Chiều 14/5, tại Hà Nội, Chi hội Luật gia phường Bưởi, UBND phường, Hội Luật gia quận Tây Hồ phối hợp với Phòng Giáo dục quận Tây Hồ tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại trường THPT Đông Đô và cho các thầy cô giáo trường Mầm non Bình Minh, trường Mầm non Tây Hồ.
Dự Hội nghị có: Ông Lê Trung Đức – Ủy viên Ban thường vụ Hội Luật gia Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội Luật gia quận và bà Phạm Thị Thanh Giang – Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia quận Tây Hồ; bà Phan Thị Thúy Nga – Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy viên thường vụ Hội Luật gia quận, Chi hội trưởng, chi hội Luật gia phường Bưởi; bà Bùi Ánh Nguyệt – Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Tây Hồ; bà Vũ Thị Thủy- Hiệu trưởng trường THPT Đông Đô; bà Công Thị Thu – Hiệu trưởng trường Mầm non Tây Hồ; bà Trần Thị Thanh Huyền – Hiệu trưởng trường Mầm non Bình Minh. Cùng gần 400 cán bộ, giáo viên và các em học sinh.
Tại Hội nghị, TS. Hoàng Quốc Lâm – Chuyên gia thuộc Trung tâm truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phổ biến một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Nghị định 45 của Chính phủ và hướng dẫn cách nhận biết, kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình đến đông đảo học sinh và các thầy cô giáo.
Theo ông Lâm, ý thức của con người, yếu tố quyết định và vai trò quan trọng của giáo dục trong thay đổi nhận thức, hành vi phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
“Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn không khó, vướng mắc lớn nhất hiện nay, không gì khác, chính là vấn đề nhận thức và tư duy của cộng đồng”, ông Lâm nói và cho biết chất thải rắn có rất nhiều loại nhưng chất thải rắn sinh hoạt còn gọi là rác thải sinh hoạt là chất thải phát sinh hàng ngày của con người.
Quan điểm chất thải là thứ bỏ đi làm cho người thải chất thải có thái độ thờ ơ với chất thải, ngay cả việc họ phải thải như thế nào là đúng. Ông Lâm nêu dẫn chứng, như Hà Nội hiện phát sinh chất thải rắn sinh hoạt khoảng 7.000-10.000 tấn/ngày.
Theo ông Lâm, nếu không phân loại chất thải sinh hoạt thì sẽ tăng diện tích, tăng số lượng chất thải lên. Gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người hiện tại và tương lai. Thêm nữa, làm lãng phí tài nguyên với những chất thải có thể tái chế;
Do đó, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn rất quan trọng, ông Lâm cho hay việc phân loại này sẽ giúp thu được tiền từ tái chế, có thể chế biến thành phân vi sinh, thức ăn chăn nuôi và cuối cùng không thể sử dụng được nữa mới mang đi chôn lấp, làm giảm xử lý bằng phương pháp thiêu đốt và các phương pháp khác…
Chuyên gia cũng lưu ý, trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 không dùng từ “rác” thay vào đó là từ “chất thải”. Bởi, chất thải có thể tái chế, tái sử dụng tuần hoàn trong nền kinh tế tuần hoàn hiện nay.
Ngoài ra, theo Nghị định 45 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định sẽ xử phạt nếu như các hộ gia đình không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thì sẽ bị xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
“Đây là chế tài buộc mọi người phải làm nhưng để thực hiện được cần kiên trì có sự đồng lòng”, ông Lâm nói.
Tại Hội nghị, ông Lâm đã hướng dẫn các em học sinh, các thầy cô giáo phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Thông qua Hội nghị, bà Phan Thị Thúy Nga mong các thầy cô giáo và các em học sinh nắm được và thực hiện tuyên truyền, lan tỏa với mục đích “mưa dầm thấm lâu” để vào ngày 1/1/2025 khi cả nước thực hiện sẽ không có hộ gia đình, người dân nào của phường Bưởi bị xử phạt vi phạm về lĩnh vực môi trường.
Cùng với đó, thiết thực đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống, góp phần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 30-CT/TU ngày 19/02/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, thiết thực đóng góp vào kết quả xây dựng phường Bưởi đạt chuẩn “Đô thị văn minh”.
Kết luận Hội nghị, ông Lê Trung Đức mong muốn mỗi em học sinh, mỗi thầy cô giáo chính là những tuyên truyền viên giúp những người thân xung quanh hiểu, nhận biết và phân loại đúng chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Từ đó, góp phần xây dựng phường Bưởi sớm đạt chuẩn “đô thị văn minh” quậnTây Hồ trở thành quận trung tâm “Dịch vụ – Du lịch – Văn hóa tiêu biểu” của Thủ đô; xây dựng Thủ đô Hà Nội theo hướng “Văn minh, văn hiến, hiện đại”; nơi đáng sống.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-phai-phan-loai-chat-thai-ran-sinh-hoat-tai-nguon-a663589.html