Thanh Hóa đứng đầu về doanh thu và lượng khách dịp lễ 30/4 nhờ lợi thế về văn hóa, tự nhiên và chính sách, nhưng kết quả còn khiêm tốn so với tiềm năng, theo giới chức tỉnh.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Thanh Hóa là địa phương đón đông khách nhất trong cả nước với trên 1,5 triệu lượt – con số kỷ lục, tăng hơn 27% so với cùng kỳ. Lượng khách đến Thanh Hóa gấp gần ba lần của Hà Tĩnh và gần bằng tổng của cả hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh gộp lại. Tổng doanh thu du lịch của địa phương dịp lễ đạt hơn 3.800 tỷ đồng, tăng gần 33% so với 2023.
Ngày 4/5, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, cho hay lượng khách du lịch dịp nghỉ lễ vừa qua tại địa phương được thống kê dựa trên dữ liệu từ các điểm du lịch. Khách đến tăng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Đại diện Sở phân tích kỳ nghỉ kéo dài, thời tiết nắng nóng, là một trong những nguyên nhân chính khiến người dân đi du lịch nhiều hơn. Thanh Hóa lại là địa phương có đa dạng các sản phẩm như du lịch biển, các bãi tắm nổi tiếng gồm Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng có Pù Luông, Bến En; du lịch văn hóa tâm linh địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu, Lê Hoàn.
Theo bà Nguyệt, những năm gần đây, các khu du lịch của Thanh Hóa đã đầu tư đồng bộ, hiện đại. Thanh Hóa cách Hà Nội khoảng 160 km, có đường cao tốc Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1A, quốc lộ 10 đi qua giúp kết nối với các tỉnh Đông Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc bộ thuận tiện hơn so với trước.
Các địa phương chuẩn bị kỹ cả về cơ sở hạ tầng và phong cách, chất lượng phục vụ nên “lấy lòng” được du khách, đặc biệt là khách nội địa. Năm nay, một số điểm vui chơi giải trí lớn ở Sầm Sơn, Hải Tiến lần đầu được đưa vào vận hành như quảng trường biển, công viên nước, chợ đêm giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm hơn trước.
Đại diện Sở cũng cho biết yếu tố khách quan giúp địa phương đón thêm nhiều khách là giá vé máy bay tăng cao thúc đẩy du khách lựa chọn đi gần, di chuyển đường bộ, đường sắt.
Lượng du khách đến đột biến, doanh thu du lịch đạt hơn 3.800 tỷ, dẫn đầu cả nước, nhưng theo đại diện ngành du lịch địa phương “đây là con số còn khá khiêm tốn”.
Trung bình một lượt khách đến Thanh Hóa chỉ chi tiêu hơn 1,7 triệu đồng mỗi ngày, thấp hơn bình quân nhiều tỉnh thành cả nước. Khách du lịch đến tỉnh đa phần là khách nội địa nên mức chi tiêu thấp, chủ yếu họ dùng tiền cho các dịch vụ cơ bản như ăn nghỉ và xe cộ. Lý do là phí dịch vụ tại các khu điểm du lịch ở Thanh Hóa rẻ hơn nhiều so với Đà Nẵng, Quảng Ninh.
“So với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, lượng khách như vậy cũng chưa phải quá đột biến”, bà Nguyệt nói.
Theo các đơn vị lữ hành, Thanh Hóa đông khách “không lạ” và lượng khách nội địa chủ yếu ở miền Bắc. Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Truyền thông của Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt, nói dịp lễ, công ty ghi nhận lượng dịch vụ lẻ bán tốt, chủ yếu là phòng khách sạn. Khách miền Nam, nhóm thích trải nghiệm, thưởng ngoạn địa danh hay cảnh hùng vĩ phía Tây Bắc, còn xa lạ với Thanh Hoá. Tỉnh cần thêm sản phẩm đặc sắc để thu hút tệp khách xa.
Bà Trần Thị Bảo Thu, đại diện Công ty Lữ Hành Vietluxtour, cho biết, với khách du lịch các tuyến Thanh Hóa, công ty chủ yếu bán các dịch vụ phòng khách sạn, ăn uống, cho thuê ôtô cho khách gia đình, khách lẻ và tour trọn gói như tổ chức team building, gala dinner cho khách đoàn.
Bà Thu đánh giá nhu cầu của các thị trường khách đoàn và lẻ du lịch Thanh Hóa vào mùa hè luôn rất cao. Dịp cuối tuần, các khách sạn, nhà hàng thường phục vụ 100% công suất. Nếu được đầu tư đúng mực, bà Thu dự đoán nhu cầu tới Thanh Hóa còn tăng nữa vì Sầm Sơn có đường bờ biển đẹp, lý tưởng để thư giãn hoặc tổ chức sự kiện thể thao biển.
Nhiều đơn vị lữ hành tin Thanh Hóa là điểm sáng của du lịch hè trong bối cảnh giá vé máy bay chưa hạ nhiệt. Vietluxtour cho biết Thanh Hóa sẽ là một trong những sản phẩm chủ đạo của đơn vị trong hè. Du lịch Việt có kế hoạch đẩy mạnh sản phẩm đường bộ tới biển trong phạm vi 300 km từ trung tâm Hà Nội, Thanh Hóa sẽ là một điểm đến chủ đạo.
Ngoài ra, đại diện một đơn vị lữ hành cho biết khách có thể tới Thanh Hóa du lịch quanh năm nếu tỉnh đầu tư hơn nữa nhiều loại hình trải nghiệm, từ nghỉ dưỡng, du lịch thể thao (golf, marathon) hay du lịch lịch sử, văn hóa.
Trong khi đó, với quyết tâm đồng bộ, hiện đại các loại hình dịch vụ và chuỗi hơn 145 sự kiện lễ hội trong năm 2024, gấp đôi năm trước, đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết đặt mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách cả năm, tăng hơn 10% so với năm 2023. Riêng doanh thu du lịch phấn đấu đạt hơn 32.000 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Lê Hoàng – Tú Nguyễn
Nguồn: https://vnexpress.net/vi-sao-thanh-hoa-dung-dau-du-lich-ca-nuoc-dip-le-30-4-4741972.html