã hết quý I năm 2024, nhưng nhìn chung, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn thuộc chương trình MTQG 1719 năm 2024 ở Nghệ An còn thấp, chậm. Thậm chí, nguồn vốn năm 2022, năm 2023 kéo dài sang cũng có tỷ lệ giải ngân không cao.
Theo báo cáo của huyện Quỳ Châu, tổng vốn giao thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2022-2024 là 223,58 tỷ đồng; đã giải ngân năm 2022-2024 là 106,76 tỷ đồng đồng, đạt 47,8% kế hoạch vốn năm 2022-2024. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển, giao 116,8 tỷ đồng, đã giải ngân gần 79 tỷ đồng (đạt 67,6%), vốn sự nghiệp giao 106,78 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 27,77 tỷ đồng (đạt 26%).
Tại huyện Kỳ Sơn, tình hình giải ngân các nguồn vốn của chương trình MTQG cũng không cao. Tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương và địa phương cấp từ năm 2022 đến đến ngày 20/02/2024 tại Kỳ Sơn là hơn 634,55 tỷ đồng (Vốn đầu tư hơn 416,74 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 217,8 tỷ đồng). Hết quý I năm 2024 đã giải ngân gần 214 tỷ đồng, đạt 33,71% (Vốn đầu tư phát triển đạt 43,60%, vốn sự nghiệp đạt 14,80%).
Tình hình giải ngân các nguồn ở huyện Tương Dương cũng tương tự. Nguồn vốn đầu tư phân bổ cho huyện năm 2022 kéo dài và năm 2023 là 131,21 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 68, 4 tỷ đồng, đạt 52,13%. Còn vốn sự nghiệp năm 2022 kéo dài là hơn 40,64 tỷ đồng, đã giải ngân gần 32 tỷ đồng, đạt 78,68%. Đáng chú ý, tổng nguồn vốn sự nghiệp năm 2023 là hơn 187,47 tỷ đồng, đã giải ngân gần 7,5 tỷ đồng, đạt 4%.
Qua tổng hợp của Ban Dân tộc Nghệ An, kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2022, 2023 tại Nghệ An là hơn 1.124 tỷ đồng. Tính đến tháng 3 năm 2024 đã giải ngân được hơn 64 tỷ đồng, đạt 5,72%; lũy kế báo cáo giải ngân hơn 895 tỷ đồng, đạt 79,6%.
Kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2022, 2023 là hơn 1.143 tỷ đồng. Tính đến tháng 3 năm 2024 đã giải ngân hơn 28 tỷ đồng, đạt 2,47%; lũy kế báo cáo giải ngân hơn 273 tỷ đồng, đạt 23,88%.
Kế hoạch vốn năm 2024, vốn đầu tư phát triển được giao hơn 790 tỷ đồng, trong tháng 3 đã giải ngân được hơn 66 tỷ đồng, đạt 8,27%. Riêng kế hoạch vốn sự nghiệp đang chờ phân bổ.
Và đâu là nguyên nhân
Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thừa nhận: Nguồn vốn của Chương trình lớn song tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân chậm, đặc biệt đối với nguồn vốn sự nghiệp.
Về nguyên nhân thấp, chậm giải ngân các nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 ở Kỳ Sơn, ông Nguyễn Viết Hùng cho hay, nhiều đơn vị, địa phương còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch, dự toán thực hiện nguồn vốn được giao dẫn đến chậm xây dựng kế hoạch triển khai nguồn vốn. Bên cạnh đó, nguồn vốn được phân bổ cho một số dự án, tiểu dự án không thực hiện được do gặp những vướng mắc, cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Cụ thể, nguồn vốn phát triển sản xuất lâm nghiệp bền vững rất lớn, tuy nhiên do phân bổ muộn nên phải chuyển nguồn để sử dụng cho các năm sau (nguồn năm 2022 hỗ trợ năm 2023, nguồn năm 2023 hỗ trợ năm 2024) ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn. Bên cạnh đó, nguồn vốn phân bổ hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm chưa tìm được giải pháp phù hợp để thực hiện dẫn đến tồn nguồn nhiều.
Thực tế hiện nay, đội ngũ giáo viên dạy nghề của Trung tâm dạy nghề huyện không đáp ứng được yêu cầu về số lượng và các tiêu chuẩn, các quy định theo văn bản hiện hành. Chưa kể, nhu cầu học nghề tại các xã ít, đa số người học trong độ tuổi lao động đi làm tại các công ty các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Nguồn vốn được giao lớn, bên cạnh đó đơn giá đào tạo nghề theo các văn bản quy định hiện hành rất thấp, giá cả thị trường lên xuống thất thường khó khăn trong việc lập dự toán triển khai, như đơn giá hỗ trợ người đi học, đơn giá hợp đồng giáo viên, đơn giá mua nguyên vật liệu, vật tư phục vụ đào tạo…
Tương tự, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Đinh Hồng Vinh cũng chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Theo ông Vinh, đối với nguồn vốn đầu tư, được cho là rất khả quan trong giải ngân cũng gặp nhiều vướng mắc. Hiện nay, một số dự án vẫn còn vướng mắc về thiếu nguồn đất đắp; một số dự án nước sinh hoạt triển khai chậm do vướng hành lang an toàn giao thông; một số dự án còn vướng công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng, báo cáo đánh giá tác độc môi trường. Chưa kể, một số nhà thầu năng lực triển khai yếu, thiếu nhân lực thực hiện tại các phòng ban chuyên môn cấp huyện.
Về nguồn vốn sự nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Đinh Hồng Vinh cũng thừa nhận, các dự án triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Ông Vinh cho biết: Một số dự án do vướng mắc các quy định, văn bản hướng dẫn; một số dự án duy tu bảo dưỡng các xã dồn tất cả về phòng kinh tế hạ tầng thẩm định, dẫn tới quá tải trong công tác thẩm định.
Bên cạnh đó, một số đơn vị chủ đầu tư triển khai chậm, thiếu chủ động, bố trí nhân lực thực hiện chưa đủ, chưa phù hợp… Các dự án liên quan bảo vệ rừng cấp kinh phí quá lớn; dự án liên quan công tác đào tạo nghề thiếu giáo viên, học viên nên khả năng triển khai hoàn thành rất khó khăn…
Trong những đánh giá của Ban Dân tộc Nghệ An, thì một trong những khó khăn hạn chế của Chương trình MTQG 1719, vẫn là tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn chưa cao. Đại diện Ban Dân tộc Nghệ An cho biết: kế hoạch vốn sự nghiệp hàng năm đều rơi vào khoảng cuối quý II mới có quyết định phân bổ. Ngay như năm 2023, mãi đến 22/5/2023 mới có quyết định giao chi tiết. Năm 2024 này, vẫn đang phải chờ HĐND tỉnh thông qua.
Những khó khăn từ cơ sở cùng với những vướng mắc từ các văn bản hướng dẫn và chậm phân bổ nguồn vốn…, chính là những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ giải ngân các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 thấp, chậm.
Kế hoạch vốn của giai đoạn I từ 2021-2025 đã bước vào những năm cuối. Với tình hình thực tế như hiện nay, liệu tỉnh Nghệ An có giải ngân hết tất cả các nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 theo kế hoạch hay không?!…