(Dân trí) – Thời gian gần đây, nhiều người bày tỏ sự bức xúc khi liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi không mong muốn với nội dung mời chào vay tiền, môi giới, giới thiệu sản phẩm, hay thậm chí là lừa đảo.
Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã yêu cầu các nhà mạng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, nhằm loại bỏ SIM rác, SIM không chính chủ ra khỏi hệ thống. Sau đợt truy quét trên diện rộng, có tổng số 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp đã bị xử lý.
Tuy nhiên, vấn nạn cuộc gọi rác vẫn đeo bám người dùng di động tại Việt Nam. Thời gian gần đây, nhiều người bày tỏ sự bức xúc khi liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi không mong muốn với nội dung mời chào vay tiền, môi giới, giới thiệu sản phẩm, hay thậm chí là lừa đảo.
Vấn nạn cuộc gọi rác vẫn đang đeo bám người dùng di động tại Việt Nam (Ảnh: Thế Anh).
Trên thực tế, SIM rác không hoàn toàn là nguồn gốc của những cuộc gọi quấy rối, chào bán hay giới thiệu dịch vụ. Ngay cả SIM “chính chủ” cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Đây là nhận định của ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT, tại cuộc họp diễn ra vào tháng 9/2023. Theo ông Long, nguyên nhân của thực trạng này một phần là bởi hoạt động telesale hay tiếp thị từ xa qua điện thoại.
“Đây là một nghề, là marketing. Vì thế, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều đang phải chịu vấn nạn này. Và ngay cả khi đã chặn hết SIM rác, vẫn sẽ xuất hiện những cuộc gọi quấy nhiễu, lừa đảo. Chúng ta cần phân biệt rõ 2 khái niệm này”, Thứ trưởng Long nhận định.
Bộ TT&TT cũng đã có kịch bản nhằm ngăn chặn tối đa tình trạng phát tán cuộc gọi rác trên không gian mạng. Tuy nhiên, hoạt động này cần có sự chủ động vào cuộc của cơ quan, tổ chức có liên quan và của cả chính người dân.
Theo đó, các cơ quan, tổ chức như trường học, ngân hàng, bệnh viện cần chủ động phổ biến các số điện thoại và kênh liên lạc chính thống đến người sử dụng. Người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, cảnh giác khi nghe và thực hiện theo các yêu cầu từ số máy lạ, không có trong danh bạ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Viettel cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng cuộc gọi rác, lừa đảo theo tiêu chí nghi ngờ của Bộ TT&TT đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2023. Nhà mạng này cũng cho biết đã áp dụng các biện pháp triệt để ngăn chặn việc phát tán các cuộc gọi rác, lừa đảo.
“Viettel đã triển khai hệ thống Antispam call ứng dụng công nghệ AI (Pattern Matching), Big data để nhận diện nhanh các thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo. Viettel mong muốn người dân tích cực phản hồi tin nhắn khảo sát cuộc gọi rác, lừa đảo để cùng chung tay ngăn chặn triệt để vấn nạn này”, đại diện Viettel chia sẻ.
Bên cạnh đó, Viettel cũng tiến hành chuyển các phản ánh về cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo sang Cục An toàn thông tin để phối hợp với cơ quan công an xác minh và xử lý. Ngoài ra, để từ chối nhận các cuộc gọi quảng cáo không mong muốn, người dân có thể nhắn tin đăng ký vào danh sách không quảng cáo.
Trong khi đó, đại diện nhà mạng VNPT cho biết SIM rác thường được sử dụng trong cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo. Việc chuẩn hóa thông tin với các thuê bao có thể hạn chế cuộc gọi lừa đảo.
Tuy nhiên, các cuộc gọi rác như quảng cáo, tiếp thị, mời chào sản phẩm dịch vụ sẽ chưa bị loại bỏ vì về bản chất loại hình này không phải là loại hình cần che giấu thông tin.
“Khác với các cuộc gọi lừa đảo, các cuộc gọi rác hiện nay thậm chí còn chủ động cung cấp thông tin về công ty, tổ chức đang thực hiện cuộc gọi để mời chào người dùng tham gia sử dụng dịch vụ của họ. Điển hình trong đó là các cuộc gọi mời đầu tư, chứng khoán, bất động sản, du lịch, học ngoại ngữ”, đại diện VNPT chia sẻ.
Nhà mạng này cũng cho biết đã triển khai các hệ thống phát hiện tin nhắn rác, rà soát nghi ngờ thuê bao thực hiện cuộc gọi rác để đưa vào khảo sát và thực hiện khóa. Đồng thời, khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cũng được khuyến cáo liên hệ tới đầu số 156 để phản ánh.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/suc-manh-so/vi-sao-sim-rac-bi-xu-ly-cuoc-goi-quay-roi-van-con-20240709190729659.htm