Thanh long Việt gặp thách thức khi xuất khẩu giảm ba năm liền, trong khi Mexico giành thị phần tại Mỹ, Canada, còn Trung Quốc, Ấn Độ đang làm chủ nguồn cung.
Chị Hoa, một thương lái chuyên thu mua thanh long ở Bình Thuận, cho biết từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng này tăng nhưng không xuất được nhiều hàng. “Các vụ trước, tôi bán vài chục tấn một ngày, nay sản lượng giảm một nửa vì chỉ xuất được hàng loại 1”, chị nói.
Theo chị Hoa, các tiêu chuẩn để xuất khẩu thanh long ngày càng khó hơn trước, nhất là hàng để xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ đạt vài container mỗi tháng.
Giám đốc một doanh nghiệp thu mua thanh long ở Bình Thuận cũng cho hay hiện mỗi ngày công ty ông xuất được vài chục, có khi chỉ vài container hàng, trong khi trước đây con số lên cả trăm.
Thanh long Việt Nam hiện đã xuất khẩu tới hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, thanh long Việt cũng xâm nhập các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn, New Zealand, Australia. Trước đây, thanh long của Việt Nam từng giữ thế độc tôn trên thị trường quốc tế khi chiếm 80-90% lượng giao dịch.
Tuy nhiên, thống kê của Tổng cục hải quan cho thấy từ năm 2019 đến nay, kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam liên tục giảm mạnh. Đặc biệt, trong năm 2021 và 2022, thanh long đã rớt khỏi top những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt hơn 632 triệu USD, giảm gần 39% so với năm 2021 và giảm trên 49% so với mức đỉnh năm 2019.
Hai tháng đầu năm nay, hoạt động xuất khẩu thuận lợi hơn nhưng thống kê của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho thấy xuất khẩu thanh long đạt gần 106 triệu USD, giảm 26,9% so với cùng kỳ 2022.
Lý giải sản lượng xuất khẩu giảm mạnh, đại diện các doanh nghiệp cho rằng hiện có nhiều nước tham gia sản xuất thanh long khiến thị trường ngày càng cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, Trung Quốc (thị trường chính của thanh long Việt) đã mở cửa thị trường nhưng hiện nay nước này đang chủ động canh tác thanh long nên nhu cầu nhập khẩu hạn chế so với các năm trước.
Cụ thể cuối tháng 2, Trung Quốc công bố đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long một năm, cao hơn Việt Nam 200.000 tấn, vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về sản lượng. Năng suất canh tác này gần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khoảng 2 triệu tấn một năm của quốc gia này.
Ấn Độ cũng đã trồng thành công loại quả này. Mới đây, Chính phủ Ấn Độ quyết định xây lộ trình canh tác lên 50.000 ha trong 5 năm tới, từ 3.000 ha hiện nay.
Ngoài ra, Mexico cũng đã canh tác được thanh long khiến thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và Canada bị hạn chế. Ông Tùng dẫn chứng, những năm 2010, Việt Nam xuất thanh long vào Mỹ rất tốt. Từ 2019 đến nay, khi Mexico canh tác được giống này đã chiếm thị phần tại Mỹ, Canada khiến Việt Nam không xuất được trái thanh long trắng qua đây (ngoại trừ một số ít loại ruột đỏ do quốc gia trên chưa canh tác được).
Các doanh nghiệp cũng dự báo sản lượng xuất khẩu thanh long sẽ sụt giảm năm nay. Các năm tiếp theo, giá mặt hàng này cũng khó tăng cao nếu hàng Ấn Độ, Trung Quốc sản xuất ra thị trường với sản lượng lớn. Nguy cơ hàng nước bạn sẽ xuất ngược sang Việt Nam khi giá của họ rẻ hơn.
Hiện, rau quả Việt khó sang Ấn Độ vì nước này đánh thuế cao. Thế nhưng, Việt Nam lại nhập siêu nhiều mặt hàng rau quả của Ấn Độ.
Trong bối cảnh Trung Quốc, Ấn Độ “chạy đua” về sản lượng thanh long, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng nông dân và doanh nghiệp Việt cần đánh giá lại thị trường để phát huy lợi thế của mình. Ngoài tập trung vào chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nông dân cần chọn thời điểm canh tác hợp lý.
Thay vì trồng ồ ạt như trước, cần tăng hàng trái vụ, thời điểm mà các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc không thể thực hiện. Mùa đông của Trung Quốc kéo dài rất khó trồng thanh long. Do đó, nông dân Việt Nam nên tăng trồng thanh long cho thu hoạch vào đầu năm và cuối năm vì thời điểm này hàng từ nước bạn rất ít, thậm chí khó cho trái.
Đồng quan điểm, ông Tùng cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh thu hoạch trước hoặc sau khi hàng nước bạn hết vụ. Muốn vậy, chính quyền địa phương phải thông tin với nông dân để họ có sự chuẩn bị và canh tác đúng quy hoạch. “Chúng ta cũng nên đẩy mạnh trồng thanh long ruột đỏ vì sản phẩm này các nước khó trồng”, ông Tùng nói.
Ngoài ra, để tránh phụ thuộc vào các thị trường, theo ông Tùng, các doanh nghiệp cần tập trung vào chế biến sâu.
Thi Hà