Gần đây, một số tên tuổi lớn như The Coffee House, Starbucks liên tục có động thái dừng kinh doanh tại một số địa bàn đắc địa, dấy lên nhiều đồn đoán, bởi “miếng bánh” F&B (thực phẩm và đồ uống) vẫn còn rất tiềm năng, nhưng vì sao những ông lớn này lại cắt giảm cửa hàng?
Với mức giá thuê 700 triệu đồng/tháng, Starbucks quyết định đóng cửa hàng vì chủ nhà đòi tăng tiền thuê thêm 50 triệu đồng. Ảnh: Gia Huy |
Lao đao chuyện mặt bằng
Theo Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 của iPOS.vn, cả nước có khoảng 304.700 cửa hàng, giảm 3,9% so với số liệu năm 2023. Có ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa, trong khi số lượng mở mới có phần hạn chế.
TP.HCM là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi giảm gần 6% số lượng cửa hàng trên toàn thành phố.
Cuối tháng 7, các cửa hàng The Coffee House tại Cần Thơ thông báo đóng cửa. Trong tháng 8, ba chi nhánh còn lại tại Đà Nẵng cũng có kế hoạch dừng hoạt động toàn bộ. Như vậy, The Coffee House sẽ rút khỏi 2 thành phố trên sau nhiều năm mở rộng thị trường.
Để tối ưu chi phí, trước đó, The Coffee House dừng kinh doanh tại một số chi nhánh từng rất hút khách như Kim Mã, Nguyễn Tuân, Bùi Thị Xuân, Văn Quán (Hà Nội), Phạm Văn Chiêu (TP.HCM), Lạch Tray (Hải Phòng), Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Nghệ An và Bắc Ninh.
Giá mặt bằng liên tục tăng, khiến nhiều thương hiệu ngành F&B chuyển sang kinh doanh online, điển hình như The Coffee House, họ phát triển ứng dụng đặt hàng riêng, để tối ưu hóa chi phí và kiểm soát nguồn khách hàng.
Không chỉ The Coffee House, mới đây, ngày 26/8, Starbucks Việt Nam bất ngờ thông báo đóng cửa Starbucks Reserve Hàn Thuyên (quận 1, TP.HCM) – cửa hàng cà phê cao cấp đầu tiên và duy nhất của Starbucks ở TP.HCM.
Dù không đưa ra lý do cụ thể cho việc đóng cửa, nhưng nhiều đồn đoán từ dư luận chỉ ra rằng, thương hiệu này không “gánh” nổi phí thuê mặt bằng tại địa điểm trên.
Qua khảo sát cùng thời điểm trên các sàn thương mại cho thấy, giá thuê mặt bằng căn nhà 1 trệt 2 lầu có chiều ngang 8,5 m, dài 25 m, diện tích khoảng 210 m2, diện tích sàn hơn 630 m2 trên đường Hàn Thuyên hiện khoảng 750 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi phí khác.
Như vậy, đồng nghĩa Starbucks khi thuê căn tương tự tại đây sẽ phải chi khoảng 25 triệu đồng/ngày và 9 tỷ đồng/năm chỉ cho tiền thuê mặt bằng kinh doanh. Đây được đánh giá là khoản chi phí quá lớn trong bối cảnh mà đại diện này chia sẻ là gặp phải nhiều khó khăn trong vận hành doanh nghiệp, nhất là bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Tương tự, mặt bằng được coi đắt đỏ bậc nhất tại Ngã 6 – Phù Đổng (325 – Lý Tự Trọng, TP.HCM) thời gian qua liên tục đổi chủ khi không thương hiệu nào trụ nổi quá 2 năm thuê.
Theo tìm hiểu, trước đó, Phúc Long đã thuê mặt bằng này trong 5 năm với giá 14.000 USD/tháng. Từ năm 2019, chủ nhà lên giá 25.000 USD thì Phúc Long rời đi. Tiếp đến là Soya Garden và PhinDeli, đều thuê với giá 25.000 USD. Sau khi PhinDeli rời đi, mặt bằng này lên giá nhẹ một chút là 26.000 USD (khoảng 700 triệu đồng) và được siêu thị valy MIA thuê.
Kể từ khi Phúc Long rời khỏi đây vào năm 2019, chưa có bất cứ người thuê đến sau nào có thể trụ được trên 2 năm, Phin Deli hay MIA chỉ có ngót nghét 1 năm. Thậm chí, sau đó, cả Soya Garden và Phin Deli còn đi thụt lùi vì nhiều biến cố khác nhau.
Có 60 cửa hàng ở những vị trí bắt mắt của những đô thị trung tâm TP.HCM, Bình Dương, thuận lợi cho việc nhận diện thương hiệu. Ông Lê Thành Đạt, chủ thương hiệu Rau má Mix nhận định, mặt bằng tại ngã ba, ngã tư, hoặc những vòng xoay thì lượng khách rất cao và dễ hút khách. Tuy nhiên, giá mặt bằng tại đây cũng rất cao.
“F&B có 2 kênh bán hàng online và offline, nếu doanh nghiệp chấp nhận bài toán chi phí để đổi lấy các vị trí chiến lược nhằm xây dựng thương hiệu tại chỗ tốt thì bán hàng trực tuyến cũng sẽ tăng trưởng theo”, ông Đạt nói.
Mới có mặt tại thị trường đồ ăn Việt Nam, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hồng Linh, Giám đốc thị trường chuỗi đồ ăn Nhật (JCR Việt Nam) thuộc Maxim’s Caterers cho biết, dù thị trường F&B Việt Nam hiện rất tiềm năng, song với sự có mặt của khá nhiều thương hiệu ở các phân khúc, doanh nghiệp ông vẫn phải thận trọng thăm dò thị trường.
“Trong giai đoạn này, trước mắt chúng tôi chọn Vincom Đồng Khởi, vị trí trung tâm để định vị thương hiệu. Chúng tôi không ồ ạt chọn các vị trí đắc địa liên tục, mà phải dò xét, cân đối kỹ lưỡng theo kế hoạch kinh doanh ổn định nhằm tồn tại lâu dài. Bởi hiện nay, mức độ cạnh tranh ngành này ngày càng lớn, đầu tư chi phí, nhất là mặt bằng phải có chọn lọc, tính toán”, ông Linh nói.
“Miếng bánh” F&B có thực sự ngon?
Số liệu từ iPOS.vn cũng chỉ rõ, trước nhiều thách thức cùng sự cạnh tranh khốc liệt của “miếng bánh” F&B, các doanh nghiệp ngày càng dè chừng trong việc phát triển kinh doanh vào các tháng cuối năm nay. Có tới 61,2% doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì quy mô kinh doanh như hiện tại, trong khi đó, chỉ 34,4% dự kiến mở rộng thêm cơ sở mới.
Doanh thu các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam biến động mạnh qua từng tháng, Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm trong tháng 2 tới hơn 43,4%. Tháng 3 có tăng trưởng nhẹ, và sau đó giảm đều tới giữa năm.
Đơn cử, báo cáo kinh doanh doanh quý I/2024 của thương hiệu Starbucks cho thấy kết quả không mấy lạc quan, kể cả ở Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc.
Riêng Việt Nam, doanh số bán hàng của thương hiệu này giảm 4%, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 buộc nhiều cửa hàng phải đóng cửa.
Khảo sát của iPOS.vn cũng chỉ ra mức chi của khách hàng cho việc đi quán cà phê đã giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024 và số lần cũng giảm rõ rệt.
“Dù mức giá từ 41.000 đến 71.000 đồng/ly được nhiều khách chọn hơn (tỷ lệ tăng 11,5%), nhưng các phân khúc cao hơn lại suy giảm. Tỷ lệ người chi tiêu trên 100.000 đồng/ly đã giảm mạnh từ 6% xuống còn 1,7% trong 6 tháng đầu năm nay. Mức sẵn sàng chi tiêu giảm rất mạnh, báo động tới các thương hiệu ở phân khúc cao cấp như Starbucks Coffee, Arabica, The Coffee Bean & Tea Leaf…”, báo cáo chỉ rõ.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tổng giá trị doanh thu ngành F&B vẫn gây bất ngờ với mốc 403.900 tỷ đồng, bằng 68,46% doanh thu của cả năm 2023.
Còn theo Báo cáo triển vọng ngành F&B của Kirin Capital, giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam năm 2024 dự kiến tăng 10,92% so với năm ngoái, đạt mốc hơn 655.000 tỷ đồng.
Bài toán chiến lược kinh doanh
Ông Vũ Thanh Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần iPOS.vn nhận định, nửa đầu năm 2024 đã chứng kiến sự biến động mạnh mẽ, đặt ra không ít thách thức cho ngành F&B. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã cho thấy sự linh hoạt đáng kinh ngạc khi nhanh chóng điều chỉnh hoạt động, cắt giảm chi phí không cần thiết và tối ưu hóa dòng tiền.
Tương tự, ông Nguyễn Thái Bình, đồng sáng lập thương hiệu FBVI cho rằng, việc phân bổ chi phí tài chính luôn là vấn đề quan trọng ở bất kỳ doanh nghiệp nào, với đặc trưng của ngành F&B có nhiều chi phí ẩn khác nhau.
Bởi bài toán chi phí vận hành là thứ luôn khiến các chủ doanh nghiệp F&B đau đầu, vì thế, nhằm tối ưu lợi nhuận trên từng điểm bán hàng, nhiều doanh nghiệp đã loại bỏ các chi nhánh, cơ sở ở vị thế đắc địa nhưng không hiệu quả. Đồng thời, các hình thức nhượng quyền ra đời cũng là cách các nhà sáng lập thương hiệu san sẻ gánh chi phí vận hành.
Thị trường Việt Nam trong những năm gần đây là “miếng bánh” hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là dưới hình thức nhượng quyền. Theo thống kê của Bộ Công thương, trong vòng 10 năm trở lại đây, hơn 50% thương vụ nhượng quyền được ký kết tại Việt Nam đều thuộc lĩnh vực F&B.
Bên cạnh xây dựng thương hiệu, là doanh nghiệp hàng đầu sản xuất bánh trong ngành F&B, ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) cho rằng, điều quan trọng của doanh nghiệp là phải liên tục cải tiến để cho ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, tạo ra những trải nghiệm cho khách hàng. Hơn nữa, việc đầu tư, cải tiến máy móc, công nghệ, nhà xưởng phải được coi trọng.
Trong chiến lược tối ưu hóa chi phí, nhiều thương hiệu đã “đu trend” kinh doanh trực tuyến để bù đắp lại khoản cắt giảm các cửa hàng trực tiếp.
Như The Coffee House, dù cắt giảm loạt chi nhánh, nhưng đây cũng được coi là chiến lược khôn ngoan khi giá thuê mặt bằng liên tục neo cao. Thương hiệu này cũng chọn tập trung vào bán online.
Thay vì dồn lực cho cửa hàng vật lý, thương hiệu này đang phát triển ứng dụng đặt hàng riêng, để tối ưu hóa chi phí và kiểm soát nguồn khách hàng một cách chủ động. Đây cũng là mảng kinh doanh chiếm một nửa tổng giao dịch mỗi ngày của toàn hệ thống với 1,8 triệu người dùng thường xuyên.
Ông Ngô Nguyên Kha, CEO The Coffee House nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thuận tiện đối với khách hàng mua mang về. Chuỗi cũng đang phát triển các giải pháp đóng gói sáng tạo để ngăn chặn sự cố tràn và giữ nguyên đồ uống. Họ cũng xây dựng đội ngũ nhân viên tận tâm để hỗ trợ giao hàng, đảm bảo sự hài lòng của khách hàng.
Chính vì thế, dù giảm số lượng cửa hàng trực tiếp. Song qua khảo sát, lượng shipper nối nhau chờ lấy hàng tại các cửa hàng The Coffee House ở TP.HCM vẫn rất đông đảo. Nhờ thương hiệu này thực hiện chiến lược, khi đặt hàng qua ứng dụng, khách được hưởng nhiều khuyến mãi, ưu đãi, thường xuyên có chương trình mua 1, tặng 1.
Nguồn: https://baodautu.vn/vi-sao-starbucks-the-coffee-house-lien-tuc-cat-giam-cua-hang-d223843.html