Trước phản ánh về tình trạng phố cà phê đường tàu Phùng Hưng tái diễn cảnh tấp nập khách đến check-in, lãnh đạo phường Điện Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) đề xuất di dời tuyến đường sắt ra khỏi nội đô.
Đoạn phố trên có vị trí giáp ranh 3 phường: Điện Biên (quận Ba Đình), Cửa Nam, Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm), nên việc phối hợp quản lý còn bất cập. Lợi dụng việc này, các chủ quán cà phê bên đường tàu đã tìm mọi cách đưa khách vào bên trong, phớt lờ lệnh cấm.
“Ý thức của người dân sinh sống trong khu vực đường tàu và khách du lịch còn kém, dẫn tới việc mặc dù đã được tuyên truyền cảnh báo nhưng người dân và khách du lịch cố tình vi phạm, đặc biệt là khi lực lượng công an rút chốt”, lãnh đạo Công an phường Điện Biên thông tin.
Công an phường Điện Biên đã tiến hành điều tra các hộ dân sinh sống ở khu vực đường sắt (số 5 Trần Phú và số 10A Điện Biên Phủ) cho thấy, trên địa bàn xuất hiện một số hộ không treo biển kinh doanh, không đăng ký kinh doanh nhưng có hoạt động bán nước cho khách du lịch người nước ngoài để họ ngồi chụp ảnh, hoặc liên kết với các quán cà phê thuộc địa bàn các phường Cửa Nam, Hàng Bông cho mượn địa điểm để khách ngồi trước cửa nhà.
Tại khu vực đường tàu thuộc phường Hàng Bông, ghi nhận có 8 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ bán cà phê, nước uống. Tại khu vực đường tàu thuộc phường Cửa Nam, có 1 hộ dân bán cà phê, nước uống.
“Đặc biệt có 2 lối ra, vào nhà dân tại số 3 Trần Phú (phường Hàng Bông) và số 8 Điện Biên Phủ (phường Cửa Nam), người dân còn dẫn khách du lịch nước ngoài đi qua nhà để vào bên trong khu vực đường tàu, dẫn đến việc kiểm soát chốt chặn 2 đầu không đạt hiệu quả cao”, lãnh đạo Công an phường Điện Biên thông tin.
Trước thực trạng này, công an các phường kiến nghị Sở Du lịch khuyến cáo khách du lịch nước ngoài không đến tham quan chụp ảnh tại khu vực đường tàu nội đô do không đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Xuân Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Điện Biên cho biết đã từng kiến nghị nhiều lần đến các ngành, các cấp về vấn đề này nhưng chưa được giải quyết triệt để. Ông Minh mong cơ quan có thẩm quyền tiến hành di chuyển tuyến đường sắt ra khỏi nội đô.
“Trong trường hợp không bỏ được tuyến đường sắt nội đô này thì cần giải tỏa các hộ nằm trong phạm vi mất an toàn, ít nhất cách đường tàu 5,4m.
Thực tế hiện nay, trong vòng 2,5 – 3m đã có hộ dân sinh sống thì không thể đảm bảo được, vì đường đi chính của các hộ dân này nằm cạnh đường tàu”, ông Minh nói.
Lãnh đạo Công an phường Điện Biên kiến nghị Tổng Công ty đường sắt Việt Nam có trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ hạ tầng và hành lang an toàn giao thông đường sắt theo Nghị định 56/2018; Nghị định 14/2015; Nghị định 120/1963.
Trước đây, vào cuối năm 2023, chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội thuộc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cũng có văn bản đề nghị UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình triển khai các giải pháp tổng thể đảm bảo an ninh trật tự an toàn giao thông đường sắt, tránh tái diễn tình trạng khách du lịch, người dân đi lại trong khu vực hành lang đường sắt.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vi-sao-pho-ca-phe-duong-tau-o-ha-noi-tai-dien-canh-dong-duc-2344801.html