Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có Công văn 1148/ATTP-NĐTT gửi Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM về việc phòng, chống ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn clostridium botulinum.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM phối hợp với các bệnh viện Nhi đồng 2, Nhân dân Gia Định, Chợ Rẫy theo dõi sát diễn biến tình trạng bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện; tổ chức điều tra, xác minh nguồn gốc thực phẩm, nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa không để các trường hợp ngộ độc tương tự xảy ra.
Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, ngăn chặn kịp thời các cơ sở kinh doanh, sản xuất giò, chả không đảm bảo an toàn, có nguy cơ phát sinh lây nhiễm vi khuẩn clostridium botulinum; đình chỉ ngay hoạt động của các cơ sở gây ra ngộ độc, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh trên địa bàn không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Tăng cường thông tin, giáo dục cho người dân không sử dụng những sản phẩm giò, chả không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh các biện pháp vệ sinh, bao gói sản phẩm, hạn chế sử dụng thiết bị đóng túi hút chân không tạo điều kiện môi trường yếm khí thuận lợi cho clostridium botulinum phát triển.
Trước đó, ngày 16.5, TP.HCM ghi nhận vụ ngộ độc botulinum sau khi ăn giò lụa không rõ nguồn gốc mua từ người bán dạo làm 4 người (trú tại TP.Thủ Đức) bị đau bụng, buồn nôn, ói và tiêu chảy nhiều lần, trong đó có 3 trẻ nhỏ phải nhập viện điều trị.
Vụ 3 anh em ngộ độc botulinum: Một bệnh nhi sắp xuất viện
Vi khuẩn gây độc sinh sôi trong môi trường kín
Theo Bộ Y tế, ngộ độc botulinum là do nhiễm độc tố của vi khuẩn clostridium botulinum. Ngộ độc này rất hiếm xảy ra, ở cả Việt Nam và trên thế giới. Nguyên nhân chính là do người bệnh nhiễm độc tố vi khuẩn trong thực phẩm kém chất lượng, ăn phải các loại thức ăn bảo quản không tốt.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, vi khuẩn clostridium botulinum tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau. Trong môi trường bất lợi, chúng tạo lớp vỏ bọc (nha bào).
Khi gặp môi trường thuận lợi, có dinh dưỡng và đặc biệt trong môi trường thiếu không khí, các nha bào này phá vỡ vỏ bọc, sinh sôi, phát triển và sinh độc tố. Do vậy, sử dụng thực phẩm đóng hộp, nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm có nguy cơ ngộ độc botulinum nhất.
Ngoài ra, tất cả các loại thực phẩm khác như: rau, củ, quả, hải sản… vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn clostridium botulinum nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm và được ủ, bọc kín.
Các loại thực phẩm phổ biến dễ gây ngộ độc botulinum là các thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo; đặc biệt, khi xu hướng sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm gia tăng, không đun chín kỹ thức ăn trước ăn.
Bác sĩ hướng dẫn 6 biện pháp phòng ngộ độc botulinum