Rà soát phương án tim tuyến
Tại hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì tim tuyến đoạn Km 195+200 đến Km 198+200 của cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương đi song song và cách mép ngoài QL27 tránh Liên Khương khoảng 50-70m.
Với phương án thiết kế tim tuyến này sẽ hình thành phần đất hành lang đường bộ ở giữa hai tuyến đường với chiều rộng khoảng 30m (quy định hành lang đối với đường cao tốc là tính từ ranh GPMB ra mỗi bên là 17m, đối với QL27 là 13m).
Tuy nhiên, hiện nay, dự án cao tốc không tính toán chi phí bồi thường và thu hồi phần đất thuộc hành lang đường bộ này, dẫn đến sẽ khó khăn trong công tác quản lí đất đai và trật tự xây dựng của địa phương.
Ngoài ra, sẽ hạn chế việc khai thác, sử dụng theo mục đích đất hiện tại của người dân (không được cấp phép xây dựng…) và còn tiềm ẩn mất ATGT. Do tồn tại nhà dân ở giữa hai tuyến đường gây hạn chế tầm nhìn tại các cống chui dân sinh.
Trường hợp bồi thường GPMB và thu hồi hết phần đất hành lang đường bộ ở giữa hai tuyến đường sẽ làm tăng chi phí GPMB và không đồng bộ về cơ chế bồi thường GPMB của cả dự án (chỉ bồi thường đến cọc GPMB).
Theo Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi đang trình thẩm định thì tim tuyến đoạn Km 195+200 đến Km 198+200 của cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương đi song song và bám sát QL27, có ranh GPMB của cao tốc trùng với chân mái ta luy đắp, đỉnh mái ta luy đào của QL27.
Với phương án trên sẽ không đủ quỹ đất để triển khai dự án mở rộng QL27. Trong khi đó, Ban Quản lý dự án 8 (Cục Đường bộ Việt Nam) đang lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư nâng cấp toàn tuyến QL27.
Tim tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương bám sát QL27
Theo đề xuất của cơ quan chuyên môn, phương án thiết kế tim tuyến đoạn Km 195+200 đến Km 198+200 của cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo hướng bám sát QL27. Đây là phương án cơ bản trùng ranh GPMB của dự án xây dựng đường cao tốc và dự án mở rộng QL27, để đảm bảo bồi thường GPMB và thu hồi hết phần quỹ đất giữa tuyến QL27 và đường cao tốc.
“Thực hiện phương án sẽ tạo thuận lợi trong công tác quản lí đất đai và trật tự xây dựng của địa phương. Không làm phát sinh tăng chi phí GPMB do không bồi thường đất thuộc hành lang đường bộ giữa hai tuyến đường.
Theo quy định tại Điều 15, 16 Luật Đường bộ hiện hành thì các tuyến đường giao thông đường bộ được phép chồng lấn hành lang đường bộ”, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Sở GVT tỉnh Lâm Đồng cho hay, đơn vị trao đổi, phối hợp với Ban Quản lý dự án 8 nhằm thống nhất phương án nâng cấp QL27 tránh Liên Khương (đoạn song song với cao tốc) thành đường cấp III đồng bằng với nền đường rộng 12m và mở rộng đều mỗi bên ra khoảng 2m so với đường hiện trạng.
Như vậy, xác định ranh GPMB của dự án mở rộng QL27 tại đoạn tuyến này là từ mép ngoài công trình, đỉnh mái đào, chân mái đắp theo hiện trạng ra khoảng 4m (gồm đất của đường bộ theo quy định tại Nghị định 11/2010, đường cấp III là 2m + 2m mở rộng nền đường).
“Với việc điều chỉnh dịch tim tuyến theo phương án này không làm thay đổi mục tiêu quy hoạch của tuyến đường mà vẫn phù hợp với Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Đồng thời, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Đức Trọng được phê duyệt thì giữa tuyến đường cao tốc (đoạn từ Km 195+200 đến Km 198+200) và QL27 chỉ quy hoạch đất giao thông, không có quy hoạch đất khác nên việc chỉnh cục bộ tim tuyến theo phương án này vẫn phù hợp”, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho hay.
Dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương đã được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 151/NQ-HĐND ngày 9/12/2022. Tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 74km, rộng nền đường 17m với 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 19.500 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đầu tư dự án theo hình thức đối tác công – tư (PPP).
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-phai-dieu-chinh-cuc-bo-huong-tuyen-cao-toc-bao-loc-lien-khuong-192240825072152275.htm