Trên thực tế, bị tăng cân khi tập cường độ cao không phải lúc nào cũng là tín hiệu xấu. Việc tốt hay xấu lại phụ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Tập luyện cường độ cao nhưng lại tăng cân có thể là do những nguyên nhân sau:
Tăng cơ, giảm mỡ
Một trong những nguyên nhân thường gặp khiến dù tập luyện nhiều nhưng vẫn tăng cân là tăng cơ. Nhờ quá trình tập luyện, các mô cơ ngày càng dày hơn. Mô cơ nặng hơn mô mỡ nên trọng lượng cơ thể sẽ tăng.
Đây là tín hiệu tốt vì tỷ lệ cơ trong cơ thể đang tăng lên, trong khi tỷ lệ mỡ đang giảm xuống. Lúc này, người tập sẽ thấy dù tăng cân nhưng các khối cơ trong cơ thể sẽ lớn hơn và cũng sắc nét hơn.
Tích nước
Khi người tập thúc ép cơ thể tập luyện cường độ cao, đặc biệt là lúc chưa quen với cách tập mới, thì sẽ dẫn đến tình trạng cơ bắp bị viêm tạm thời và tích nước. Đây là một phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm chữa lành những vết rách siêu nhỏ trong cơ.
Người tập sẽ nhận thấy trọng lượng tăng nhẹ do cơ thể tích tụ nhiều nước hơn bình thường. Tình trạng tích nước này chỉ là tạm thời và không cần phải lo ngại. Lượng nước dư thừa sẽ sớm được đào thải ra khỏi cơ thể.
Tăng cảm giác thèm ăn
Tập luyện cường độ cao sẽ đốt lượng lớn calo. Điều này sẽ làm tăng cảm giác thèm ăn. Đây là phản ứng rất tự nhiên. Tuy nhiên, nếu người tập không chú ý đến chế độ dinh dưỡng mà nạp quá nhiều calo thì sẽ dễ dẫn đến tăng cân.
Chế độ ăn nên ưu tiên những món giàu protein, ăn nhiều rau củ, trái cây và hạn chế tinh bột trắng, đường và mỡ động vật. Ngoài ra, lượng calo nạp vào cơ thể nên cân bằng và tránh nạp quá nhiều, dẫn đến thặng dư calo.
Căng thẳng
Tập luyện cường độ cao sẽ làm tăng nồng độ hoóc môn căng thẳng cortisol. Cortisol tăng cao sẽ làm tăng tích tụ mỡ quanh bụng. Ngoài tập luyện, mọi người có thể áp dụng các biện pháp giảm căng thẳng như yoga, tập hít thở sâu hay thiền, theo Healthline.