DNVN – Theo bà Nguyễn Thuý Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để tránh việc mua bán lòng vòng, tạo nhiều tầng nấc trung gian, dự thảo Nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu của nhau, chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối…
Mục tiêu loại bỏ số liệu “ảo”
Bộ Công Thương đã tổ chức 4 lần lấy ý kiến các bộ, ngành và đây cũng là lần thứ 4 Bộ trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi các Nghị định 83, 95 và 80 với mục tiêu đưa ra một phương án hoàn chỉnh nhất, phù hợp nhất với tình hình thực tế hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thuý Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu đã xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu với 3 cấp (phân khúc): thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, thương nhân bán lẻ xăng dầu. Dự thảo quy định cụ thể về điều kiện, quyền và nghĩa vụ của thương nhân ở từng phân khúc.
Thực hiện ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, giảm tầng nấc trung gian trong khâu phân phối xăng dầu, Dự thảo Nghị định thiết kế theo hướng bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau, loại bỏ số liệu “ảo” về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường.
Bà Nguyễn Thuý Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).
Qua đó giúp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tính toán chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước để mua từ các nhà sản xuất trong nước, nước ngoài phục vụ cho tiêu thụ trong nước. Cơ quan quản lý Nhà nước xác định được chính xác nhu cầu tiêu thụ trong nước để thực hiện phân giao tổng nguồn hàng năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nhằm bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu thụ trong nước.
Một số ý kiến cho rằng, quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau có thể có yếu tố hạn chế cạnh tranh trên thị trường, không bảo đảm sự công bằng theo nguyên tắc thị trường gây ra phản ứng của thương nhân phân phối xăng dầu cho rằng bị phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thuý Hiền, kinh doanh xăng dầu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên thương nhân phải tuân thủ điều kiện khi tham gia kinh doanh.
Việc quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường. Các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau. Đồng thời, quy định này cũng tạo động lực cho thương nhân phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn (làm thương nhân đầu mối).
Những rủi ro từ quy định hiện tại
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đánh giá, hoạt động của thương nhân phân phối thời gian qua bộc lộ một số điểm mà qua quá trình kiểm tra, thanh tra và điều tra, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra đã chỉ ra.
Trong đó, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp) làm tăng thêm chi phí trong khâu này là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, không khuyến khích doanh nghiệp bán xăng dầu ra thị trường.
Việc mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau trên thực tế khiến cho cùng một lượng xăng dầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường nhưng đều nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng dầu của nhiều thương nhân phân phối xăng dầu, tạo nên con số tiêu thụ “ảo” trên thị trường, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nguồn cung, điều tiết thị trường.
Việc thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu lẫn nhau như hiện nay, trên thực tế còn phục vụ mục đích kinh doanh tài chính của doanh nghiệp, tạo doanh thu cho thương nhân phân phối xăng dầu để chứng minh tài chính khi vay vốn ngân hàng, không đảm bảo đúng mục tiêu kinh doanh xăng dầu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Vừa qua, cộng đồng hơn 150 doanh nghiệp phân phối và bán lẻ xăng dầu (gọi chung là nhóm thương nhân) đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Nhóm thương nhân đặt câu hỏi: “Trong bối cảnh hiện nay, khi một phần nguồn cung xăng dầu đã được sản xuất trong nước thì tại sao vẫn quy định chỉ có thương nhân đầu mối mới được mua từ các nhà sản xuất trong nước mà thương nhân phân phối lại không được?”. Hơn nữa, dự thảo Nghị định còn quy định thương nhân đầu mối được mua bán lẫn nhau, bao gồm cả mua từ thương nhân đầu mối khác, trong khi đó thương nhân phân phối lại chỉ được hay buộc phải mua từ một nguồn duy nhất là thương nhân đầu mối, không được mua bán với nhau. “Theo Nghị định 95/2021 sửa đổi Nghị định 83/2014, Chính phủ quy định cho thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ các thương nhân phân phối khác. Nay theo xu hướng mở cửa thị trường, đáng lẽ dự thảo Nghị định phải ít nhất tiếp tục duy trì như vậy thì lại huỷ bỏ, tức quy định hạn chế hơn?”, các thương nhân băn khoăn. Theo họ, với cách thức quy định về quyền kinh doanh như dự thảo Nghị định, các doanh nghiệp là thương nhân đầu mối sẽ đương nhiên trở thành người lãnh đạo thị trường, biến các doanh nghiệp còn lại là thương nhân phân phối rơi vào vị thế phụ thuộc hay làm thuê. Nhóm thương nhân cũng đặt câu hỏi: “Tại sao thương nhân đầu mối phải buộc có tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ và tối thiểu 40 thương nhân bán lẻ? Tương tự, thương nhân phân phối phải có tối thiểu 5 cửa hàng bán lẻ và tối thiểu 10 thương nhân bán lẻ?”. Các thương nhân phân phối cho rằng, việc đặt ra các điều kiện kinh doanh nói trên không chỉ tạo nên rào cản kinh doanh nói chung, mà còn gây ra sự bất bình đẳng hay tạo lợi thế cho các doanh nghiệp lớn vốn từ lâu đã sẵn có tiềm lực về cơ sở vật chất, tài chính và kinh doanh so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập… |
Minh Thu
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/vi-sao-thuong-nhan-phan-phoi-khong-duoc-mua-ban-xang-dau-voi-nhau/20241004052302480