Theo thống kê của Bộ GD-ĐT đến tối qua (27.8), xét tuyển ĐH đợt 1 cả nước có 673.586 thí sinh (TS) trúng tuyển, nhưng số TS xác nhận nhập học trên hệ thống là 551.479, đạt 81,87%. Như vậy cả nước có 122.107 TS từ chối trúng tuyển ĐH đợt 1.
Do đó, TS chưa trúng tuyển đợt 1 hoặc trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học vẫn còn cơ hội ở đợt xét tuyển bổ sung.
Thông tin được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1” do Báo Thanh Niên thực hiện chiều 27.8. Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
NHIỀU NGUYÊN NHÂN
Chia sẻ trong chương trình, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết sau 17 giờ ngày 27.8, TS trúng tuyển đợt 1 nhưng không xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD-ĐT coi như đã từ chối nhập học.
Nói thêm về tỷ lệ xác nhận nhập học, tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết số liệu tổng hợp về tình hình TS xác nhận nhập học năm nay được Bộ GD-ĐT tổng hợp và công bố sau thời điểm kết thúc thời gian xác nhận nhập học. Tuy nhiên, dữ liệu các năm trước cho thấy tỷ lệ TS cả nước nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT chỉ đạt khoảng 80 – 85% tổng số TS trúng tuyển. Ông Hải phân tích: “Các năm luôn có một tỷ lệ nhất định TS không xác nhận nhập học trên hệ thống dù trúng tuyển. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể một bộ phận TS đã trúng tuyển nguyện vọng không thực sự yêu thích nên không nhập học”.
Bí quyết xét tuyển nguyện vọng bổ sung khi không trúng tuyển nguyện vọng 1
Bên cạnh đó, tiến sĩ Hải cho rằng có những TS sau khi trúng tuyển mới tìm hiểu học phí các trường ĐH. Không chỉ học phí, sinh viên còn cần một khoản sinh hoạt phí để có thể theo học ĐH. Trong khi đó, chính sách cho sinh viên được vay vốn 4 triệu đồng/tháng lại chỉ thực hiện được sau khi TS đã trở thành sinh viên của trường ĐH. Tuy nhiên, nếu không xác nhận nhập học vì lý do tài chính, TS cần liên hệ trực tiếp các trường ĐH để tìm sự hỗ trợ. Hiện các trường ĐH có nhiều chương trình hỗ trợ tài chính với sinh viên khó khăn.
Thạc sĩ PHẠM DOÃN NGUYÊN (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM)
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, cho biết tỷ lệ xác nhận và làm thủ tục nhập học đến thời điểm này đạt khoảng 80%. Tương tự, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng ghi nhận tỷ lệ TS xác nhận nhập học tại trường đạt mức 80 – 85% tổng số TS trúng tuyển. Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên nhà trường, lưu ý TS gặp khó khăn tài chính còn băn khoăn về việc nhập học cần mạnh dạn liên hệ các trường. Các trường ĐH có những chính sách học bổng, hỗ trợ tài chính với tân sinh viên.
CẦN CÂN NHẮC NĂM SAU THI LẠI
Nhiều câu hỏi gửi về chương trình bày tỏ sự băn khoăn trong lựa chọn ngành xét tuyển bổ sung. Có những trường hợp từ chối xác nhận nhập học vì trúng tuyển ngành chưa như ý nhưng ở giai đoạn xét bổ sung lại tỏ ra băn khoăn hơn khi số ngành còn lại không nhiều. Thậm chí, có TS đang do dự việc chờ đợi thêm một năm để thi và xét tuyển lại.
Trước các băn khoăn này, tiến sĩ Võ Thanh Hải cho rằng đợt xét tuyển bổ sung là cơ hội cho TS chưa trúng tuyển nguyện vọng mong muốn ở đợt 1. Tuy nhiên, cơ hội xét tuyển đợt bổ sung không nhiều, TS cần cân nhắc lựa chọn phù hợp. Nguyên nhân là đợt bổ sung không nhiều trường xét tuyển, chỉ tiêu không nhiều và điểm chuẩn bổ sung cũng tối thiểu bằng đợt 1 trở lên.
Lời khuyên với các TS còn băn khoăn, tiến sĩ Hải cho rằng: “TS không nên chờ thêm một năm nữa để thi lại, xét tuyển lại bởi năm 2025 sẽ bắt đầu một chương trình học và thi hoàn toàn mới. Đừng nghĩ rằng năm sau mọi thứ thuận lợi hơn năm nay, chưa kể sau một năm trôi qua việc học có thể còn khó khăn hơn. TS cần cân nhắc thật kỹ để quyết định trong đợt xét tuyển bổ sung này”. Nhưng tiến sĩ Hải vẫn nêu trường hợp ngoại lệ khi phân tích: “Có nên chờ năm sau thi lại, điều này cũng còn tùy trường hợp cụ thể. Trường hợp TS hoàn cảnh nhiều khó khăn có thể phải tạm dừng việc học một năm để đi làm có tiền năm sau đi học. Với trường hợp này, TS cũng vẫn nên làm thủ tục nhập học và xin bảo lưu thay vì bỏ ngang năm sau thi lại”.
KHÔNG NÊN XÉT TUYỂN ĐẠI, TRÚNG TUYỂN ĐẠI
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên khuyên: “TS cần hình dung quá trình xét tuyển đợt bổ sung giống như đợt 1, chọn 1 ngành cần cân nhắc dựa trên sở thích, năng lực, sự phù hợp”. Thạc sĩ Nguyên nhấn mạnh: “TS không nên xét tuyển đại, trúng tuyển đại, không nên bằng mọi giá mọi cách để trúng tuyển vào một trường ĐH. Thay vào đó, nếu không đủ năng lực vào ĐH, TS có thể chọn học CĐ, có thể chọn hướng đi khác. Không nên trúng tuyển ĐH bằng mọi giá để phải trả lại giá đắt là trúng tuyển ngành nghề không mong muốn”.
Trong chương trình, tiến sĩ Võ Thanh Hải còn đưa ra những lời khuyên cụ thể với từng trường hợp trong giai đoạn này. Với TS chưa trúng tuyển đợt 1, khi tìm kiếm nguyện vọng bổ sung, TS chỉ cần quan tâm một việc là trường nào đang xét tuyển ngành mình yêu thích. Trường hợp TS đã trúng tuyển nhưng chưa đúng ngành mong đợi, nếu ngành trúng tuyển gần với ngành yêu thích thì nên mạnh dạn nhập học. Còn trường hợp TS đã trúng tuyển ngành chưa đúng ngành mong đợi, tiến sĩ Hải cho rằng TS cần thay đổi góc nhìn của mình. “Bởi hiện nay các doanh nghiệp khi phỏng vấn tuyển ứng viên, yếu tố trước hết họ quan tâm chính là năng lực làm việc thực sự của ứng viên đó”, ông Hải thông tin thêm.
Trúng tuyển đợt bổ sung có gì khác đợt 1 ?
Trước băn khoăn này của người học, tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết các trường ĐH đã có sự tính toán trong kế hoạch đào tạo cho một năm học để sinh viên dù trúng tuyển đợt 1 hay đợt sau cũng đều có thể học chung một đợt. Đặc biệt, thống kê các năm trước còn cho thấy sinh viên nhập học ở đợt xét tuyển bổ sung có tỷ lệ nhập học cao hơn cả đợt 1.
Lưu ý khi xét tuyển bổ sung
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, TS xét tuyển bổ sung cần lưu ý những quy định riêng của từng trường. Mỗi trường có thời hạn xét tuyển bổ sung khác nhau, kết quả xét tuyển cũng do từng trường thực hiện và thường trong khoảng thời gian rất ngắn. TS cần theo dõi thông tin cụ thể từng trường, ví dụ Trường ĐH Duy Tân nhận hồ sơ đợt cuối cùng đến ngày 7.9. Bên cạnh đó, TS cần lưu ý điểm xét bổ sung bằng điểm chuẩn lần 1 trở lên. Ở đợt xét tuyển bổ sung, TS không được hưởng các chính sách học bổng mức 50 – 100%.
Thạc sĩ Trương Quang Trị cho biết Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang xét tuyển đợt bổ sung nhiều ngành. TS khi tham gia xét tuyển bổ sung cần lưu ý mức điểm nhận hồ sơ bằng với điểm chuẩn đợt 1. Ví dụ, y khoa xét điểm thi tốt nghiệp THPT từ mức 23 điểm, ngành răng – hàm – mặt 22,5 điểm. “TS cần đạt mức điểm này thì mới đủ điều kiện xét tuyển. Nếu đạt dưới mức điểm này, TS không đủ điều kiện tham gia xét tuyển bổ sung”, thạc sĩ Trị nhấn mạnh.
Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho biết Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM không xét tuyển bổ sung dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. Trường chỉ xét tuyển bổ sung dựa vào kết quả học tập THPT với thời gian nhận hồ sơ đến ngày 15.9. Chỉ tiêu xét tuyển bổ sung của trường chỉ trên dưới 10%. Điểm nhận hồ sơ bằng với điểm chuẩn đợt 1 nên điểm chuẩn bổ sung sẽ bằng hoặc cao hơn đợt 1.
Nguồn: https://thanhnien.vn/vi-sao-thi-sinh-trung-tuyen-khong-xac-nhan-nhap-hoc-185240827145816008.htm